Thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Cho em hỏi điểm cộng ưu tiên đại học có quy định mức cộng tối đa hay không?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy không quy định mức điểm ưu tiên tối đa một thí sinh được hưởng. Tuy nhiên, quy chế nêu rõ nếu em có nhiều chế độ ưu tiên thì em chỉ được hưởng một chế độ ưu tiên có điểm cao nhất.
* Tôi có hộ khẩu trên 18 tháng tại khu vực 1 (xã Bảo Hòa- huyên Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai), nhưng học THPT tai trường khu vực 2 (THPT Long Khánh thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Như vậy tôi hưởng ưu tiên ở khu vực nào?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Ưu tiên theo khu vực được xác định theo trường THPT mà thí sinh học. Với trường hợp của em, sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực của trường THPT Long Khánh (KV2).
* Xin thầy cô vui lòng cho biết trong cùng một ngành sẽ được đăng ký tối đa mấy trường? Trong mỗi trường, sẽ được đăng ký tối đa mấy ngành? Với cùng một ngành học và cùng một trường ĐH, có thể ghi thành nhiều nguyện vọng ứng với các tổ hợp môn thi khác nhau tại mục 21 của Phiếu số 2 được không? Và với cách ghi đó, hết nguyện vọng của một trường mới được tiếp tục ghi tới nguyện vọng vào các trường ĐH khác trên cùng 1 phiếu đăng ký?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Năm nay, thí sinh được đăng ký không hạn chế số ngành, số trường. Tuy nhiên, em phải cân nhắc cẩn thận trước khi đăng ký để đảm bảo là đăng ký các ngành phù hợp với nguyện vọng, năng lực của mình.
- Thực tế, các trường ĐH dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Để tăng khả năng trúng tuyển, đối với một ngành cùng một trường ĐH, em có thể ghi thành nhiều nguyện vọng ứng với các tổ hợp xét tuyển khác nhau theo quy định của trường.
Em cần lưu ý rằng mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng và nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà em có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn. Tuy nhiên, không nhất thiết là tất cả các ngành trong một trường hoặc là các nguyện vọng vào một ngành với các tổ hợp xét tuyển khác nhau phải đặt gần nhau.
Ví dụ NV1 của em là ở ngành A của trường X, NV2 là ngành A của trường Y, NV3 là ngành B của trường X.
* Việc tổ chức thi ở địa phương có làm cho kết quả thi không đồng đều không? Em thi ở Hà Nội thì sẽ chặt hơn các bạn ở miền núi, nhưng khi xét tuyển ĐH lại chỉ dựa vào kết quả thi chung. Như vậy em có bị thiệt thòi quá không?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Việc giao địa phương chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia đã được thực hiện từng bước từ năm 2015, 2016. Phương án thi năm 2017 là rút kinh nghiệm từ các năm trước.
Với quy định mỗi phòng thi có 1 giảng viên ĐH và 1 giáo viên phổ thông cùng coi thi sẽ đảm bảo được sự công bằng của kỳ thi giữa các vùng, miền khác nhau. Em yên tâm ôn tập để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.
* Tại sao Bộ GD- ĐT không cho thí sinh thi trên máy tính như cách thi đánh giá năng lực ĐHQGHN đã làm?
- PGS. TS Trần Văn Nghĩa: Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công tác tổ chức cũng như chấm thi. Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất của các địa phương rất khác nhau nên không thể triển khai một cách đồng loạt được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận