11/08/2005 04:02 GMT+7

Thị trường urê: "Sốt lạnh", vì sao?

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TT - Trái với thông tin “thiếu phân urê” hoặc “urê sẽ sốt giá” do ngành phân bón dự báo, từ giữa tháng 6-2005 đến nay, thị trường urê trong nước luôn “đóng băng”, urê liên tục rớt giá và giao dịch không nhiều.

7j9PYdcU.jpgPhóng to
Phân bón được chuyển từ chợ sỉ Trần Xuân Soạn (TP.HCM) xuống ĐBSCL - Ảnh: HẢI ĐĂNG

Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh phân bón đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, sản phẩm ứ đọng dù giá bán đã giảm mạnh.

Bán cũng lỗ, không bán cũng lỗ

Sau hơn mười ngày hạ giá bán còn 4.200 đồng/kg (giảm 300 đồng/kg), Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí vẫn không bán được một lô hàng nào với số lượng lớn. Ông Đinh Hữu Lộc - giám đốc công ty - cho biết đơn vị này đang liên hệ thuê kho bãi để lưu kho khoảng 70.000 tấn, chưa kể số lượng hơn 100.000 tấn đang được “cất” trong kho của đơn vị này.

Hơn hai tháng nay, đại lý tiêu thụ của Nhà máy đạm Phú Mỹ - gồm chín “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh phân bón - đã không lấy hàng hoặc lấy với số lượng rất ít so với sản lượng cam kết tiêu thụ. Không chỉ urê sản xuất trong nước, các loại urê nhập khẩu cũng đang “mắc cạn” tại các kho hàng, dù giá bán liên tục giảm. Sau khi tăng đến đỉnh điểm với giá bán ra của các nhà phân phối lên tới 4.950-5.000 đồng/kg, từ giữa tháng 6-2005 giá urê cứ giảm dần, giảm dần.

“Trong kinh doanh nếu không tính kỹ bài toán cung - cầu thì thua lỗ là chuyện bình thường, không thể đổ lỗi cho ai được. Các nhà nhập khẩu phải “trông giỏ bỏ thóc”, chứ nếu vẫn nhập ồ ạt lại rơi vào kịch bản như năm ngoái nhập thừa ra” - ông Đinh Hữu Lộc, giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí, nhận định.

Từ đầu tháng 8-2005 đến nay, một số đầu mối kinh doanh phân bón tại chợ sỉ phân bón Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM) thông báo mức giá bán ra khoảng 4.450-4.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp khẳng định đây chỉ là mức giá “treo”, vì có hạ giá bán xuống nữa cũng chẳng ai mua.

Theo vị giám đốc này, các đầu mối kinh doanh phân bón đang rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, hạ giá bán sẽ bị lỗ nhưng càng để hàng trong kho lâu ngày, nguy cơ thua lỗ càng cao.

“Lãnh đủ” vì thông tin thiếu chính xác

“Vụ mùa đã kết thúc, nhu cầu tiêu thụ phân bón không có, sức mua trên thị trường và giá urê giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi” - ông Lý Thanh Tùng - phó giám đốc Công ty vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, giải thích. Theo ông Tùng, nhiều doanh nghiệp đã “ôm” nợ do thông tin về thị trường thiếu chính xác. Vào thời điểm giá urê thế giới tăng cao tháng 5-2005, ngành phân bón đưa ra thông tin khuyến cáo là thị trường sẽ thiếu khoảng... 400.000 tấn urê, một số công ty cũng khẳng định sẽ ngưng nhập sản phẩm urê. Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lại ký hợp đồng nhập urê với hi vọng giá urê sẽ đứng ở mức cao vì cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ khan hiếm hàng. Và nhiều doanh nghiệp đã lãnh đủ hậu quả, cung nhiều hơn cầu, hàng hóa nhập về nằm trong kho không bán được, trong khi còn khoảng ba tháng nữa mới bắt đầu vào vụ gieo trồng mới.

Hiện đang có nhiều nhà kinh doanh tiếp tục “đạp” giá xuống để bán ra vì lo ngại giá urê sẽ tiếp tục giảm. Giám đốc một công ty kinh doanh phân bón khu vực miền Trung cho biết hiện giá urê Trung Quốc nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch vào VN (cửa khẩu Móng Cái) với mức giá 195 USD/tấn, thấp hơn mức giá phổ biến trên thị trường 65-70 USD/tấn, tính ra giá bán urê Trung Quốc chỉ 3.600-3.700 đồng/kg!

Hiện nhiều đơn vị kinh doanh phân bón khu vực miền Trung cũng như miền Bắc đang mua lượng urê giá rẻ dù trong kho vẫn còn một lượng lớn urê chưa tiêu thụ được. Chỉ trong hơn một tháng vừa qua, lượng urê Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vào VN đã lên tới 50.000-60.000 tấn.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên