31/10/2015 09:40 GMT+7

Thi tốt nghiệp, tuyển sinh khác mục tiêu, không thể “2 trong 1”

NGỌC HÀ thực hiện (dothingocha@tuoitre.com.vn)
NGỌC HÀ thực hiện (dothingocha@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ GD-ĐT nhập hai kỳ thi quốc gia thành một kỳ thi chung duy nhất với mong muốn giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh

Nhưng rốt cuộc, sau kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo phương án đổi mới, nhiều chuyên gia lại đề xuất tách kỳ thi “hai trong một”, tại sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ:

- Tại sao phải ghép một kỳ thi mà hầu hết thí sinh đều sẽ đỗ tốt nghiệp với một kỳ thi chọn lựa, sàng lọc người đủ khả năng theo học đại học?

Chúng ta cần giảm bớt áp lực, sự cồng kềnh, tốn kém của các kỳ thi, nhưng không có nghĩa là “cộng” hai kỳ thi quốc gia vào làm một. Hãy xem xét, đánh giá kỹ xem trong hai kỳ thi đó, cái nào là cần thiết, cái nào làm đến đâu là vừa. Với thông lệ hằng năm - hầu như đều biết trước kết quả đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95 - 99%, thì cần gì phải tổ chức một kỳ thi tầm cỡ quốc gia chỉ để xác nhận lại tỉ lệ này?

* Những rắc rối, xộc xệch trong tổ chức thi THPT quốc gia, trong xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua liệu đã là minh chứng đầy đủ cho bất cập của kỳ thi “hai trong một”, thưa ông?

GS Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng
GS Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng

- Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đầy những rắc rối về tổ chức, lẫn lộn về chức năng: sở GD-ĐT làm công tác của tuyển sinh, nhận hồ sơ, tiếp nhận đăng ký nguyện vọng của thí sinh thay cho các trường ĐH; còn trường ĐH lại tổ chức thi để sau đó chuyển cho sở GD-ĐT làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT...

Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng chỉ là vấn đề phụ. Ngay cả những rối loạn trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ, cho rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật, có thể sửa chữa, điều chỉnh; chỉ vì bộ làm việc thiếu thận trọng, nóng vội quá, muốn đổi mới nhiều quá trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ.

Bất cập chính ở đây là triết lý của việc nhập hai kỳ thi vốn có mục tiêu, yêu cầu rất khác nhau vào làm một. Một bên là đánh giá học sinh có đạt được chuẩn nhất định để tốt nghiệp hay không, so sánh năng lực của thí sinh với chuẩn đầu ra nhất định, không có cạnh tranh, nên dù có đạt tỉ lệ 100% cũng được.

Còn lại, một bên là kỳ tuyển sinh mang nặng tính cạnh tranh, có hai em thi, một em giỏi hơn sẽ đỗ, em yếu hơn sẽ trượt; thậm chí nếu cả hai em cùng kém, không đạt mức sàn thì đều không chạm được ngưỡng trúng tuyển. Như vậy, khi nhập hai kỳ thi làm một, điều quan trọng nhất là liệu có ra được đề thi thống nhất chung cho cả hai mục đích ấy? Trong nhiều lần thảo luận, không ít ý kiến các chuyên gia đã khẳng định chúng ta chưa thể kết hợp hai mục tiêu ấy, vì không thể ra một đề thi đáp ứng cả hai nhu cầu.

* Vậy rốt cuộc, theo ông, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Trước mắt, vẫn nên duy trì thi tốt nghiệp THPT, nhưng giao về sở GD-ĐT và lâu dài giao hẳn cho các trường THPT tổ chức thực hiện. Nếu không thi, không xét tốt nghiệp THPT, 100% học sinh lớp 12 cùng đỗ tốt nghiệp thì không tạo được động lực cho các em học tập. Nhưng nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 90 - 95% thì hoàn toàn có thể giao cho trường THPT. Nếu để lọc ra 5 - 10% học sinh yếu kém, không thể đỗ tốt nghiệp thì trường THPT sẽ làm chính xác, đơn giản hơn, kể cả khi thi kết hợp với xét quá trình học tập.

Thật ra, theo quan điểm của tôi, cũng không nên để tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp dưới 90%, vì không thể để hơn 10% học sinh sau 12 năm học THPT không có bằng tốt nghiệp, không có gì chứng nhận các em đã hoàn thành kết quả học tập THPT.

Khi thi tốt nghiệp, do từng địa phương làm thì không lo bệnh thành tích vì không có cơ sở để so sánh giữa các cơ sở, giữa các địa phương nữa. Nếu một sở, thậm chí một trường tự tổ chức ra đề thi, chấm thi, thì tỉ lệ tốt nghiệp tỉnh này cao, tỉnh kia thấp hơn cũng chẳng đánh giá được gì, vì rất có thể tỉ lệ tốt nghiệp tại tỉnh này cao do đề thi dễ hơn và ngược lại.

* Theo ông, về lâu dài, có cách nào làm cho xã hội thật sự an tâm về những cải cách, đổi mới thi cử của ngành giáo dục?

- Việc cải tiến và đổi mới các kỳ thi không phải là không có triển vọng, mà có thể thực hiện tốt trong thời gian tới, với những điều kiện đi kèm đã sẵn sàng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta vẫn đang sử dụng sách giáo khoa cũ vốn được xây dựng trên nền tảng truyền đạt kiến thức, mà chưa quan tâm phát triển năng lực người học.

Vì vậy, không thể ra đề thi mở, đánh giá năng lực hoàn toàn; không thể học một kiểu, thi một kiểu được. Việc bắt học sinh tự tổng hợp kiến thức để giải các bài tập đánh giá năng lực là quá sức với các em, đó là tố chất dành cho nhà nghiên cứu.

Triển vọng đổi mới không chỉ về cách thức tổ chức mà cả ở nội dung thi cử đang thật sự mở ra, khi chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực, tăng cường dạy học tích hợp kết hợp với phân hóa định hướng nghề nghiệp.

Hiện tại, ở cấp phổ thông có hàng chục môn học, nếu bắt các em môn gì cũng học thì quá cồng kềnh, nhưng nếu tích hợp chung vào bài thi thì rất đơn giản, gọn nhẹ. Thi bằng bài tích hợp đánh giá năng lực chính là cách ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2015. Họ đã xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn bị cho hình thức thi này trong cả chục năm qua.

Tuy nhiên, thời điểm này chưa phù hợp để áp dụng phương thức thi mới. Học gì thi nấy, phải chờ đến khi học sinh được học chương trình mới theo hướng đánh giá năng lực, thì mới có thể yêu cầu các em vận dụng những điều đã học để làm bài thi đánh giá năng lực được.

Bộ đã quá ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT

Rõ ràng trong kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” vừa qua, Bộ GD-ĐT đã rất thận trọng với mối lo rủi ro về tỉ lệ tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ ấy thấp quá thì sợ bị đánh giá chung về chất lượng giáo dục, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp cao quá, chẳng hạn lên 100% thì xã hội lại không tin tưởng.

Chính vì ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT ở kỳ thi chung, nên bộ buộc phải ưu tiên tỉ lệ câu hỏi trong đề thi dành cho mục tiêu ấy. Bộ GD-ĐT công bố có đến 60% số câu hỏi dùng để xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi còn lại để dành xét tuyển ĐH, CĐ; nhưng thực tế tỉ lệ dành cho các câu hỏi để xét tốt nghiệp THPT còn cao hơn.

Kết quả là tỉ lệ câu hỏi khiêm tốn còn lại dành xét tuyển ĐH, CĐ không đủ để phân hóa thí sinh. Chỉ có một số ít câu hỏi có tính nâng cao từ mức khá trở lên thì chỉ lọc được các em giỏi, còn tầng dưới học sinh trung bình và khá lẫn lộn hết. Vì vậy, đầu vào của các trường tốp giữa bị lẫn lộn.

Vấn đề không phải là có tuyển được đủ thí sinh hay không, mà điều quan trọng với các trường là có tuyển được người đúng năng lực như yêu cầu hay không. Vì vậy, với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, dễ thấy mục tiêu dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT thì suôn sẻ, nhưng kết quả ấy dùng để xét tuyển ĐH, CĐ thì không ổn.

GS ĐÀO TRỌNG THI

NGỌC HÀ thực hiện (dothingocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên