15/12/2020 14:11 GMT+7

Thiếu khu vui chơi lành mạnh, phòng chống chết đuối chỉ là hô hào suông

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Thiếu các khu vui chơi lành mạnh, thiếu giám sát trẻ nhất là trong dịp hè… là những nguyên nhân chính khiến cho tỉ lệ chết đuối ở Việt Nam gấp đôi trung bình thế giới và gấp 10 lần các nước phát triển.

Thiếu khu vui chơi lành mạnh, phòng chống chết đuối chỉ là hô hào suông - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Hà - khẳng định phòng, chống chết đuối cho trẻ em hết sức có ý nghĩa và nhân văn trong việc bảo đảm quyền sống còn cho trẻ em - Ảnh: H.Q

Đó là những nhận định được đưa ra trong hội thảo tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống chết đuối ở trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Quỹ từ thiện Bloomberg và tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI) tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh nguyên nhân chết đuối ở trẻ em xuất phát từ nhận thức của cộng đồng, chính cha mẹ trẻ còn hạn chế; các em thiếu kĩ năng bảo vệ chính mình và bạn bè còn thấp… 

Do vậy, thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, công tác truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng nhất, bên cạnh việc hỗ trợ trẻ em kĩ năng bơi; nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, địa phương…

Ông Võ Văn Dũng, phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh cán bộ thực hiện phải có thái độ, trách nhiệm khi triển khai công tác phòng chống chết đuối ở trẻ em. Ông cho rằng, "Quan vận" phải làm trước vấn đề "Dân vận", "muốn trẻ em biết bơi thì chính người lớn phải biết bơi trước", "cán bộ Đoàn biết bơi thì mới nói được" và quan trọng là luật hóa để xử lý các trường hợp để trẻ em chết đuối. 

Anh Lê Hải Long, phó chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, cho biết Đoàn đã triển khai đề án chống chết đuối cho trẻ em tại 36 tỉnh thành; mở 2.500 lớp với gần 4 triệu thiếu nhi tham gia tập bơi; xây dựng 66 bể bơi thông minh tại 17 tỉnh vùng sâu vùng xa…

Dù vậy, anh Lê Hải Long cho rằng các địa phương nên ưu tiên dành nguồn lực phát triển khu vui chơi cho trẻ em vì đến năm 2020 cả nước chỉ còn 25 nhà thiếu nhi cấp tỉnh, 101 nhà thiếu nhi cấp huyện khiến các em thiếu khu vực vui chơi lành mạnh, đặc biệt là học bơi. 

Thiếu khu vui chơi lành mạnh, phòng chống chết đuối chỉ là hô hào suông - Ảnh 2.

Anh Lê Hải Long đề xuất các cơ quan truyền hình, báo chí dành giờ vàng tuyên truyền các nội dung phòng chống tai nạn cho các em học sinh; tận dụng nguồn lực 26.000 giáo viên phụ trách trong các trường trực tiếp ở trường, tổ chức các giải bơi các cấp… - Ảnh: H.Q

Trong khi đó, các chuyên gia đưa ra giải pháp hạn chế chết đuối như: đẩy mạnh dạy bơi, dạy kĩ năng an toàn cho trẻ em; tăng cường giám sát trẻ nhất là trong dịp hè; triển khai các chính sách hỗ trợ các trẻ em, gia đình nghèo tiếp cận dịch vụ bơi…; thu hút nguồn lực cho công tác xã hội hóa trong phòng chống chết đuối cho trẻ em…

Kinh nghiệm quốc tế cho biết, chi phí dạy kĩ năng bơi cho trẻ em là 30 USD, tương đương khoảng 700.000 VNĐ. Trong khi, một đại biểu cho rằng nhiều địa phương chỉ cần 300, 400.000 VNĐ để một trẻ em biết bơi trong 12-15 buổi.

TS. BS. Vũ Thị Kim Hoa - phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết mỗi năm toàn cầu có 360.000 người tử vong do chết đuối (hơn 50% người dưới 25 tuổi). Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do chết đuối cao nhất cao gấp 2 lần đối với trung bình thế giới, tập trung trẻ dưới 5 tuổi nhiều nhất, tiếp sau là lứa từ 6-14 tuổi.

So với Úc, Canada, Đan Mạch, tỉ lệ chết đuối nước ta gấp 10 lần. Khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị, trong đó các em chết đuối chủ yếu thuộc các hộ gia đình nghèo (hơn 50%).

Bé 1 tuổi trượt chân, chết đuối trước sân nhà do mưa lũ Bé 1 tuổi trượt chân, chết đuối trước sân nhà do mưa lũ

TTO - Ngày 2-12, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có thêm 1 cháu bé tử vong do mưa lũ.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên