29/10/2015 21:00 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ: Nhập hay tách?

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ

TTO - Trước đề xuất tách kỳ thi “hai trong một”, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng thuận, nhưng cũng không ít người cho rằng cần có sự cân nhắc thấu đáo, tránh gây sốc cho học sinh.

Thí sinh xem trang thống kê lũy kế kết quả các tổ hợp môn thi, quà tặng của báo Tuổi Trẻ - Ảnh minh họa: TTO 

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến một số chuyên gia giáo dục quanh chủ đề đang rất “nóng” này. 

* GS.TS Mai Hồng Quỳ (hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM):

Về lâu dài cần bỏ thi tốt nghiệp THPT

Một trong những vấn đề phát sinh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là phương án xét tuyển hiện nay đang hướng đến việc làm sao cho thí sinh được vào trường ĐH nhưng chưa đảm bảo tiêu chí định hướng ngành nghề cho thí sinh.

Nên có những tổ hợp và nhóm để thí sinh có thể đăng ký vào một ngành của nhiều trường, chứ không phải đăng ký nhiều ngành ở một trường như hiện nay.

Ví dụ một thí sinh yêu thích ngành cơ khí có thể đăng ký nguyện vọng ngành này ở Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật.

Về lâu dài cần xem xét việc không thi tốt nghiệp THPT mà xét công nhận tốt nghiệp THPT và duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

* GS Nguyễn Hữu Tú (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội):

Vẫn cần Bộ GD-ĐT giúp các trường ĐH tổ chức kỳ thi chung

Với tuyển sinh ĐH, CĐ, tôi cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để các trường hoàn toàn tự đưa ra phương án tuyển sinh mà không có cơ sở từ kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức. Bộ GD-ĐT vẫn nên đứng ra tổ chức kỳ thi chung giúp các trường ĐH có thể sử dụng kết quả của kỳ thi làm cơ sở để xét tuyển.

Từ thực tiễn tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội, cũng như kinh nghiệm tuyển sinh chung nhiều năm qua, thì thấy hiện tại nếu để các trường tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh sẽ khó đảm bảo đầy đủ tính khách quan của kỳ thi, tính bảo mật cho đề thi, tính nghiêm minh, công bằng như kỳ thi chung đã thực hiện hơn 10 năm qua.

* TS Võ Thế Quân (hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Hà Nội):

Nhập hai kỳ thi vào một là ý tưởng sai lầm 

Việc sáp nhập hai kỳ thi trước đây là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào làm một kỳ thi chung là một ý tưởng sai lầm vì đây là hai kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác nhau.

Một bên là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá, ghi nhận kết quả học tập THPT. Còn lại, một bên là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với mục tiêu tuyển chọn đầu vào với những em có đủ năng lực để theo học trình độ cao hơn.

Một kỳ thi xét đầu ra THPT, một kỳ thi xét đầu vào cho giáo dục ĐH lại cố nhập thành một là việc làm khiên cưỡng, giẫm chân lên nhau, tất yếu đẻ ra những hệ lụy phức tạp.

Ngoài ra, việc huy động lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hoàn toàn không đúng nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục hiện nay.

Theo đó, hệ thống sở GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục phổ thông lại không được chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc tổ chức thi tốt nghiệp mà bộ lại giao phần lớn công việc này cho trường ĐH.

Về phía trường ĐH thì tự nhiên lại phải gánh phần việc vốn không phải của mình là tổ chức thi để thí sinh có cơ sở xét tốt nghiệp THPT.

Việc thành lập các cụm thi liên tỉnh buộc thí sinh phải di chuyển, dồn về các địa phương chủ trì cụm thi gây căng thẳng, xáo trộn, tốn kém.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh cấu trúc đề thi không hợp lý. Vì phải gánh hai mục tiêu nên 60% câu hỏi dành mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, 40% câu hỏi dùng để phân loại thí sinh cho xét tuyển ĐH.

Như vậy, giả sử một thí sinh trúng tuyển ĐH đạt 8 điểm/môn thì cũng chỉ có 2 điểm là kiến thức của câu hỏi dùng để xét tuyển ĐH, còn lại 6 điểm là hàm lượng kiến thức của các câu hỏi dễ cho phần xét tốt nghiệp THPT. Chất lượng xét tuyển ĐH, theo đó, bị sụt giảm so với trước.

Giải pháp cho cải tiến kỳ thi chỉ có thể chọn lựa một trong hai giải pháp. Một là nếu vẫn tiếp tục kỳ thi “hai trong một” thì bộ cần tích cực điều chỉnh những bất cập đã xảy ra. Phương án hai là nên tách kỳ thi “hai trong một” thành hai việc độc lập, trả việc thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương và trả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường. 

* TS Lê Sĩ Đồng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM):

Cho phép xét tuyển trực tuyến

Khâu xét tuyển ĐH, CĐ cần khắc phục một số hạn chế. Bộ GD-ĐT cần có phương án, chủ trương giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra quy định ngày đầu và ngày cuối của kỳ tuyển sinh, còn đoạn giữa nên giao quyền cho các trường tự quyết.

Trong khâu xét tuyển, chỉ nên cho thí sinh đăng ký tối đa hai nguyện vọng đúng ngành nghề. Vì nếu thực hiện theo cách xét tuyển năm 2015 chỉ làm cho thí sinh cố vào đại học chứ không đạt mục tiêu chọn ngành nghề yêu thích.

Để giảm căng thẳng cho thí sinh, bộ cần chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật để cho phép thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Trong vấn đề điểm ưu tiên nên giảm 50% số điểm ưu tiên để tạo công bằng cho thí sinh. Theo đó mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm đối với thang điểm 10.

* Ông Nguyễn Tiến Đạt (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Bỏ cụm thi địa phương

Không nên tổ chức cụm thi địa phương để các sở GD-ĐT có thêm thời gian phối hợp với các trường ĐH tổ chức thi, đồng thời tiết kiệm kinh phí cho địa phương. Năm 2016 nên tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và cần sớm công bố ngày thi.

Nên bổ sung, nâng cấp, thử nghiệm và có ý kiến nghiệm thu của các chuyên gia khảo thí và chuyên gia tin học về phần mềm quản lý thi THPT quốc gia nhằm phát hiện được lỗi để khi triển khai thực hiện tránh được trục trặc.

* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Các nhóm trường phối hợp tuyển sinh

Tôi ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi chung với cơ sở dữ liệu chung. Tuy nhiên, cần tổ chức thêm một số cụm thi ngay tại các địa phương do các trường ĐH phối hợp với sở GD-ĐT chủ trì để thí sinh bớt phải đi lại vất vả.

Vấn đề xét tuyển tôi đề nghị không cho thí sinh đăng ký nhiều ngành, trong đó có ngành thí sinh không thích.

Cần tính tới việc phối hợp giữa nhóm các trường ĐH có cùng ngành đào tạo để xét tuyển. Ví dụ thí sinh xét tuyển vào ngành kỹ thuật xây dựng ở trường A không trúng tuyển được đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành này ở trường B có điểm chuẩn thấp hơn.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên