06/08/2014 07:35 GMT+7

Thi xong mới đăng ký trường đại học

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Dự kiến đó sẽ là một trong những điểm mới từ mùa thi 2015 nếu chốt được phương án tổ chức kỳ thi quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

da5Ett4V.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2014. Dự kiến năm 2015 thí sinh sẽ thi xong mới chọn trường đăng ký xét tuyển - Ảnh: Như Hùng
X9nteBwA.jpgPhóng to

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Ngày 29-7, Bộ GD-ĐT đã có hội nghị tham khảo ý kiến các sở GD-ĐT và dự kiến ngày 15-8 bộ sẽ tham khảo ý kiến của hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Sau đó, kết hợp với ý kiến đóng góp của dư luận xã hội qua các diễn đàn, bộ sẽ chốt lại phương án cuối cùng”.

Hạn chế rủi ro

"Dù phương án nào được lựa chọn cuối cùng thì trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA

* Nhiều thí sinh mùa thi 2015 đang kỳ vọng Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi phương thức đăng ký dự tuyển: thí sinh sau khi thi, nhận kết quả mới đăng ký trường dự tuyển. Điều này liệu có thành sự thật không, thưa thứ trưởng?

- Đây là một đổi mới căn bản, tạo sự tách biệt giữa thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay, thí sinh phải đăng ký vào trường, ngành trước khi thi. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho thí sinh. Năm nào cũng có nhiều thí sinh điểm cao nhưng bị trượt do đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành hay trường không phù hợp.

Theo quy định mới của đề án, sau khi có kết quả thi thí sinh mới phải đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp với điểm thi mình đạt được, để chọn trường vừa sức hơn, hạn chế rủi ro.

* Những năm qua, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh “ba chung” tổ chức đầu tháng 7, bộ thường đưa ra hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi các trường ĐH, CĐ vào cuối tháng 4. Năm 2015 thực hiện thi trước, đăng ký trường sau có thể hiểu là thí sinh không còn phải tuân theo lịch tuyển sinh cũ?

- Những vấn đề cụ thể mang tính kỹ thuật này sẽ được quy định trong quy chế của kỳ thi quốc gia được ban hành sau khi thống nhất phương án thi. Tuy nhiên, khi xây dựng đề án kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng đã lường trước những công việc cụ thể sẽ thay đổi thế nào khi hoán đổi hai khâu thi và đăng ký xét tuyển so với kỳ thi “ba chung”.

Theo dự thảo đề án kỳ thi quốc gia, thời gian của kỳ thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6. Do đó, các thủ tục đăng ký dự thi phải thực hiện ở thời điểm phù hợp trước khi diễn ra kỳ thi.

Quy chế cũng sẽ quy định rõ thủ tục đăng ký thi của thí sinh tự do.

* Vậy thí sinh chọn trường thế nào để biết là vừa sức, thưa thứ trưởng? Các trường sẽ công bố điểm chuẩn luôn sau khi thi hay thí sinh phải tự lượng sức dựa trên kết quả thi?

- Các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh phải công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường mình dựa trên kết quả các môn thi đã công bố, kể cả môn chính nhân hệ số. Chỉ những thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện này mới nộp đơn xét tuyển vào trường.

Một trong những ưu điểm của kỳ thi quốc gia là thí sinh có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường nếu đáp ứng đủ điều kiện trường quy định.

Do các trường tổ hợp các môn thi để xét tuyển nên thí sinh thi nhẹ nhàng hơn nhưng cơ hội trúng tuyển nhiều hơn. Chẳng hạn, thí sinh thi tốt nghiệp ba môn bắt buộc ngữ văn, toán, ngoại ngữ và bài thi tự chọn khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) thì có thể xét tuyển vào các ngành tương ứng với các khối A, A1, B, D trước đây.

Ngoài ra khi áp dụng một kỳ thi quốc gia thì không còn khối thi, các trường có thể linh hoạt chọn tổ hợp các môn xét tuyển phù hợp nên thí sinh còn có nhiều lựa chọn hơn nữa.

Lo lắng nhất là sự trung thực của kỳ thi

* Với kinh nghiệm một trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm qua, thứ trưởng nhận thấy điều gì cần quan tâm nhất trong các phương án thi đổi mới để tạo niềm tin cho xã hội về giá trị thật sự của một kỳ thi quốc gia duy nhất?

- Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ điều xã hội lo lắng và quan tâm nhất đối với kỳ thi quốc gia là sự trung thực, độ tin cậy, khách quan. Đặc biệt, với các trường ĐH, CĐ có chủ trương sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển thì độ tin cậy của kết quả thi chính là điều quan trọng hàng đầu.

Luật giáo dục ĐH đã quy định các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh, nên các trường có thể tự chọn hình thức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Nếu tổ chức một kỳ thi tốn kém mà không đảm bảo được độ tin cậy khiến các trường ĐH, CĐ không sử dụng được kết quả này để xét tuyển, mà từng trường vẫn buộc phải tự tổ chức thi riêng thì rõ ràng kỳ thi quốc gia không đạt được mục tiêu mong muốn.

Để đảm bảo được độ tin cậy, kỳ thi quốc gia cần được tổ chức nghiêm túc, ít ra cũng tương tự kỳ thi “ba chung” đã tổ chức hơn 10 năm qua. Do đó, theo tôi, việc góp ý kiến cho đề án kỳ thi quốc gia nên tập trung vào công tác tổ chức các điểm thi, coi thi, chấm thi...

Trong những ngày qua, tôi thấy có nhiều ý kiến góp ý, tranh luận về thi theo môn thi hay theo bài thi, mà còn ít những bàn luận, phân tích về nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để tổ chức được kỳ thi nghiêm túc.

* Không ít ý kiến cho rằng đối tượng chịu tác động nhiều nhất trong phương án thi mới là thí sinh. Do đó, việc xin ý kiến rộng rãi về phương án thi không thể chỉ dừng chung chung ở thầy cô giáo, ở chuyên gia...

- Bộ GD-ĐT luôn cầu thị lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử.

Những thay đổi không ảnh hưởng đến cách học của học sinh với chương trình và sách giáo khoa hiện hành thì có thể thực hiện được ngay (ví dụ công tác tổ chức thi, chấm thi, bài thi tổng hợp...).

Những thay đổi ảnh hưởng đến cách học của học sinh sẽ được thực hiện sau khi có chương trình và sách giáo khoa mới (ví dụ như bài thi tích hợp). Do đó các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng cả.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA:

Đã lường trước trường hợp thí sinh thi lại ĐH, CĐ

Những thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT rồi, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì năm tới chỉ thi những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng.

Kết quả thi của các thí sinh này không dùng để xét tốt nghiệp THPT, nên các em không nhất thiết phải thi các môn bắt buộc nếu các môn đó không phục vụ cho xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em đã lựa chọn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tổ chức kỳ thi quốc gia: Không nên chần chừ nữa!Ngoại ngữ là môn bắt buộc: người ủng hộ, người khôngKhông nên trì hoãnTầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPTHãy lắng nghe ý kiến học sinhChưa chốt phương án một kỳ thi quốc gia

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên