18/06/2015 15:33 GMT+7

Thị trường truyền hình trả tiền: “cá bé” khóc vì “cá lớn”

M.QUANG
M.QUANG

TT - Viettel, SCTV, FPT bị các đài truyền hình địa phương “tố” dùng các chiêu cạnh tranh không lành mạnh để “bóp chết” các đài địa phương.

Tại hội thảo “Vấn đề xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền” do Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) tổ chức tại Hà Nội ngày 17-6, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền như Viettel, SCTV, FPT đồng loạt bị các đài truyền hình địa phương “tố” dùng các chiêu cạnh tranh không lành mạnh để “bóp chết” các đài địa phương.

Ông Lê Văn Minh, giám đốc Truyền hình cáp Hải Dương, khẳng định thị trường truyền hình cáp tại Hải Dương đang bị cạnh tranh khốc liệt, không lành mạnh. Ông đưa ví dụ: như SCTV khi xâm nhập vào thị trường đã hạ giá thuê bao xuống 33.000 đồng/tháng, Viettel khuyến mãi bằng cách khách hàng lắp đặt Internet sẽ được lắp truyền hình số và analog cùng với việc tặng một năm không thu cước.

Theo ông Hà Văn Dũng - giám đốc Truyền hình cáp Nghệ An, Viettel đang lấy nền tảng Internet để cạnh tranh chứ không phải cạnh tranh bằng chính dịch vụ truyền hình trả tiền. Vì thế, ông Dũng kiến nghị hiệp hội yêu cầu Viettel dừng ngay việc bù chéo dịch vụ để các đơn vị truyền hình trả tiền địa phương “còn có đất sống”...

Tương tự, FPT cũng bị “tố” dùng chiêu thu cước một thuê bao 50.000 đồng nhưng cho phép ba gia đình liền nhau chia sẻ dịch vụ. Điều này dẫn đến mỗi nơi một giá truyền hình trả tiền khác nhau.

Tương tự, đại diện Công ty Truyền hình cáp Thái Bình cũng đặt vấn đề đang có “tình trạng cá lớn nuốt cá bé” khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đưa ra các mức giá khác nhau, có khi rẻ bằng một nửa. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh ở nhiều nơi.

Điển hình là SCTV thu cước ở thành phố là 100.000 đồng/tháng nhưng khi về tỉnh chỉ áp dụng mức 50.000 đồng và đến huyện chỉ còn hơn 30.000 đồng. Điều này buộc các nhà cung cấp phải hạ giá theo nếu không muốn bị mất khách hàng.

Đại diện các đài truyền hình địa phương đề nghị có một mức giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền để chống lại tình trạng phá giá của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên theo quy định, truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục dịch vụ mà Nhà nước phải quản lý giá cước mà tuân theo cơ chế thị trường.

M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên