Phóng to |
Triệu phú Ấn Độ Rohini Nilekani - Ảnh: CSM |
Hành trình của bà từ một nhà báo, nhà văn trở thành một người giàu hảo tâm giống như một câu chuyện cổ tích. Năm 1981, khi 20 tuổi, Nilekani đầu tư 10.000 rupee (180 USD) - toàn bộ số tiền có khi đó - vào công ty mà bà đồng sáng lập cùng chồng và sáu người bạn. Công ty nhỏ bé đó hiện phát triển thành Công ty công nghệ Infosys Ltd lớn thứ hai ở Ấn Độ với lãi ròng 1,72 tỉ USD năm 2011. Với sở hữu 1,41% cổ phần tương đương hơn 400 triệu USD, Nilekani nay trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất Ấn Độ.
Thế nhưng, như bà tâm sự sau này: “Tôi từng cảm thấy rất bối rối khi đột ngột trở nên giàu có. Một cách để giải tỏa chuyện đó là cho tiền đi lập tức. Tôi tin bất kỳ xã hội nào cho phép tạo ra của cải một cách hợp pháp cũng đều hi vọng số của cải đó được dùng trở lại vì lợi ích của xã hội”.
Trao sách vào tay mọi trẻ em
Báo CSM cho biết ban đầu Nilekani đã dùng lợi nhuận của mình từ Infosys để thành lập một quỹ từ thiện. Với uy tín tạo dựng được qua hoạt động của quỹ này, bà đã được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 48 nhà từ thiện của thế giới vào năm 2010. Nilekani sau đó được mời làm đối tác thành lập Pratham Books vì người ta thấy bà không chỉ là người thích viết séc chi tiền, mà còn là người muốn tham gia các hoạt động thực chất.
Pratham Books là một nhánh của Pratham - một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Dù Pratham đang cung cấp kiến thức và tổ chức dạy học cho hàng triệu trẻ em, nhưng lại chưa có nhiều nội dung giáo trình chất lượng cao hoặc những gì họ có lại quá đắt.
"Tôi tin bất kỳ xã hội nào cho phép tạo ra của cải một cách hợp pháp cũng đều hi vọng số của cải đó được dùng trở lại vì lợi ích của xã hội" Rohini Nilekani |
Ấn Độ hiện có khoảng 22 ngôn ngữ được dùng đại trà, cứ khoảng 100km lại xuất hiện một ngôn ngữ khác. Bởi vậy, thách thức “đưa sách tới mọi tay trẻ” là không dễ thực hiện.
“Sứ mệnh của tôi là đem sách đến tay tất cả trẻ em. Đây là mục đích đầy tham vọng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ, vì có hơn 300 triệu trẻ em và hầu hết trong số đó không thể tiếp cận với sách hay thậm chí biết đọc chữ” - Nilekani nói.
Mở cánh cửa kiến thức
Là nhà xuất bản phi lợi nhuận, Pratham Books không chỉ cung cấp sách giá rẻ tới hàng triệu trẻ em, mà còn phải luôn có những sáng kiến để giá sách ngày càng hạ. Chẳng hạn, tổ chức này xuất bản các tấm thiệp kể chuyện được gấp lại, giá chỉ 2,5 rupee (khoảng 1.000 đồng), vừa dễ cất giữ vừa dễ cho trẻ em chuyền tay nhau đọc. Pratham Books cũng kết hợp với những hãng sản xuất hàng tiêu dùng để đưa sách về những ngóc ngách xa xôi nhất của nông thôn Ấn Độ.
Pratham Books còn phát hành sách nói cho trẻ em khiếm thị, sách ngôn ngữ địa phương, và sử dụng cả giấy phép Creative Commons (CC) để có thể trao lại cho cộng đồng quyền giúp đem sách đến với trẻ em dễ dàng hơn. CC cho phép bất kỳ ai dùng, viết lại, dịch lại, thậm chí tự tạo câu chuyện mới từ nội dung mà Pratham Books cấp miễn phí trên mạng theo phiên bản ngôn ngữ của mình.
“Kiến thức vẫn bị che phủ, cần phải mở nó ra - Nilekani nhận xét - Không phải thứ gì cũng là hàng hóa”. Do vậy, Pratham Books luôn tìm mọi cách để thúc đẩy cơ hội đọc sách và học tập cho mọi người. Ngày chống mù chữ thế giới 8-9 hằng năm cũng là ngày kể chuyện của Pratham Books với sự tham gia của 250 người cùng đọc một cuốn truyện cho trẻ em khắp Ấn Độ. Những việc làm của Pratham Books đem lại niềm vui đọc sách, mở ra chân trời tri thức và thúc đẩy trí tưởng tượng của những đứa trẻ kém may mắn trong xã hội. Bởi mục đích ưu tiên của Pratham Books là tạo ra thay đổi xã hội.
Đến nay, Pratham Books đã xuất bản hơn 8,5 triệu cuốn sách, hơn 10 triệu thiệp truyện (card story) và gần 25 triệu người đã được tiếp cận sách. Tổng cộng có 215 tựa sách tiếng Anh và 10 ngôn ngữ của Ấn Độ. Hầu hết sách đều có giá 25 rupee (khoảng 10.000 đồng). Mục tiêu của Pratham Books là làm sao tiếp cận được 200 triệu trẻ em ở Ấn Độ, và mỗi em đều sẽ nhận được sách.
Tuổi Trẻ hỏi anh Nguyễn Quang Thạch, người đứng đằng sau nhiều mô hình đem sách đến với nông thôn Việt Nam hiện nay, về suy nghĩ của anh sau các hành động của triệu phú tặng sách Rohini Nilekani. Anh nói: - Tôi chắc chắn rằng bà Rohini Nilekani đang làm một cuộc cách mạng về thư viện ở Ấn Độ. Bà triệu phú đang trở thành tỉ phú về vật chất vì một lẽ hiển nhiên khi hàng triệu cuốn sách được hàng trăm triệu trẻ em đọc thì giá trị của nó sẽ gấp hàng trăm triệu lần giá trị gốc. Chắc chắn vài thập niên nữa trẻ em Ấn Độ sẽ trở thành nguồn lao động có kỹ năng và có một tâm hồn phong phú hơn trẻ em của các quốc gia mà tìm cả tháng trên xe buýt chỉ có một người đọc sách. Tôi nhớ lại một câu chuyện vào tháng 12-2011: Uông Hải Minh, học sinh lớp 6A2 Trường THCS An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nơi tủ sách phụ huynh được thí điểm đầu tiên, liên lạc với tôi để xin tham gia làm thành viên Nhóm hành động sách hóa nông thôn. Cháu trích tiền thưởng có được từ các kỳ thi học sinh giỏi để ủng hộ mỗi tháng 20.000 đồng cho chương trình sách hóa nông thôn với chia sẻ “Cháu mong muốn các bạn ở trường khác có nhiều sách đọc như cháu”. Hành động này khiến tôi vui mừng vô hạn. Tôi đã gọi điện khoe với nhiều người bạn là “tôi vừa gặp một đại gia”. Bởi lẽ, khi một cô bé có sở hữu riêng chỉ 500.000 đồng mà đã dám chia nửa số tài sản đó cho cộng đồng với kỳ vọng các bạn khác cũng được hưởng lợi đọc sách như mình, cô bé đấy là “đại gia” của sự chia sẻ. 240.000 đồng/năm mà Minh đóng góp sẽ mua được 12 cuốn sách. Khi mỗi năm có 100 bạn mượn 12 cuốn sách này đọc, giá trị của sách đã lên đến 24 triệu đồng. Quan trọng hơn, 12 cuốn sách đó lại sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn và tạo ra những giá trị thặng dư cho người đọc và cho xã hội trong tương lai. Ở Việt Nam, người ta có thể đốt hàng chục triệu đồng cho những chiếc ôtô, nhà lầu, dinh thự... bằng giấy để cầu lợi cho mình. Người ta đốt khoảng 400 tỉ đồng tiền vàng mã mỗi năm cho người cõi âm. Người ta tiêu tốn khoảng 3 tỉ USD (62.535 tỉ đồng) cho bia rượu. Trong khi đó, chỉ cần khoảng 800 tỉ đồng là đã có thể xây dựng được một hệ thống tủ sách phụ huynh (đặt trong tất cả các lớp học) giúp 100% học sinh nông thôn có cơ hội đọc 1.000 đầu sách trở lên từ lớp 1 đến lớp 12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận