26/03/2013 07:15 GMT+7

Thiếu hụt iốt

QUỲNH LIÊN thực hiện
QUỲNH LIÊN thực hiện

TT - Tình trạng thiếu hụt iốt đang có xu hướng quay trở lại, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

8jz5iwHq.jpgPhóng to
Nên ăn muối iốt để phòng các bệnh khiến cơ thể và trí não kém phát triển - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Tử vong vì thực phẩm nhiều muối

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ) vừa cho biết khoảng 2,3 triệu người trên thế giới đã bị tử vong vì các bệnh tim mạch liên quan đến việc tiêu thụ muối quá nhiều. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã thiết lập mức tiêu thụ muối lý tưởng là 1g/ngày - ít hơn một nửa so với khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

ANH THƯ

Năm 2005, VN đã hoàn thành cam kết với các tổ chức quốc tế về việc thanh toán các rối loạn thiếu iốt ở cấp quốc gia với độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 91,9%, tuy nhiên tính đến năm 2012 con số này chỉ còn 46,1% - thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tiêu chuẩn của quốc tế là 90%. Trao đổi về kết quả này, ông Lê Phong, phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho biết:

- VN là một trong những nước nằm trong khu vực thiếu iốt. Kết quả điều tra vào năm 1993 của Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho thấy tỉ lệ bướu cổ ở trẻ em toàn quốc từ 8-12 tuổi là 22,4% (cao gấp nhiều lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ít hơn hoặc bằng 5%), 94% dân số nằm trong vùng thiếu iốt. Năm 1992, chương trình quốc gia phòng chống bướu cổ chính thức được thành lập, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-12 tuổi giảm rõ rệt xuống còn 14,9% vào năm 1998, 10,2% vào năm 2000, 6,1% vào năm 2003 và 3,6% vào năm 2005. Độ phủ muối iốt toàn quốc đạt tiêu chuẩn vào năm 2005 là 91,9%. Tuy nhiên những năm sau, độ phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực đều sụt giảm nghiêm trọng.

Do thiếu kinh phí hoạt động, đặc biệt thiếu kinh phí mua hóa chất dùng trộn vào muối ăn là iodua kali (IK) và iodat kali (KIO3) - những nguyên liệu buộc phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được, do vậy trên thực tế toàn quốc đang thiếu hụt iốt. Nguyên liệu thường dùng để làm muối iốt là KIO3 hiện có ở nước ta đều là hàng dự trữ trong kho và chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu thực tế của người dân. Mặt khác, giá thành của nguyên liệu làm muối iốt rất cao, trong khi các doanh nghiệp không được tự do nhập khẩu nguyên liệu, chưa kể việc sản xuất muối iốt đòi hỏi công nghệ rất cao, ít nhà máy ở VN đáp ứng được. Cho nên muối iốt trên thị trường hiện nay khó đủ tiêu chuẩn phòng chống các rối loạn thiếu iốt.

* Người tiêu dùng làm sao có thể phân biệt được muối iốt đạt chuẩn và không đạt chuẩn? Nếu muối hay các sản phẩm chứa iốt trên thị trường không đạt chuẩn liệu có thể bổ sung iốt qua những con đường khác không, thưa ông?

- Đất ở VN không có iốt do iốt bị rửa trôi bởi mưa và các đợt lũ lụt. Khi iốt không có trong đất, nước, nó sẽ không có trong cỏ, cây, hoa màu... Động vật ăn thức ăn đó cũng cho các sản phẩm thịt, trứng, sữa... không có iốt. Riêng hải sản như tôm, cua, cá, mực lại có một lượng iốt nhất định, tuy nhiên lượng iốt này quá ít, không đủ cho nhu cầu của con người hằng ngày. Do vậy, chỉ có cách bổ sung iốt từ bên ngoài vào cơ thể. Iốt thường được trộn chung với các gia vị như muối, nước mắm, bánh mì nhưng phổ cập nhất vẫn là muối. Hiện ta đang thiếu hoàn toàn nguyên liệu làm muối iốt (mặc dù chưa làm điều tra) nhưng có thể khẳng định hầu như các sản phẩm có ghi bao bì chứa iốt như nước mắm, bột nêm, muối... trên thị trường hiện nay đều khó có thể có đủ lượng iốt cần thiết đạt tiêu chuẩn phòng chống các rối loạn thiếu iốt.

Việc phân biệt muối iốt đạt chuẩn hay không phải nhờ vào các xét nghiệm cụ thể mới cho ra kết quả chính xác. Ngoài ra có thể dùng bộ kíp thử nồng độ iốt tại chỗ nhưng lại cho kết quả không chính xác hoàn toàn, mặt khác bộ kíp thử này lại không được bán rộng rãi trên thị trường mà thông qua các chương trình phát tặng cho từng nơi nhất định. Tóm lại, người dân khó lòng có thể tiếp cận các phương pháp thử nồng độ iốt ở các sản phẩm cho là có chứa iốt trên thị trường.

* Có những nghiên cứu cụ thể chỉ ra mối liên quan giữa xu hướng thiếu iốt với các bệnh về rối loạn thiếu iốt trong thời gian gần đây không, thưa ông?

- Các nghiên cứu từ trước tới nay đều chỉ ra rằng thiếu iốt dẫn đến tình trạng cơ thể và trí não kém phát triển. Nếu thiếu iốt ở phụ nữ mang thai và ở trẻ em có thể làm các em gặp nhiều khó khăn trong học tập, tiếp thu kiến thức hay trí não chậm phát triển (chứng đần độn). Ngoài ra, thiếu iốt còn làm gia tăng các nguy cơ xảy ra các vấn đề nghiêm trọng khác như thai chết lưu, sẩy thai và bướu cổ ở phụ nữ...

Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu, điều tra trên phạm vi toàn quốc và sẽ đưa ra các con số cụ thể trong thời gian gần đây.

Sử dụng như muối ăn thông thường

Theo TS Lê Phong, với hàm lượng iốt rất thấp (chỉ khoảng 5g KIO3/tấn muối hạt) nên không có khả năng xảy ra hiện tượng thừa iốt, ngộ độc iốt nếu sử dụng giống như các loại muối ăn hằng ngày khác. Những trường hợp thừa iốt, ngộ độc iốt được biết thường là do sử dụng quá liều thuốc iốt trong quá trình điều trị các bệnh lý về rối loạn do thiếu hụt iốt gây ra.

Giống như muối ăn bình thường, hàm lượng muối iốt được khuyến cáo ở mức không quá 6g/ngày đối với người bình thường và ở mức dưới 4g/ngày đối với những người có bệnh lý cao huyết áp, tim mạch.

Bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết nhu cầu iốt ở từng lứa tuổi rất khác nhau, liều cơ bản ở người lớn là 150microgam (mcg)/ngày, với trẻ em khoảng 100mcg/ngày, phụ nữ mang thai và cho con bú cần lượng iốt cao hơn, lượng cần thiết khoảng 200mcg/ngày đối với bà mẹ mang thai và khoảng 290mcg/ngày đối với bà mẹ cho con bú.

Q.LIÊN

QUỲNH LIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên