22/06/2018 10:55 GMT+7

Thi THPT quốc gia 2018: siết chặt kỷ luật phòng thi

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH - ĐOÀN CƯỜNG - DUY THANH
NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH - ĐOÀN CƯỜNG - DUY THANH

TTO - Hôm nay 22-6 các trường ĐH, CĐ “xuất quân” về các tỉnh, thành phố để “bọc lót” cho các giáo viên địa phương, cùng tham gia công tác coi thi THPT quốc gia 2018.

Thi THPT quốc gia 2018: siết chặt kỷ luật phòng thi - Ảnh 1.

TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) tập huấn công tác coi thi THPT quốc gia năm 2018 cho các cán bộ giám sát và coi thi sáng 18-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mọi năm, ở các địa phương đều có thanh tra lưu động. Nhưng có nơi do điểm thi xa, việc di chuyển, đi lại gặp khó khăn nên khó kịp thời nắm bắt tình hình, cũng như đưa ra các kiến nghị xử lý nhanh chóng. Vì vậy, việc bổ sung thanh tra cắm chốt sẽ hỗ trợ tốt cho công tác thanh tra thi

Ông Nguyễn Huy Bằng

45.000 Đó là con số giảng viên từ các trường đại học sẽ tỏa đi 63 tỉnh, thành.

Điểm khác biệt quan trọng so với năm trước là ngoài coi thi, các giảng viên còn tham gia làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt tại mỗi điểm thi.

Thêm thanh tra cắm chốt tại mỗi điểm thi

Ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - khẳng định sự tham gia của giảng viên sẽ hỗ trợ để đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi. Có người lo nếu chỉ riêng giáo viên phổ thông coi thi thì dễ có tâm lý "thương" trò. Vì vậy, sự tham gia phối hợp của giảng viên từ các trường ĐH sẽ phần nào giải tỏa mối lo lắng này.

Năm nay, vai trò của giảng viên càng được tăng cường hơn khi bên cạnh việc bố trí tỉ lệ một giảng viên và một giáo viên coi thi/phòng thi thì giảng viên còn xuất hiện trong thành phần thanh tra cắm chốt. Ngoài ra, phó trưởng điểm thi - cũng là giảng viên - sẽ phải ký tên bên ngoài túi bài thi...

Theo ông Nghĩa, việc bổ sung chữ ký phó trưởng điểm thi trên túi bài thi không phải vì không tin giám thị, mà vì số lượng giám thị quá lớn nên khi cần sẽ khó kiểm soát chữ ký hơn.

Do đó, trong tình huống phải đối chiếu túi bài thi để xác nhận tình trạng niêm phong thì mẫu chữ ký của phó trưởng điểm thi sẽ thuận lợi hơn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra còn có một "chốt chặn" quan trọng chính là đề thi với 24 mã khác nhau dành cho 24 thí sinh ở mỗi phòng thi.

Thi THPT quốc gia 2018: siết chặt kỷ luật phòng thi - Ảnh 4.

Cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nghe tập huấn công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sáng 19-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thanh tra "phủ sóng" ở khắp các khâu

Ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - cho biết bên cạnh việc tổ chức các đoàn thanh tra, bộ còn có hướng dẫn các sở GD-ĐT về công tác thanh tra, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp.

Cả nước có trên 4.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác thanh tra tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có cả lực lượng thanh tra của bộ và của sở, thanh tra cơ động và thanh tra cắm chốt. Trong đó có hơn 2.000 giảng viên đến từ các trường ĐH tham gia công tác thanh tra thi.

Việc thanh tra được "phủ sóng" ở khắp các khâu tổ chức kỳ thi: từ lúc chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi... Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các tỉnh, thành phải tổ chức các đoàn thanh tra lưu động và thanh tra cắm chốt tại từng điểm thi. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, điểm mới của kỳ thi năm nay là mỗi điểm thi sẽ có 2 thanh tra cắm chốt - trong đó có một giảng viên.

Thực tế, các năm trước bên cạnh giám thị phòng thi, các điểm thi đều bố trí giám thị giám sát hành lang với mật độ tối thiểu 7 phòng thi thì có 1 giám sát. Tuy nhiên, khác với lực lượng giám sát theo quy định thực hiện nhiệm vụ do trưởng điểm thi chỉ đạo, các thanh tra cắm chốt sẽ hoạt động độc lập với các điểm thi. Và sẽ thanh tra, giám sát từ trưởng điểm thi trở xuống.

Lo như "chủ nhà"

Tuy chỉ ở vai trò phối hợp trong tổ chức thi, nhiều trường ĐH vẫn duy trì nhiều công việc chuẩn bị cho việc coi thi như khi chính trường phải chủ trì.

Theo đó, Trường ĐH Thủy lợi ngoài tập huấn trực tiếp cho các giảng viên coi thi còn biên soạn một tài liệu nhỏ như một "cẩm nang" dành cho cán bộ coi thi. GS Nguyễn Trung Việt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - cho biết ngày 22-6, một đoàn giảng viên đầu tiên của trường sẽ xuất phát đi làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi của Thanh Hóa. Ngày 23-6, khoảng 400 giảng viên sẽ tiếp tục lên đường.

Các cán bộ làm nhiệm vụ coi thi đều được tập huấn kỹ về quy chế chung cũng như việc xử lý các tình huống cụ thể. Ví dụ nếu thí sinh xin ra ngoài... đi vệ sinh trong giờ thi bắt buộc phải có giám sát đi kèm, không ký sẵn giấy nháp khi chưa phát cho thí sinh, không cho thí sinh ký nộp bài khi bài chưa nộp...

"Các thầy cô đều được nhắc nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật rất nặng. Thậm chí nếu lộ đề có thể còn bị truy cứu hình sự nên ai cũng hiểu trách nhiệm nặng nề phía trước" - một giảng viên chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: "Qua lưu ý của bộ chúng tôi phổ biến rất kỹ cho tất cả những quy định mới như trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ ký của cán bộ coi thi); phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng... nếu phát hiện vi phạm.

Tất cả cán bộ, giảng viên tham gia làm công tác thi của trường năm nay đều là những người có nhiều kinh nghiệm được nhà trường tuyển chọn rất kỹ".

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin - chia sẻ: "Đáng chú ý, năm nay Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải kiểm tra tình trạng đề thi. Nếu thí sinh không phát hiện hoặc để quá sau khi phát đề 10 phút đối với bài thi toán, ngoại ngữ; 5 phút đối với bài thi ngữ văn và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.

Vì vậy, chúng tôi đã lưu ý ngay sau khi phát đề thi, cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi: nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ... phải lập tức báo cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý".

Cảnh giác với gian lận

Ngày 21-6, ông Nguyễn Đình Vĩnh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết đã tiến hành tập huấn kỹ càng cho các cán bộ coi thi là giáo viên THPT và giảng viên các trường ĐH. Trong đó lưu ý đến các mốc thời gian giao nhận đề thi, thông báo môn thi trước khi mở đề, nhất là việc phải thu lại đề thi dư thừa ngay sau khi phát đề để đảm bảo tính an toàn, bảo mật.

Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các địa điểm kinh doanh thiết bị công nghệ cao trên địa bàn, các diễn đàn mạng xã hội nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi tiếp tay cho gian lận thi cử.

Ông Giáp cũng cho biết Công an Bình Định đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tỉnh Bình Định đề nghị quán triệt đến các hội đồng coi thi, giám thị để quan tâm cao độ đến vấn đề gian lận thi cử bằng công nghệ cao trong kỳ thi này. Ông Đào Đức Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cho biết sẽ họp lãnh đạo hội đồng thi của tỉnh và trưởng, phó các điểm thi để thông tin cụ thể, yêu cầu lưu ý đặc biệt việc gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong hôm nay (22-6).

Những đề thi “gây bão”

Khởi đăng từ ngày mai (23-6), tuyến bài viết về hành trình của những đề thi "gây bão" sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ nhất, chi tiết nhất về những đề thi, đề kiểm tra từng gây xôn xao dư luận.

Đó là những đề thi làm nức lòng phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vì đã truyền đi một thông điệp tích cực và nhân văn.

Những đề thi gây xôn xao dư luận, tạo ra những ý kiến trái chiều tranh luận với nhau một cách kịch liệt trên mạng xã hội. Mời bạn đọc đón xem.

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH - ĐOÀN CƯỜNG - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên