Phóng to |
Là một người làm việc lâu năm trong ngành truyền hình, tôi có nghiên cứu về vấn đề quản lý truyền hình ở các nước và nhận thấy ngay cả những nước tư bản, người ta cũng không phó mặc cho thị trường mà nhà nước hoàn toàn có thể đóng vai trò định hướng, điều tiết thị trường truyền hình trả tiền cũng như thị trường bản quyền bằng luật và các giải pháp kỹ thuật khác.
Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ ngành truyền hình mà tôi có dịp tiếp xúc và tham khảo:
Ví dụ Liên minh châu Âu ban hành Luật quản lý ngành công nghiệp truyền hình mang tên Audiovisual Media Services Directive (AVMS). Luật AVMS nhấn mạnh đến việc các nước thành viên của Liên minh châu Âu được quyền chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin của công dân. Ngoài ra AVMS cũng quy định đối với các sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân như Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup), Giải bóng đá vô địch châu Âu (Euro Championship), Olympic mùa hè... các nước thành viên phải đảm bảo cho người dân quyền được tiếp cận tối đa nhằm phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Ngoài ra, chính phủ các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ... đều ban hành một biện pháp mang tên Wholesale Must-Offer Pay TV Remedies quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải bán bản quyền các kênh có phát sóng những nội dung “cao cấp” mà mình đang phát sóng độc quyền (bóng đá và phim điện ảnh Hollywood) cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác nếu họ có nhu cầu. Quy định này nhằm ngăn chặn một đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền nào đó chiếm thế độc tôn thị trường, có thể dẫn đến cuộc cạnh tranh mua độc quyền nội dung.
Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra các quy định rất rõ ràng để ngăn chặn tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chạy đua mua độc quyền nội dung như một thứ vũ khí phát triển thuê bao, bởi lẽ tình trạng này sẽ dẫn đến các hệ lụy như: người xem phải gánh chịu hậu quả khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tăng giá thuê bao, khi đó người già và người thu nhập thấp sẽ không có cơ hội xem các sự kiện này; ngăn cản sự gia nhập thị trường của các nhà cung cấp truyền hình trả tiền mới khi các hãng đã ra đời độc quyền nội dung và trở thành một thế lực trên thị trường...
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề truyền hình ở VN, mà cụ thể ở đây là Cục Quản lý phát thanh truyền hình & thông tin điện tử không thể đứng ngoài cuộc vụ “Giá bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế tăng chóng mặt”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận