Học và thi trực tuyến là điều tân sinh viên cần phải thích nghi ở giảng đường đại học trong bối cảnh hiện nay - Ảnh: T.P.
Học ở bậc đại học, việc học hoàn toàn khác so với bậc phổ thông và nay với việc học online đòi hỏi sinh viên phải có phương pháp học tập phù hợp để thích ứng với giảng đường online.
Đặt mục tiêu rõ ràng
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở phổ thông học sinh luôn được thầy cô, cha mẹ kèm cặp, nhắc nhở thường xuyên thì học đại học, ý thức của bản thân sẽ là yếu tố quyết định nhất.
Tân sinh viên đều quen với cách học "mặt đối mặt" trên lớp học, nên cảm thấy việc học trực tuyến là một điều khá phiền phức, khó khăn và khó tiếp thu kiến thức. Chính vì suy nghĩ đó là một rào cản nên thái độ học tập của một số bạn giảm sút khiến sinh viên bắt đầu buổi học với tâm thế khá bối rối, chưa sẵn sàng.
Ông Hạ chia sẻ: "Về phương pháp học tập hiệu quả ở đại học, với bất cứ phương pháp học nào muốn đạt hiệu quả cao, người học cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được. Mục tiêu học tập càng rõ ràng, bạn càng có động lực.
Hiện tại không thể đến trường, các bạn sinh viên cần xác định đích đến của việc học online là để sớm tiếp cận với việc học như ở trên giảng đường; tăng cường cảm hứng học tập, tránh để bản thân rơi vào trì trệ; tận dụng các lợi thế của Internet để làm chủ phương pháp học tập... Sau khi xác định mục tiêu, các bạn cần lên kế hoạch học tập một cách khoa học.
Bên cạnh đó, sinh viên cần xác định tiến độ học tập, nhận diện những rào cản khi học trực tuyến và lên kế hoạch để vượt qua nó".
TS tâm lý Tô Nhi A - ủy viên hội đồng khoa học Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM - cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, phần lớn tân sinh viên chưa được bước chân vào giảng đường nên chưa cảm nhận được sự thay đổi và khác biệt ở bậc đại học.
"Trong mùa dịch này, trường học phải dạy trực tuyến, bản thân mình thấy thế cũng viện cớ "học trực tuyến không hiệu quả, ai cũng vậy, mình cũng thế" và tiếp tục trì hoãn. Bệnh lười, trì hoãn xuất phát từ bản thân mình nên chính mình phải tự thay đổi.
Mỗi ngày lập mục tiêu cho bản thân, cố gắng hoàn thành thật tốt và thưởng cho bản thân một món quà gì đấy, sẽ giúp mình có thái độ khác trong mọi việc" - TS Tô Nhi A nhấn mạnh.
Chủ động xây dựng thời khóa biểu
Hiện nay, các trường đại học đều đào tạo theo học chế tín chỉ, theo đó sinh viên phải tự lựa chọn đăng ký học phần cho chính mình.
Những năm trước, ngay sau khi nhập học, tân sinh viên đều được đội ngũ cố vấn học tập, sinh viên khóa trước hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đăng ký học phần, nhưng năm nay không phải tân sinh viên nào cũng hiểu rõ việc này.
Khi vào đại học, sinh viên cần phải có thời khóa biểu cụ thể đối với từng môn học để tránh chồng chéo, trong điều kiện hiện nay, người học phải ước lượng khoảng thời gian học online thế nào cho phù hợp nhất.
Chia sẻ về việc này, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết so với THPT, ở bậc đại học khối lượng kiến thức tăng lên, kiến thức đa dạng hơn nên chắc chắn cường độ học tập của sinh viên cũng phải tăng lên.
Thời gian học một môn kéo dài hơn, kiến thức được các thầy cô truyền đạt nhanh hơn và nhiều hơn. Đồng thời sinh viên cũng cần đọc nhiều loại tài liệu hơn, tiếp thu nhiều loại kiến thức hơn.
"Nếu đăng ký quá nhiều môn thì phải học rất vất vả và đóng học phí nhiều. Ngược lại nếu đăng ký quá ít môn thì thời gian học sẽ kéo dài. Do vậy, dựa vào kế hoạch của phòng đào tạo công bố đầu học kỳ, sinh viên cần lựa chọn số môn học với lượng tín chỉ phù hợp với sức học cũng như năng lực tài chính của mình" - ông Khang nói.
Trong khi đó ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng trong bối cảnh phải học trực tuyến khi vừa lên đại học, tân sinh viên càng phải biết thay đổi bản thân theo những hướng tích cực hơn để sớm làm quen với môi trường tự học sau này.
"Mỗi ngày sinh viên nên liệt kê ra những việc cần hoàn thành trong ngày, trong tuần. Đây là cách giúp xác định mức độ ưu tiên và chắc chắn không bỏ qua những nội dung học quan trọng như: thời gian nộp bài tập, thời gian thảo luận, các kỳ kiểm tra, đánh giá... Bạn có thể lưu lại các việc này trên máy tính, trên điện thoại, viết giấy dán ở góc học tập.
Trước khi bắt đầu học, sinh viên nên ước tính thời gian để hoàn thành các nội dung, sau đó đối chiếu với thời gian hữu hạn của mình. Điều này sẽ giúp bạn phát triển tính tự giác của mình, cũng như có căn cứ để rà soát hiệu quả học tập. Học đại học, sinh viên cũng sẽ phải tư duy nhiều hơn với các hoạt động tập thể, nhóm, thuyết trình... nhiều hơn.
Trong môi trường Internet, các bạn hoàn toàn có thể rèn luyện cho mình những kỹ năng này", ông Châu nhấn mạnh.
Không nên xem nhẹ môn học nào
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - nhắn nhủ: "Ở bậc đại học tất cả các môn học đều quan trọng, do vậy không nên xem nhẹ môn học nào. Sau khi kết thúc môn học, sinh viên sẽ thi hết môn.
Trong quá trình thi nên bình tĩnh để đạt kết quả tốt, nếu quá lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không thể sáng suốt làm bài. Cần phân bổ đều lịch ôn bài phù hợp chế độ sinh học nhằm giúp cơ thể luôn trong thể trạng tốt nhất. Nhà trường luôn bên cạnh tham gia hỗ trợ, tạo điều kiện để các bạn tham gia kỳ thi kết thúc học phần đạt kết quả tốt.
Cuối cùng, sinh viên phải tuyệt đối tuân thủ các quy định trong lúc làm bài, tuyệt đối không có các hành vi gian lận trong thi cử, nếu vi phạm tùy thuộc mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận