Phóng to |
Bà Mười Vinh và hai hàm răng giả của một thời “đổi mặt” - Ảnh: Tấn Đức |
Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Cánh buồm xuyên Tây Kỳ 2: Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông Kỳ 3: Những khoảnh khắc huyền thoại Kỳ 4: Bữa tiệc Tây
Đổi mặt
Từ năm 1972, sau những tổn thất lớn, tàu không số không còn sử dụng được nữa. Phương thức vận chuyển đổi sang hình thức mới: hoàn toàn công khai bằng các thuyền đánh cá hai đáy, phía trên đánh cá, chở hàng thuê, phía dưới vận chuyển vũ khí.
Ông Tư Mau từ các bến tiếp nhận Cà Mau, Bến Tre lại lên Sài Gòn đóng vai ông chủ vựa cá. Đích thân ông đi làm giấy tờ hợp pháp cho tàu thuyền, chạy căn cước giả cho các thủy thủ, đích thân ông cầm vôlăng lái tàu trong những chuyến công tác quan trọng. Được một thời gian, bến cá của ông bị chỉ điểm. Lính ập đến ngay khi con tàu do ông cầm lái chở ông Lê Đức Anh, tư lệnh Quân khu miền Tây, vừa nhổ neo.
Để có thể quay lại với nhiệm vụ, ông Tư Mau chủ động xin được thay hình đổi dạng. Tại Hà Nội, ông vào bệnh viện quân y, khoa phẫu thuật thẩm mỹ, lên bàn mổ hết lần này đến lần khác. Mổ mắt, tạo hình lại hàng chân mày. Chưa đủ. Nâng mũi, làm cho miệng rộng hơn. Chưa đủ. Xoay ngược da đầu, lấy tóc từ phía sau đưa lên phía trước. Vẫn chưa đủ. Đốt hết các dấu vân tay. Sau này, khi gặp lại gia đình, vợ con ông Tư Mau không nhận ra ông.
Một người khác nữa, âm thầm hơn, chính là má Mười Vinh. Sau những ngày tổ chức cho tàu ra Bắc, má lại tần tảo tiếp tục công tác, tiếp tế cho cán bộ. Bến Lộc An thông tuyến, tàu ra tàu vào, má vào bến làm công tác phục vụ. Khi bến bị lộ, má phải bỏ xứ, chuyển vào chiến khu D. Rồi công việc lại cần má ở Sài Gòn để tiếp tục công tác kinh tài và lo giấy tờ cho anh em. Nhưng ảnh bà Nguyễn Thị Mười đã dán đầy trong các bộ hồ sơ truy nã. Tổ chức hỏi: “Nghe nói chị dũng cảm lắm, giao việc này không biết chị làm nổi không?”. Trả lời: “Bất cứ việc gì tôi cũng làm được”. Hỏi nữa: “Trồng hai hàm răng giả để đổi khác khuôn mặt đi, chị chịu không?”. Má hơi bất ngờ, rồi quả quyết gật đầu. Mất một tháng, lần lượt vừa nhổ vừa làm răng giả, má Mười Vinh đã có một khuôn mặt mới, sẵn sàng để đi công tác thành.
Rồi ngày từ trong rừng ra, bất chợt máy bay thả bom ngay trước mặt. Hai anh giao liên hi sinh. Má Mười quỵ xuống. Đến khi tỉnh dậy, tự má garô vết thương, lết vào trong bụi. Anh em chạy ra cáng má quay về trạm xá. Bác sĩ kiểm tra các miểng bom găm trong người, bảo: “Mổ lấy hết ra sẽ mất ba tháng vết thương mới lành”.
Má hỏi: “Nếu không mổ thì sao?”. “Không mổ thì một tháng sẽ lành, nhưng sau này chị sẽ phải chịu nhiều di chứng”. Má quyết định không mổ để mau chóng lên đường. Đến hôm nay, mấy miểng bom vẫn còn nằm trong người, vẫn đau nhói mỗi lúc trở trời. Tất cả những việc ấy là để giữ bí mật, nên má Mười Vinh ít khi kể ai nghe. Hôm nay, đến tuổi 92, hai hàm răng giả ấy đã hỏng nhưng má vẫn giữ kỹ trong một ngăn kéo cùng với những tấm ảnh xưa cũ ố vàng, như giữ lại một cuộc đời.
Nén lòng vì đại nghĩa
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ván ọp ẹp ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, ông Tư Cương (Lê Văn Kiềm), nguyên đội trưởng đội ghe bến Thạnh Phong năm nào, không giấu được nét buồn. Sau những câu chuyện về các kho nổi, kho chìm khắp rừng Bình Đại, Thạnh Phong, những chuyến ghe cảm tử đưa vũ khí đến các chiến khu miền Đông, rừng Sác, Sài Gòn, ông kể về một góc khuất khác cũng đã khuất lấp như những căn hầm chìm trong đầm lầy ngày ấy. “Tôi đang làm công tác dân quân ở huyện Bình Đại thì được điều động vào bến...”, ông bắt đầu.
Để giữ bí mật, các đội phục vụ bến khi đó được công bố là “bộ đội tự túc”. Họ vào các khu rừng cửa sông, dọc biển, dựng lán trại và mò cua, bắt cá, mang ra xóm đổi gạo với dân. Người dân ngạc nhiên, theo dõi một thời gian rồi bắt đầu xì xào: “Mấy chú này chắc bị kỷ luật nên bị đưa đi tự túc. Bộ đội gì mà không đi chiến đấu...”. Đã có bà má đến xin gặp chỉ huy để đòi con về vì “Tôi không cho nó đi bộ đội để rồi tự túc”.
“Ai nói gì chúng tôi cũng phải cắn răng im lặng, mà việc đó, với tính cách người miền Tây mình là một việc rất khó”, ông Tư Cương trầm ngâm. Bắt đầu có tàu vào liên tục, công việc cuốn đi, bay biến cả nỗi ấm ức mặc cảm, mọi quan hệ với bên ngoài cũng bị cắt đứt tuyệt đối. Lại có những nỗi buồn khác.
“Mấy đứa con đều đi thoát ly, má tôi ở nhà thương lắm. Một lần tình cờ bà nghe được tin tôi đóng quân ngay gần nhà, bà dò hỏi, lần mò tìm đến được cửa bến, xin vào thăm. Ở ngoài báo cho tôi, nhưng quân lệnh cấm ngặt không ra được, tôi nhờ anh em nói lại: Thằng Kiềm trước có ở đây nhưng giờ được điều đi nơi khác xa rồi. Má tôi không tin, bà quay về, buồn, bệnh luôn từ đó”. Phải đến khi bến Thạnh Phong bị lộ, trước khi chuyển sang bến khác tận biên giới Campuchia, ông Tư Cương mới được về thăm nhà. Chỉ ít lâu sau má ông mất.
Hai năm sau đó, người vợ trẻ của ông cũng mất khi con trai mới hai tháng tuổi. Đang bận theo một chuyến hàng, ông cũng không về được.
Các thủy thủ đoàn M25 cũng không quên câu chuyện của anh Miên. Một lần tàu mắc cạn ở vàm Lán Cháo (Cà Mau), ngay nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Đã hơn mười năm xa quê từ ngày tập kết, nỗi nhớ trào lên nhưng anh vẫn không dám thổ lộ ra bên ngoài. Thuyền trưởng lại cử anh lên bờ liên hệ với địa phương để mượn thêm lưới ngụy trang.
Vừa bước lên con đường làng, anh thấy cha mình từ một lối ngang rẽ ra, đi ngược lại. Miên kể: “Trong bụng mình rối lên, vui mừng xen lẫn lo lắng. Ba còn sống, mạnh khỏe, mừng quá xá, nhưng gặp bây giờ thì lộ con tàu vừa từ ngoài Bắc vào. Trong lòng tự nhiên nảy ra hi vọng kỳ quặc: mình đi lâu rồi, có khi ông sẽ không nhận ra.
Vừa lúc ấy ông dang hai tay kêu: “Thằng Miên vô bao giờ đó con?”. Chẳng biết lúc ấy suy nghĩ ra sao, chỉ còn nhớ chữ “bí mật”, mình quay mặt đi: “Có lẽ bác lầm”... Hơn một năm sau anh mới được về thăm nhà. Đến lượt cha anh quay mặt, giận dữ: “Mày không phải là con tao...”.
Kể cả những người không liên quan trực tiếp đến những chuyến tàu cũng phải cắn răng như thế. Như câu chuyện của vợ anh Ba Thắng (thuyền trưởng Hồ Đức Thắng). Bao năm dằng dặc xa chồng, tuyệt mù tăm tích, chị hoạt động trong ấp chiến lược, nuôi con. Bỗng một hôm được liên lạc báo đi công tác đặc biệt. Chị được dẫn vào một khu rừng, và ở đó được gặp chồng, được hai ngày hạnh phúc. Rồi chị có thai. Gia đình ruồng bỏ, tổ chức khai trừ, làng xóm khinh khi. Chị cắn răng sinh con, nuôi con một mình, chờ chồng thêm mười năm nữa cho đến ngày hòa bình.
Những thinh lặng ấy là để cho ngọn sóng trào, nâng lên những con tàu anh hùng.
____________________
Nếu ví các con tàu không số như những chiếc “tàu mẹ”, thì ở các bến tiếp nhận lại có những đội “tàu con” để chuyển tiếp vũ khí đến chiến trường. Tàu con cũng gài sẵn bộc phá, sẵn sàng cảm tử, xóa mọi dấu vết để bảo vệ bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển...
Kỳ tới: “Xe” lội nước - kho vô hình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận