Một số cửa hàng thiết yếu ở Pháp đã mở cửa kinh doanh trở lại từ ngày 11-5 sau 55 ngày phong tỏa - Ảnh: FRANCE 24
Dịch COVID-19 đã phơi bày vấn đề bảo hiểm cho các doanh nghiệp Pháp bị thiệt hại do ngừng kinh doanh trong dịch bệnh. Nói chung, phần lớn các công ty bảo hiểm đều từ chối bồi thường.
Tùy nội dung hợp đồng bảo hiểm
Liên đoàn Bảo hiểm Pháp (FFA) ước tính tổng thiệt hại của các doanh nghiệp trong thời gian bị phong tỏa lên đến 60 tỉ euro.
FFA tuyên bố các công ty bảo hiểm chỉ bồi thường trong trường hợp có thiệt hại vật chất xảy ra trong thời gian ngừng kinh doanh do trộm cắp, phá hoại hoặc hỏa hoạn.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nêu rõ quan điểm đúng là các công ty bảo hiểm phải góp phần xây dựng tình đoàn kết dân tộc, tuy nhiên họ chỉ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do ngừng kinh doanh của các doanh nghiệp trong giới hạn hợp đồng ký kết.
Ông nhấn mạnh: "Những rủi ro không được nêu trong hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ không được bồi thường".
Một số hợp đồng bảo hiểm có điều khoản dự kiến sẵn sàng chịu trách nhiệm về thiệt hại kinh doanh trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động do yếu tố hành chính hoặc thiệt hại phi vật chất.
Trong trường hợp này, vấn đề bồi thường cũng không dễ dàng được xem xét.
Các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim vẫn còn đóng cửa chờ quyết định vào cuối tháng 5-2020 - Ảnh: AFP
Mạnh ai nấy giải thích hợp đồng
Ngày 22-4, Ngân hàng Crédit Mutuel-CIC thông báo sẽ chi khoản "chi phí tương trợ phục hồi" cho các thương nhân, người hành nghề thủ công nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kinh phí tương trợ lên đến 200 triệu euro được cấp cho khoảng 30.000 khách hàng.
Khoản "chi phí tương trợ phục hồi" này đã gây nhiều tranh luận.
Ngân hàng Crédit Mutuel-CIC giải thích phạm vi bảo hiểm của ngân hàng này không áp dụng đối với khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra và hợp đồng bảo hiểm chỉ liên quan đến thiệt hại trong kinh doanh do đóng cửa theo quyết định hành chính.
Song có nhiều cách giải thích về khái niệm "đóng cửa theo quyết định hành chính".
Ví dụ Tập đoàn bảo hiểm AXA France lập luận bảo hiểm không áp dụng khi doanh nghiệp đóng cửa theo quyết định hành chính trên phạm vi toàn quốc mà chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đóng cửa theo quyết định của cảnh sát hoặc cơ quan vệ sinh địa phương.
Công ty bảo hiểm sẽ gặp rủi ro lớn
Trước tình hình có nhiều cách giải thích khác nhau về điều khoản bảo hiểm, Cơ quan Giám sát an toàn và giải quyết của Pháp (ACPR - cơ quan giữ vai trò giám sát ngân hàng và bảo hiểm) đã vào cuộc.
Ngày 6-5, ACPR nhận định do khủng hoảng dịch bệnh, một số lĩnh vực kinh tế ở Pháp đã sụt giảm hoạt động đáng kể, trong đó có thể có các hoạt động được các công ty bảo hiểm bồi thường tổn thất.
Do đó, ACPR bắt đầu kiểm tra các hợp đồng bảo hiểm trên thị trường Pháp. Báo cáo kiểm tra sẽ được chuyển cho ủy ban giám sát ACPR trong tháng 6 hoặc tháng 7.
Song cách đây vài tuần, ACPR đã cảnh báo vấn đề khả năng thanh toán trong lĩnh vực bảo hiểm.
ACPR khẳng định nguồn tài chính của các công ty bảo hiểm không thể được sử dụng để chi trả cho các sự cố không nêu rõ trong hợp đồng vì nếu bồi thường đầy đủ, các công ty bảo hiểm sẽ gặp rủi ro lớn.
Chủ nhà hàng Stéphane Jégo - Ảnh: TWITTER
Chi phí tương trợ phục hồi
Trong bối cảnh tranh luận về bồi thường, nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Pháp đã sẵn sàng chi hỗ trợ cho khách hàng mua bảo hiểm như Crédit Agricole dự kiến chi 200 triệu euro, MMA (Tập đoàn Covéa) chi 250 triệu euro, BPCE chi 50 triệu euro và Société Générale chi 11 triệu euro.
Song song theo đó, các chủ nhà hàng đã lập kiến nghị kêu gọi chính phủ ban bố "tình trạng thảm họa tự nhiên về y tế" nhằm giải quyết bồi thường cho các nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề do biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành.
Kiến nghị do ông Stéphane Jégo - chủ nhà hàng Ami Jean ở Paris - đề ra và hiện đã thu thập được hơn 140.000 chữ ký.
Chính phủ Pháp đã thành lập một tổ công tác để tìm kiếm nguồn lực công-tư giải quyết hậu quả kinh tế phát sinh từ sự cố đặc biệt như dịch COVID-19. Báo cáo dự kiến được đệ trình vào cuối tháng 6-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận