18/06/2012 08:15 GMT+7

Thiếu vỉa hè, thừa rác thải

NHÓM PV CTXH (còn tiếp)
NHÓM PV CTXH (còn tiếp)

TT - Liên tục nhiều năm liền TP.HCM chọn chủ đề “nếp sống văn minh” để chấn chỉnh trật tự đô thị. Thời gian đầu cũng có những chuyển biến nhất định nhưng dần dần mọi chuyện đang trở lại như cũ.

bS7tPAoo.jpgPhóng to
Vỉa hè đường Lũy Bán Bích đầy xà bần - Ảnh: SƠN LÂM

159 tuyến đường đã được đăng ký với UBND TP.HCM để thực hiện tuyến đường kiểu mẫu nhưng phần lớn đều chưa “kiểu mẫu”. Trong khi đó, tại nhiều chung cư thì tràn ngập rác đến nỗi nhiều người phải treo bảng “Xin đừng đổ rác lên đầu chúng tôi”.

Đường mẫu: thương hiệu “nhậu bờ kè”

Đường Hoàng Sa, Trường Sa, hai con đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được TP xác định là tuyến đường kiểu mẫu “xanh, sạch, đẹp, thân thiện”. Dọc bờ kè chỉ còn một vài đoạn đang tu sửa, xây dựng lại. Tuy nhiên, nạn lấn chiếm lề đường của các quán nhậu trên hai tuyến đường này không mấy sút giảm, thậm chí nhiều chỗ còn ngang nhiên chiếm luôn cả một đoạn đường dài.

Quán nhậu Ngọc Hương (số 17-18-19 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận) là một trong những quán nhậu nổi tiếng với “thương hiệu”... bờ kè. Quán có diện tích khá lớn, có thể đặt cả chục bàn nhậu, phần sau của quán thông ra đường Hoàng Sa (phía chân cầu Kiệu) nên gần 100m vỉa hè đường Hoàng Sa trở thành điểm kinh doanh chính của quán. Chưa hết, quán còn tận dụng thêm một phần vỉa hè đường Hoàng Sa để giữ xe. Khoảng 19g trở đi, khách ngồi kín các bàn nhậu vỉa hè. Quán nhậu đông kéo theo nhiều người buôn thúng bán bưng cóc, xoài, đồ nhậu, rồi cả các dịch vụ ép dẻo giấy tờ, xe nhạc bán kẹo kéo... gây ầm ĩ từ chiều đến gần 3g sáng.

Không chỉ quán Ngọc Hương, nhiều quán nhậu khác dọc tuyến bờ kè này đều chung tình trạng lấn chiếm vỉa hè. “Khách đã đến khu vực bờ kè toàn yêu cầu được ngồi ngoài vỉa hè cho mát mẻ, biết là có lấn chiếm nhưng cũng phải chiều thôi” - anh Minh, một chủ quán trên đường Hoàng Sa (thuộc P.13, Q.3) cho hay. “Thương hiệu” nhậu bờ kè vì thế dần trở thành quen thuộc với khách nhậu.

Theo ghi nhận, đa số quán nhậu mở dọc tuyến bờ kè đều thuê một mặt bằng rất nhỏ, có trường hợp chỉ thuê được một căn nhà khoảng 20m2. Với mặt bằng như thế chỉ đủ nấu nướng, chứa thực phẩm, quầy tính tiền, không còn chỗ để bàn ghế. Cộng với thói quen ưa ngồi ngoài trời của khách nên tất tần tật không gian kinh doanh chính của các quán là vỉa hè.

Nhiều tuyến đường khác ở TP.HCM cũng trong tình trạng “không có vỉa hè” do tình trạng lấn chiếm buôn bán, làm bãi giữ xe. Đường Đặng Thái Thân (bên hông Bệnh viện Đại học Y dược, Q.5) bị chiếm cả hai bên vỉa hè để giữ xe. Đường Bạch Đằng (đoạn thuộc P.24, Q.Bình Thạnh) có rất nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh xe máy cũ lấn chiếm toàn bộ vỉa hè.

Phố... xà bần

Tình trạng đổ trộm xà bần, rác thải trên đường phố cũng không phải là chuyện hiếm gặp, nhưng đổ tới hàng tấn, kéo dài trên một đoạn đường tới hơn 300m như trên đường Lũy Bán Bích (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) thì quả là quá quắt.

Trên đoạn đường này, từ ngã ba Lũy Bán Bích - Trương Vĩnh Ký đến ngã ba Lũy Bán Bích - Độc Lập, hơn một năm nay lề đường phía bên trái thành bãi đổ xà bần và đủ thứ rác thải. Toàn bộ phần lề đường và phần vừa được giải tỏa cặp theo bức tường của Công ty Đông Nam chỉ toàn xà bần và rác. Chị Nga, một người dân ở đường này, ngao ngán nói: “Đoạn đường này không biết từ khi nào nghiễm nhiên trở thành nơi đổ đủ thứ phế thải, trông chướng mắt vô cùng mà không thấy ai nhắc nhở”.

Không chỉ xà bần, nơi đây còn là chỗ đổ rác của các hộ dân trong khu vực. Trời mưa, các bao chứa rác mục rữa, lộ ra phần rác thải bên trong hòa lẫn với xà bần. Rác cũ, rác mới làm đoạn đường trở nên nhếch nhác và bốc mùi khó chịu. “Cứ để tình trạng như thế này, chẳng mấy chốc nơi đây thành... bãi rác Đông Thạnh!” - anh Hải, một người dân, than thở.

Bà Đoàn Thị Mai Phương, chủ tịch UBND P.Tân Thành, cho hay phường đã nhiều lần tìm cách giải quyết và kiến nghị xử lý đoạn lề đường đầy rác và xà bần này nhưng không hiệu quả. Bà Phương than phiền P.Tân Thành rất vất vả với đống xà bần này, đêm nào cũng tuần tra nhưng lực lượng mỏng nên đống xà bần và rác ngày mỗi dày thêm.

“Xin đừng vứt rác lên đầu chúng tôi”

Không chỉ sống trong môi trường ô nhiễm, người dân ở chung cư 234 Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh) còn nơm nớp nỗi lo bị đổ rác lên đầu. Chung cư này cao bảy tầng, hơn 200 hộ dân đang sinh sống. Tình trạng vứt rác bừa bãi kéo dài khiến những hộ dân có nhà gần chung cư phải dùng sơn viết chữ “Xin đừng vứt rác lên đầu chúng tôi” trên các mái nhà để mong những hộ khác “thương tình” đừng vứt rác bừa bãi.

Ngồi quan sát tại giếng trời chung cư chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã suýt bị những hộ dân trên các tầng cao vứt hộp sữa giấy và vỏ, hột mít trúng người. Một công nhân phụ trách thu gom rác ở đây cho biết: “Không chỉ bao nilông, hộp sữa mà ngay cả những tô nước phở, bún bò cũng được vô tư hất từ tầng trên xuống. Mỗi ngày tôi hai lần quét dọn nhưng không bao giờ gom hết rác, mình vừa quét xong thì họ lại vứt rác xuống”. Ông Nguyễn Toàn Nhân - thành viên ban quản trị chung cư 234 Phan Văn Trị - thừa nhận mình là một trong những nạn nhân của vấn nạn vứt rác bừa bãi.

Dọc lối đi lên các lầu ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5) đâu đâu cũng thấy rác nằm lăn lóc. Sáng 12-5, khi chúng tôi vừa bước vào bãi giữ xe thì từ trên lầu một bịch rác rơi bộp xuống nền chung cư, văng tung tóe. Một người dân ở đây nhắc nhở: “Vào chung cư cẩn thận đá, rác rơi trúng đầu”.

Theo tìm hiểu, mỗi căn hộ ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo đều phải đóng tiền rác mỗi tháng 30.000 đồng, rác thải sinh hoạt tại chung cư có hẳn một nơi tập kết riêng và có nhân viên vệ sinh tới dọn dẹp. Nhưng một người dân sống ở lầu 3 cho biết: “Nhiều người thường lén lút vứt rác vào ban đêm. Dù chúng tôi đã tha thiết viết lên tường “Xin đừng vứt rác” nhưng chẳng ai quan tâm”.

Địa phương phải có trách nhiệm

Ông Trần Hồng Nam - phó thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết theo phân cấp vỉa hè là do quận, huyện quản lý nên để vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, giữ xe là thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thanh tra Sở GTVT triển khai nhiều đợt dọn dẹp lấn chiếm vỉa hè, sau đó bàn giao lại địa phương quản lý, việc duy trì vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ tốt hay không là do phường xã có cương quyết dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè hay không.

Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM - cho rằng ngân sách TP đã bỏ vốn đầu tư rất lớn xây dựng nhiều tuyến đường và vỉa hè đẹp. Không thể chấp nhận việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

NHÓM PV CTXH (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên