27/12/2014 16:08 GMT+7

​Thiếu nhi luôn thiếu sách

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Sáng 26-12 tại Hà Nội, Trung tâm Ngôn ngữ và văn học - nghệ thuật trẻ em, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo “Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Phần lớn những bộ truyện quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam là của nước ngoài. Trong ảnh: em Hoàng Đăng Khoa - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - đọc truyện Doraemon tại nhà sách Kim Đồng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chiều 26-12 - Ảnh: Q.Định

Theo ban tổ chức, trước đó đã có gần 40 bản tham luận của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các nhà văn, nhà giáo trên cả nước gửi về hội thảo chủ yếu đề cập hai vấn đề: văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế và văn học thiếu nhi trong nhà trường.

PGS.TS Vân Thanh (Viện Văn học) cho rằng từ chiến tranh sang hòa bình, từ đổi mới đến hội nhập, dường như thiếu nhi không có hoặc có rất ít sách mới để đọc, thay vào khoảng trống đó là sự tràn lấn của sách dịch và sự thống trị của truyện tranh trong đời sống văn học thiếu nhi nước ta.

Ðồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Thị Mai Liên (ÐH Sư phạm Hà Nội) sau khi khảo sát truyện tranh manga Nhật Bản ở Việt Nam trên bốn phương diện: dịch thuật, nghiên cứu phê bình, giảng dạy và sáng tác đã chỉ ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở thể loại sách được thiếu nhi rất yêu thích này.

Theo TS Mai Liên, truyện tranh vốn được trẻ em rất yêu thích, lại đang tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, khó quản lý nên rất cần thiết phải phân loại rõ ràng truyện tranh ở các cấp độ khác nhau để hướng tới từng đối tượng độc giả phù hợp: truyện tranh hoàn toàn trong sáng, có giá trị giáo dục nổi bật cao (truyện Ehon); truyện tranh xét về tổng thể, có giá trị giáo dục lớn nhưng có những chi tiết cụ thể phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam như trong truyện Doraemon có chi tiết Nobita nhiều lần rình xem bạn tắm, học sinh tiểu học đánh nhau, nói dối...; truyện tranh bạo lực, khiêu dâm mà tiêu biểu nhất là hai bộ Bảy viên ngọc rồng Thám tử lừng danh Conan...

“Với những tác phẩm như Doraemon, khi ký kết bản quyền với đối tác, các NXB nên thương lượng để bỏ đi một số chi tiết không phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Những tác phẩm có nội dung khiêu dâm, bạo lực thì phải có chế tài kiểm soát chặt chẽ, phân loại đối tượng độc giả nghiêm ngặt. Nhật Bản là xứ sở của truyện tranh, nhưng việc phân loại và quản lý truyện tranh của họ rất nghiêm ngặt” - TS Nguyễn Thị Mai Liên nêu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Thị Bình (ÐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng tính giáo dục trong văn học thiếu nhi phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, nhiều phía khác nhau, chứ không nên áp đặt những truyền thống đạo đức để đo đếm.

“Tôi cho rằng những chi tiết trong bộ truyện tranh Doraemon như Nobita nhìn bạn gái tắm, mèo máy Doraemon cũng nhận hối lộ để đồng lõa với việc không ngoan của lũ trẻ... đó là những chi tiết hiện thực để các em được thấy chính bản thân các em ở trong đó. Nó giải phóng trí tưởng tượng, kích thích trí sáng tạo, đồng thời thỏa mãn nhu cầu “mình phải được là mình” theo kiểu trẻ con” - TS Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

TS Bình cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay, nhu cầu khẳng định cá tính của trẻ con rất lớn, người lớn phải tôn trọng điều đó và làm thế nào để trẻ con được chính là nó. Rồi hãy khôn khéo, lái chúng về một bài học đạo đức nào đó thật nhẹ nhàng, tự nhiên. Chúng ta cần có những công dân tương lai nhận thức đầy đủ về mình và thế giới xung quanh, chứ chúng ta không cần những đứa trẻ mà đến 40 tuổi cũng vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn”.

Ðể trả lời câu hỏi vì sao những bộ phim hoạt hình, những bộ truyện cho trẻ em ở nước ngoài mang về doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm cho nước họ mà nước mình lại không làm được, nhà thơ Dương Thuấn cho rằng trước tiên mỗi tác giả khi cầm bút nên có ý thức “viết cho thiếu nhi cũng phải hướng đến những gì của con người và là nghệ thuật đích thực”.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên