29/05/2019 15:09 GMT+7

Thiết kế 'Bàn thờ' gây tranh cãi có thể vẫn lọt vào top 15?

Q.N. - TIẾN VŨ
Q.N. - TIẾN VŨ

TTO - Trước những phản ứng trái chiều, phần lớn là tiêu cực từ công chúng đối với thiết kế 'Bàn thờ' của Phạm Quang Minh, ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã lên tiếng.

Thiết kế Bàn thờ gây tranh cãi có thể vẫn lọt vào top 15? - Ảnh 1.

Thiết kế 'Bàn thờ' của Phạm Quang Minh

Sau một giờ đăng tải, thiết kế 'Bàn thờ' nhanh chóng nhận được hơn 21 nghìn lượt like, 12 nghìn bình luận và 5 nghìn lượt chia sẻ. Tuy nhiên, phần lớn trong đó là những phản ứng tiêu cực của khán giả.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ Online vào sáng 29-5, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Công ty Hoàn vũ Sài Gòn, đơn vị giữ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - cho biết: "Tiêu chí của cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ là bên cạnh việc tôn vinh nét văn hóa, ẩm thực, con người, đất nước Việt Nam thì tính thẩm mỹ, độc đáo, sáng tạo và trình diễn cũng được cân nhắc. Các tiêu chí này bám rất sát với tiêu chí của vòng thi National Costume - Trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.

Vậy nên, ban tổ chức vẫn rất đề cao và tôn trọng tính sáng tạo. Đó cũng là lý do vì sao mà những năm gần đây, chúng tôi không làm việc với những nhà thiết kế chuyên nghiệp mà tổ chức những cuộc thi, những sân chơi cho các bạn trẻ vì chúng tôi tin rằng đó là cái nguồn của những thiết kế đột phá, mới mẻ và các bạn sẽ mang đến một tinh thần mới, một tư duy mới trong việc mang văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thiết kế Nàng mây (là năm đầu tiên Hoa hậu Hoàn vũ không mang áo dài để diễn tại vòng thi National Costume tại cuộc thi quốc tế) hay bộ thiết kế Bánh mì (cũng là bộ gây rất nhiều tranh cãi khi được chọn) đều là những bước đi, những bước tiến mới và chúng tôi tin là ít nhiều đều tạo được những hiệu ứng, hiệu quả.

Năm nay, cuộc thi mới chỉ đến giai đoạn là công bố các bài dự thi trên bản vẽ, vẫn chưa đến vòng chính thức. Đây cũng chỉ mới là ý tưởng của một tác giả gửi về và ban tổ chức đăng lên để công chúng có những nhìn nhận, đánh giá của mình theo đúng quy trình và quy định của cuộc thi. Top 15 sẽ được lựa chọn từ 10 tác phẩm do ban giám khảo chọn và 5 tác phẩm do công chúng bình chọn".

Trước khi lên ý tưởng, tôi đã suy nghĩ nhiều về các tiêu chí của cuộc thi như yếu tố thẩm mĩ, độc đáo, sáng tạo, tính trình diễn trên sân khấu và câu chuyện truyền tải của trang phục.

Các năm trước đã quá nhiều tác phẩm đặc sắc nên lần này tôi cần sự táo bạo, khác biệt để không bị trùng lập. Và thiết kế Bàn thờ bắt đầu ra đời từ đó. Tôi cũng dự đoán thiết kế này sẽ gây tranh cãi nhưng không ngờ lại nhiều đến thế. Đối với những lời khen chê của khán giả, tôi coi đó là sự góp ý để bản thân có thể biết mình đang ở đâu.

Nếu Bàn thờ lọt top 15, tôi sẽ lắng nghe và chắt lọc ý kiến của những người có chuyên môn để hoàn thành sản phẩm theo đúng tiêu chí của cuộc thi.

Phạm Quang Minh trả lời về những tranh cãi xoay quanh ý tưởng của mình.

Trước những lo ngại với lượt chia sẻ, like và bình luận nhiều như thế, thiết kế Bàn thờ có cơ hội "được chọn", ông Bảo Hoàng cũng cho hay: "Nếu thiết kế Bàn thờ có số lượng vote bình chọn và tương tác cao thì đây vẫn là một bài có khả năng lọt vào top 15. Các tác giá trong top 15 sẽ được gặp và trình bày ý tưởng của mình trước ban giám khảo.

Sau vòng trình bày ý tưởng, ban giám khảo mới tiếp tục chọn ra những tác phẩm có tính khả thi, tính thẩm mỹ và tư duy tốt về quảng bá văn hóa, từ đó mới tiếp tục chọn những tác phẩm vào top 6 và top 3 để chọn ra tác phẩm cuối cùng trong cuộc thi thế giới".

Theo ông Hoàng, thì "Điều chúng tôi cảm thấy là thành công từ cuộc thi này đã tạo được làn sóng và dư luận, giúp mọi người, trong đó là những người trẻ phải suy nghĩ, phải tư duy về chuyện nếu mình cần giới thiệu Việt Nam ra thế giới, về văn hóa, ẩm thực hay bất cứ điều gì đặc sắc thì mình sẽ nói về điều gì.

Cuộc thi thú vị ở điểm thông qua mỗi bài dự thi là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn đột phá. Trên tinh thần đó thì chúng tôi nghĩ rằng những sự sáng tạo nên được khuyến khích hơn là bị giết chết".

Thiết kế Bàn thờ gây tranh cãi có thể vẫn lọt vào top 15? - Ảnh 3.

Một vài thiết kế đã được ban tổ chức cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019

Trong khi đó, nhà thiết kế Thuận Việt - thành viên ban giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, thành viên ban giám khảo cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc cho Hoa hậu Hoàn vũ 2018 và cũng là cố vấn cho cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc cho Hoa hậu Hoàn vũ 2019 - lên tiếng trấn an: "Đây chỉ là một trong những ý tưởng được gửi về và không phải là kết quả cuối cùng nên mọi người hãy hết sức bình tĩnh.

Đã là cuộc thi thì phải có quy định, tiêu chí rõ ràng và phải công bằng. Theo quy định, các bài dự thi gửi về sẽ được ban tổ chức đưa ra cho công chúng đánh giá và bình chọn. Và thiết kế Bàn thờ của Phạm Quang Minh hiện chỉ là một trong số bài dự thi của năm nay.

Việc được tương tác và vote cao cho đến thời điểm này của thiết kế Bàn thờ chưa nói lên điều gì, ngoài việc công chúng rất quan tâm và dõi theo cuộc thi cũng như thí sinh của Hoa hậu Hoàn vũ.

Ở cương vị là một giám khảo, tôi đánh giá cao tính sáng tạo và sự kỳ công của các thiết kế. Tuy nhiên, độc, lạ chỉ là một trong các tiêu chí. Độc, lạ mà không khả thi, "nhạy cảm" quá thì ban giám khảo cũng sẽ phải cân nhắc. Đột phá nhưng phải an toàn và khả thi, đó là lựa chọn cũng như kinh nghiệm của tôi trong nhiều lần tham gia thiết kế trang phục cho người đẹp Việt tại các đấu trường nhan sắc quốc tế cũng như tham gia vào ban giám khảo các cuộc thi người đẹp.

Nhà thiết kế Đức Vincie chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Thiết kế Bàn thờ khá táo bạo về mặt ý tưởng bởi khi nói đến trang phục dân tộc người ta thường nghĩ đến áo dài, áo bà ba, áo tứ thân...

Ý tưởng này nhìn chung đã đem đến sự bất ngờ với khán giả và hiệu ứng lan tỏa cao cho cuộc thi. Nhưng về khía cạnh sử dụng ở sân chơi thực tế thì sẽ khó thực hiện bởi xét về yếu tố tâm linh "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" thì việc đầu tiên mà người Việt Nam cần phải có đó là thái độ tôn kính đối với bàn thờ - nơi thể hiện sự tôn nghiêm của các vị tổ tiên.

Điều thiêng liêng ấy không thể đem ra trình diễn ở những nơi mang tính giải trí dù là Miss Universe. Mặt khác, cũng sẽ gây khó cho người mặc khi phải tự làm bàn thờ của chính mình. Chúng ta cần những thiết kế độc lạ để gây sự chú ý thu hút quan tâm ủng hộ của dư luận nhưng tôi thấy còn rât nhiều mẫu thiết kế khác phù hợp hơn để đại diện VN dùng tại sân chơi này".

Stylist Kye Nguyễn cũng bày tỏ ý kiến của mình về thiết kế gây tranh cãi này: "Tôi nghĩ từ nét vẽ phác thảo có thể biết về sự trải nghiệm lẫn kinh nghiệm của người làm nên tác phẩm này. Bạn có ý tưởng và đâu đó cũng nhìn nhận được thờ cúng là một phong tục tập quán lâu đời đặc trưng của người Việt Nam.

Biết đâu nếu có một cách thể hiện khác, ý tưởng này sẽ thực sự hay ho. Còn với mẫu thiết kế này, tôi cảm thấy nó còn mang tính “nghĩ sao làm vậy” vì chưa có sự tính toán để biến câu chuyện văn hoá thành ngôn ngữ thời trang.

Và theo tôi nghĩ thì văn hoá thờ cúng được người Việt Nam tôn sùng, kể cả việc đặt bàn thờ ở đâu, vị trí như thế nào cũng là điều rất quan trọng. Thế nên nếu không làm tỉ mỉ và tinh tế sẽ rất dễ gây tranh cãi và phản ý đồ của tác giả".

Phía công ty Hoàn vũ Sài Gòn cũng cho biết hiện đã có khoảng 100 thiết kế gửi về. Và ban tổ chức tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 15-6.

Top 15 bài thi được chấm điểm và bình chọn cao nhất sẽ thuyết trình trước ban giám khảo (trong đó có đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê) và có cơ hội trở thành quốc phục của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh Miss Universe 2019.

Thiết kế Thiết kế 'Bàn thờ' cho quốc phục của Việt Nam tại Miss Universe 2019?

TTO - Thiết kế 'Bàn thờ' tại cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019 hiện đang gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội.

Q.N. - TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên