Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại điểm thi Trường ĐH Dự bị TP.HCM thuộc cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm nay kỳ thi được chuyển cho các sở GD-ĐT tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - lý giải việc “chốt” phương án thi trong 2,5 ngày được thực hiện chính từ đề nghị của các sở GD-ĐT.
“Việc giảm từ 4 ngày còn 2,5 ngày nhằm làm kỳ thi nhẹ nhàng hơn. Điều chỉnh thời gian thi từ 2 ngày như phương án thi công bố hồi tháng 9 lên thành 2,5 ngày sẽ giúp thí sinh bớt căng thẳng, các sở GD-ĐT cũng bớt vất vả hơn trong tổ chức thi vì sẽ không có buổi thi nào phải thi đến hai môn thi, bài thi nữa” - ông Trinh nhận định.
Thi trong tháng 6
Theo phương án thi THPT quốc gia, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức trong tháng 6, sớm hơn so với thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước.
Thực tế trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT từng có ý định tổ chức kỳ thi trong tháng 6, do tháng 7 tổ chức thi thường rơi vào những ngày nắng nóng cao điểm gây căng thẳng, mệt mỏi cho cả thí sinh và phụ huynh.
Bên cạnh đó, kỳ thi THPT quốc gia khi đó (hai năm 2015 và 2016) do các trường ĐH tổ chức, mà thường hết tháng 6 các trường mới kết thúc năm học nên không thể bố trí đủ địa điểm thi, bố trí ký túc xá để thí sinh lưu trú. Vì vậy, kế hoạch này không thực hiện được.
“Năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia được giao về các sở GD-ĐT chủ trì tổ chức, nên việc điều chỉnh thời gian thi sớm hơn không ảnh hưởng đến hoạt động trong năm học của các trường phổ thông vốn thường kết thúc trước tháng 6” - ông Ga nói.
Bộ GD-ĐT sẽ có lịch thi cụ thể trong văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi, dự kiến ban hành trong tuần sau.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại điểm thi Trường ĐH Dự bị TP.HCM thuộc cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Công bố đề thi, đáp án
Cũng theo ông Ga, sau khi cân nhắc, Bộ GD-ĐT đã quyết định sẽ công bố đề thi và đáp án tất cả các môn thi.
Trước đó, Bộ GD-ĐT từng dự định giữ bí mật đề thi và đáp án để tránh lãng phí do quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm nay được thực hiện hoàn toàn mới, rất công phu. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một đề thi riêng với nội dung đề thi khác nhau tối thiểu ở mức 80%.
Dù công bố đề thi, đáp án nhưng Bộ GD-ĐT vẫn đảm bảo mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, nhưng chưa tiết lộ mức độ giống nhau giữa các mã đề sẽ khác thế nào so với công bố trước đây.
Lý giải thêm về việc sẽ công bố đề thi, ông Mai Văn Trinh cho biết trong quy chế thi THPT quốc gia đã quy định rõ đối với bài thi tổ hợp. Theo đó, thí sinh làm bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.
Đề thi các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp được phát lần lượt theo từng môn thi để thí sinh làm bài. Ngay khi hết giờ làm bài của môn thi nào thì thu đề thi và giấy nháp của thí sinh thi môn thi đó, đồng thời phát đề thi của môn thi kế tiếp theo đúng lịch thi đã quy định.
Tuy nhiên, cán bộ coi thi sẽ không thu lại đề thi, giấy nháp của thí sinh thi môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp và của thí sinh thi các bài thi khác của kỳ thi.
“Không thu lại đề thi có nghĩa là đề thi sẽ được công khai và coi như vẫn công bố như mọi năm” - ông Trinh nói.
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
GS Đinh Văn Sơn (hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại): Tránh phiền hà, phức tạp trong tổ chức thi Việc điều chỉnh thời gian thi thành 2,5 ngày sẽ tránh được những phức tạp, phiền hà trong tổ chức thi, trong thu đề, phát đề vì mỗi môn thi đều diễn ra trong một buổi thi độc lập. Điều này cũng giúp cả thí sinh và cán bộ coi thi có thêm thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi thi. Đặc biệt, thí sinh sẽ được ngắt mạch tư duy giữa các môn thi khác nhau, rất thuận lợi cho quá trình làm bài. Tôi ủng hộ phương án Bộ GD-ĐT giữ điểm sàn chung trong tuyển sinh ĐH năm nay. Tuy nhiên, bộ cũng nên cân nhắc kỹ nếu đặt ra lộ trình từ năm 2018 sẽ không công bố điểm sàn chung nữa. Việc yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong thực tế điều này đã được các trường thực hiện trong báo cáo “ba công khai” hằng năm. Riêng báo cáo về tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên thì cần được tính đến tính khả thi, phải xem các trường có đủ nhân lực để thống kê hay không, làm sao để đảm bảo cơ chế giám sát số liệu báo cáo chính xác hay không. Bản thân kết quả thống kê cũng chỉ có độ chính xác tương đối ở một thời điểm nhất định. Riêng về việc không giới hạn nguyện vọng cho thí sinh, bộ cần xem xét hiệu quả cuối cùng của quy định này. Thí sinh lựa chọn ngành nghề cần thể hiện tâm huyết và quyết tâm với lựa chọn của mình, chứ không phải cho vô số nguyện vọng để các em thoải mái lựa chọn chỉ cốt vào ĐH cho bằng được. Thầy Nguyễn Quốc Bình (hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội): Không nên kéo dài quá thời gian ôn thi Việc điều chỉnh thời gian thi và số ngày thi là ý kiến của nhiều trường THPT đã được Bộ GD-ĐT lắng nghe, tiếp thu. Tôi cho rằng kỳ thi ấn định vào khoảng giữa tháng 6 là hợp lý. Hiện nay bước vào học kỳ 2, các trường THPT đều cho học sinh học và ôn tập cuốn chiếu. Muộn nhất ngày 25-5 là kết thúc chương trình. Có trường tổ chức ôn tập cho học sinh khoảng hai tuần nữa là vừa tới kỳ thi. Như vậy kiến thức, kỹ năng học sinh vừa được ôn luyện xong vẫn nắm vững, không có thời gian bị ngắt quãng nếu như lịch thi được đẩy lên sớm hơn năm trước. Như thế thuận lợi hơn cho thí sinh. Việc điều chỉnh thời gian thi trong 2,5 ngày đối với 5 bài thi là hợp lý so với dự kiến 2 ngày như trước đây. Mỗi buổi học sinh chỉ làm một bài thi, tránh căng thẳng, quá tải cho thí sinh. Cô Lê Thị Thanh Nguyệt (hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM): Tạo ra áp lực khác Việc giảm ngày thi còn 2,5 ngày là tín hiệu vui vì giảm bớt áp lực cho nhà trường, phụ huynh (trong việc canh thi và đưa học sinh đi thi) và học sinh. Tuy nhiên, nó lại tạo ra một áp lực khác là học sinh phải học hành căng thẳng hơn khi phải thi theo dạng tổ hợp (môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Thầy Hà Xuân Nhâm (hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Học sinh có thêm một tháng ôn tập là vừa Theo kế hoạch dạy học thì các trường công lập sẽ kết thúc chương trình đối với học sinh lớp 12 vào khoảng sau ngày 20-5. Nhưng như hiện nay thì học sinh lớp 12 đều đã được hướng dẫn ôn tập theo đề cương. Một số trường chủ động chương trình dạy học thì ngay từ đầu năm học đã bố trí các tiết học tăng cường cho học sinh lớp 12 tùy theo tự chọn của học sinh và việc phân loại trình độ học sinh để sắp xếp lớp ôn tập. Nếu lịch thi đẩy sớm lên vào tháng 6, học sinh không bị xáo trộn. Các trường khác tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng. Sau khi kết thúc chương trình, học sinh lớp 12 có thêm một tháng ôn tập để củng cố, chốt lại kiến thức, theo tôi thế là vừa phải. Thầy Trần Văn Quang (giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM): Nên quy định thời gian chuyển tiếp môn thi Các học sinh đã chuẩn bị tâm thế thi THPT vào đầu tháng 7, nếu quyết định thi sớm hơn chắc nhiều em sẽ âu lo. Giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy bị động trong kế hoạch dạy học, mặc dù thời điểm này chúng tôi dạy theo kiểu cuốn chiếu từng tuần (học tuần nào ôn ngay tuần đó). Nhân đây tôi cũng đề nghị: trong quá trình thi môn tổ hợp, bộ nên quy định thời gian chuyển tiếp từ môn này sang môn kia tối thiểu phải là 15 phút để tránh cập rập cho thí sinh và cả cán bộ coi thi. Ví dụ thí sinh thi xong môn sử, nộp bài rồi thì ít nhất 15 phút sau mới tiếp tục giờ làm bài môn địa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận