16/06/2020 13:59 GMT+7

Thiếu niên 17 tuổi kiện chính quyền ban hành quy định cấm chơi game

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Sau khi chính quyền tỉnh Kagawa thuộc đảo Shikoku đưa ra quy định hạn chế thời gian chơi game và sử dụng Internet với những người trẻ tuổi, Wataru quyết định nộp đơn kiện chính quyền tỉnh.

Thiếu niên 17 tuổi kiện chính quyền ban hành quy định cấm chơi game - Ảnh 1.

Cậu bé 17 tuổi kiện chính quyền tỉnh vì đưa ra quy định giới hạn giờ chơi điện tử. Ảnh: tech2.com.au

Đối với Wataru, một nam sinh 17 tuổi tại Nhật Bản, cơ hội duy nhất để cậu trở thành một người anh hùng là khi bước vào thế giới của những trò chơi điện tử nhập vai trực tuyến.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền tỉnh Kagawa thuộc đảo Shikoku đưa ra quy định hạn chế thời gian chơi game và sử dụng Internet với những người trẻ tuổi, Wataru quyết định nộp đơn kiện chính quyền tỉnh. Bất ngờ hơn, cậu bé 17 tuổi này đã nhận được sự ủng hộ từ các luật sư hàng đầu quốc gia.

'Cháu nghĩ thay vì chờ đợi ai đó thay mình hành động thì cháu nên tự hành động. Điều này có thể tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội', cậu bé nói.

Vào tháng 4, tỉnh Kagawa đã trở thành khu vực tiên phong ở Nhật Bản ban hành luật để giải quyết nạn "nghiện game" bằng cách đưa ra giới hạn về thời lượng chơi game. Quy định này áp dụng cho bất kỳ ai dưới 20 tuổi trở xuống, độ tuổi chiếm đa số người chơi game ở Nhật Bản.

Giống với nhiều quốc gia khác, Nhật lo ngại việc trẻ em dành quá nhiều thời gian chơi game có thể gây hại cho sức khỏe, quan hệ xã hội cũng như thành tích học tập của họ. Do vậy, các quy định này được kỳ vọng có thể giải quyết tốt với vấn nạn 'nghiện game'.

Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã bổ sung 'rối loạn do trò chơi điện tử' vào danh sách các bệnh đã được thừa nhận chính thức. Những nỗ lực này nhằm giúp học sinh có thể tập trung vào việc học và kiểm soát chặt chẽ hơn trò chơi không lành mạnh.

Tại Liên minh châu Âu và Anh, các cơ quan quản lý đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế các trò chơi có hình thức giống như sòng bạc có tính gây nghiện mà các nhà sản xuất trò chơi tạo ra. Tại Nhật Bản, chính phủ cũng đã triệu tập đội ngũ chuyên gia gồm các nhà tâm lý học trẻ em và giám đốc điều hành trò chơi để đưa ra đề xuất về đối phó với thách thức này.

Tỉnh Kagawa là khu vực đi đầu trong vấn đề này. Ông Ichiro Oyama, cựu chủ tịch hội đồng tỉnh và người đứng đầu nhóm vận động chính trị nhằm chống lại sự phụ thuộc vào trò chơi điện tử. Oyama đã thúc đẩy các quy định này sau khi chứng kiến con gái mình thường xuyên trốn trong phòng chơi game của bạn bè. Ông tin rằng chơi game có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm gia đình.

Oyama đã đề cập trong cuộc phỏng vấn rằng ông hy vọng sẽ quốc hữu hóa những nỗ lực của mình. Cho đến nay, mới có thành phố Odate ở tỉnh Akita thực hiện quy định này nhưng đã phải tạm dừng, với lý do gặp phải một số vấn đề pháp lý.

Wataru và những người ủng hộ cậu bé cho rằng có nhiều cách giải quyết vấn nạn 'nghiện game' hợp lý hơn. Đối với họ, quy định của tỉnh Kagawa không chỉ thiếu bằng chứng khoa học, xâm phạm quyền cá nhân mà còn can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình - chủ đề vốn nhạy cảm với Wataru bởi cậu được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân.

Theo New York Times, Wataru đã nhận được sự ủng hộ của luật sư Tomoshi Sakka. Vị luật sư này cũng đã nhận đại diện trước pháp luật cho cậu bé. Luật sư Sakka cho rằng quá trình kiện tụng sẽ kéo dài vài năm sau khi ông nộp đơn lên tòa án vào mùa hè này nhưng ông tin rằng tỉ lệ thành công của mình là rất cao.

Tokihiro Matsumoto, một luật sư và thành viên của nghị viện cũng đồng tình với quan điểm của Wataru nhưng không chắc về khả năng thành công của vụ kiện. Theo ông Matsumoto, muốn thắng kiện, nguyên đơn phải chứng minh rằng quy định của tỉnh Kagawa vi phạm quyền cá nhân, như một hình phạt hoặc một vụ bắt giữ. Tuy nhiên, Kagawa không đưa ra bất kỳ hình phạt nào nên rất khó để xác định nó ảnh hưởng thế nào đến quyền trẻ em.

Tuy nhiên, ông Matsumoto cho rằng ngay cả khi không có chế tài xử phạt, những khuyến nghị từ chính quyền cũng gây hiệu ứng mạnh mẽ. Ví dụ như trong đại dịch, chính phủ yêu cầu mọi người giãn cách xã hội và phần lớn đều làm theo dù không có chế tài xử phạt nào được đưa ra.

Bên cạnh đó, trong đại dịch, trẻ em khó có thể không tiếp xúc với màn hình điện tử. Nhiều bậc phụ huynh hài lòng khi con họ ở nhà và chơi điện tử vì không tìm được địa điểm vui chơi khi cả công viên giải trí lẫn trung tâm thể thao đều đóng cửa.

Wataru nói rằng mức độ hứng thú với trò chơi điện tử của cậu chỉ như những học sinh trung học bình thường. Khi không làm việc bán thời gian tại McDonald, cậu thường chơi các trò chơi nhập vai của Nhật Bản như Puzzle & Dragons và Monster Strike.

Wataru phản đối quy định của tỉnh Kagawa nhưng vẫn tôn trọng nó. Dù vậy, cậu quyết tâm chiến đấu, bất kể quá trình pháp lý kéo dài bao lâu.

'Những em nhỏ hơn cháu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Nếu cháu không làm điều này thì ai làm?', cậu nói.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên