23/06/2018 15:46 GMT+7

Thí sinh bị thương không viết được, phải chờ bộ hướng dẫn?

NG.HÀ - B.SƠN - TH.TRANG - CHÍ HẠNH
NG.HÀ - B.SƠN - TH.TRANG - CHÍ HẠNH

TTO - Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết do bộ chưa có quy định nên sở không đồng ý cho người khác chép bài giùm cho thí sinh...

Thí sinh bị thương không viết được, phải chờ bộ hướng dẫn? - Ảnh 1.

Công văn phúc đáp của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương gửi Trung đoàn cảnh sát cơ động 25 - Ảnh: TUẤN DUY

Trong số hơn 925.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018, đã xuất hiện những tình huống trớ trêu đầu tiên. Trong đó có trường hợp cùng một tình huống thí sinh bị thương tay lại có hai cách xử lý khác nhau.

Bình Dương: không giải quyết, chờ bộ

Ngày 22-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết đã có văn bản phúc đáp tới Trung đoàn cảnh sát cơ động 25 (trụ sở chính tại Đồng Nai) về việc sở không đồng ý cho cán bộ của trung đoàn chép hộ bài cho thí sinh P.V.K. (20 tuổi, là chiến sĩ của trung đoàn, đăng ký thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Bình Dương).

Lý do sở không đồng ý vì theo quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành chưa có quy định cho phép việc này.

Trước đó, Trung đoàn cảnh sát cơ động 25 có công văn gửi Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết chiến sĩ P.V.K. được điều động làm nhiệm vụ vào đầu tháng 6-2018 vừa qua và đã bị thương ở bàn tay phải, phải bó bột dẫn tới không thể cầm bút viết được bài thi môn văn. Vì vậy, trung đoàn đề nghị sở xem xét đồng ý cho cán bộ chép hộ bài thi cho thí sinh này.

Đại diện Trung đoàn cảnh sát cơ động 25 cho biết sau khi nhận được văn bản từ chối của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, trung đoàn sẽ có báo cáo cho cơ quan cấp trên trong hệ thống nội bộ ngành để có ý kiến thêm về trường hợp chiến sĩ P.V.K.

Được biết, chiến sĩ K. có nguyện vọng sẽ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường thuộc ngành công an. Dù bị thương ở bàn tay không viết được nhưng sức khỏe của chiến sĩ K. vẫn bình thường (các bộ phận khác của cơ thể không bị thương) nên hiện chiến sĩ K. vẫn sinh hoạt bình thường tại trụ sở chính của trung đoàn ở tỉnh Đồng Nai.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Bộ Công an đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị hỗ trợ chiến sĩ bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong đó nêu rõ thí sinh P.V.K. bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự theo chỉ đạo của Bộ Công an, đồng thời thí sinh có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả điểm xét tuyển vào các trường công an nhân dân năm 2018, vì vậy bộ này đề nghị Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) có biện pháp để hỗ trợ thí sinh P.V.K. làm bài thi môn ngữ văn phù hợp với quy chế.

Cuối giờ chiều 22-6, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù đã có công văn phúc đáp căn cứ theo quy chế của Bộ GD-ĐT, nhưng do đây là trường hợp đặc biệt nên nếu Bộ GD-ĐT có chỉ đạo, hướng dẫn khác thì sở sẽ chấp hành theo chỉ đạo.

Cần Thơ: cho thí sinh thi và hỗ trợ chặt chẽ

Trong khi đó tại Cần Thơ, bà Trần Hồng Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ - cho biết hiện tại, điểm thi THPT Thuận Hưng (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) có 1 thí sinh bị tai nạn không thể tự viết. Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh đề nghị trưởng điểm thi bố trí phòng thi riêng khi thi môn ngữ văn, và cử 3 cán bộ coi thi.

Theo đó, cán bộ coi thi 1 và 2 phải bốc thăm phân công theo quy định, cán bộ coi thi thứ 3 được chỉ định ngồi cạnh để viết nội dung bài làm theo lời đọc của thí sinh. Cán bộ coi thi này không phải là giáo viên dạy môn ngữ văn nhưng phải viết chữ dễ đọc và tuyệt đối không trao đổi hay có ý kiến gì về bài làm của thí sinh.

Đặc biệt, phòng thi phải bố trí một máy quay phim và máy vi tính để bàn không nối mạng Internet để ghi lại âm thanh và hình ảnh diễn biến của phòng thi...

Ông Nguyễn Văn Chi, trưởng Phòng giáo dục Q.Thốt Nốt, cho biết hiện các thầy cô tại trường có thí sinh bị tai nạn này đã luân phiên hỗ trợ ôn tập và động viên tinh thần để thí sinh tham gia kỳ thi thật tốt.

"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để em đến phòng thi an toàn. Không riêng thí sinh này, tất cả thí sinh trên địa bàn chúng tôi đều phân công từng trường, từng giáo viên phụ trách theo sát tình hình tâm lý cũng như điều kiện nơi ăn chốn ở thật tốt" - ông Chi chia sẻ.

Vĩnh Long giải quyết cho một thí sinh xét tuyển ngành công an

Ngày 22-6, thượng tá Võ Văn Quyển, phó trưởng Công an TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), cho biết sau khi xác minh, xem xét đã phê duyệt hồ sơ lý lịch cho em Phan Hữu Tân Long (18 tuổi) có nguyện vọng xét tuyển theo học ngành công an.

Long là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thông, gặp trục trặc trong việc phê hồ sơ lý lịch mà lý do vì cha là ông Phan Hữu Thanh Hồi (45 tuổi), từng công tác trong ngành công an, đang có đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh.

Ông Hồi sau khi rời ngành công an đã chuyển sang tập sự tại Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long và làm cộng sự cho Văn phòng luật sư Anh Thư. Ông có tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một số công dân trong vụ tranh chấp sản xuất lúa ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân (Vĩnh Long).

Khi đang ghi nhận việc tranh chấp gặt lúa cho đương sự, ông Hồi bị công an xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân khống chế, còng tay đưa về trụ sở tạm giữ nhiều giờ và tịch thu tài sản cá nhân là điện thoại di động dẫn đến việc khiếu nại.

Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng quan tâm và có văn bản yêu cầu Viện KSND huyện Bình Tân xem xét giải quyết, thông báo kết quả cho Bộ Công an biết.

Tuy nhiên, trong các ngày 19 và 20-6, ông Hồi nhận được thông báo qua điện thoại của Công an TP Vĩnh Long và Công an huyện Bình Tân cho biết con ông sẽ không được phê hồ sơ lý lịch, cũng như việc sẽ không được xem xét giải quyết nếu không rút đơn khiếu nại.

Cảnh báo các Cảnh báo các 'chiêu' gian lận thi cử bằng công nghệ

TTO - Theo cảnh báo của công an, các thiết bị thu phát tín hiệu có thể giúp thí sinh gian lận thi cử có nhiều hình dạng, từ dạng vòng cổ đến dạng thẻ ATM hay máy tính Casio FX-570.

NG.HÀ - B.SƠN - TH.TRANG - CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên