30/06/2017 15:57 GMT+7

Thí nghiệm khoa học cũng… phân biệt giới tính?

TRỌNG NHÂN (Nguồn tham khảo: Popsci, Scientist)
TRỌNG NHÂN (Nguồn tham khảo: Popsci, Scientist)

TTO - Khi cần làm thí nghiệm, các nhà khoa học có xu hướng chọn chuột đực để nghiên cứu thay vì con cái. Điều này dẫn tới cuộc tranh luận: kết quả nghiên cứu có đủ để áp dụng chung cho cả hai giới?

Nghiên cứu được thực hiện năm 2011 cho thấy động vật giống đực được sử dụng lên đến gấp 5 lần với giống cái
Nghiên cứu được thực hiện năm 2011 cho thấy động vật giống đực được sử dụng lên đến gấp 5 lần với giống cái

Theo Scientist, việc ưu tiên sử dụng động vật thí nghiệm giống đực chủ yếu là do sự khác biệt về đặc điểm cơ thể với giống cái. Cụ thể, chuột đực thường lớn hơn, giúp dễ cấy điện cực hơn, đồng thời giúp nhà khoa học nhận được dữ liệu rõ ràng hơn. 

Quan trọng nhất, chúng không trải qua giai đoạn động đực - một trong những nguyên nhân làm phức tạp hơn quá trình nghiên cứu.

Judith Zelikoff - nhà khoa học làm việc tại Khoa Dược trường Đại học New York, cho biết hầu hết những nghiên cứu về chất độc thường được thực hiện trên chuột đực hơn chuột cái vì hạn chế được biến đổi số liệu lớn do không có quá trình động đực.

“Cũng giống như với trẻ em, hoạt động trao đổi chất giữa hai giới sẽ không khác nhau là mấy”, Zelikoff nói.

Thậm chí khi sử dụng chuột cái, người ta cũng có xu hướng sử dụng những con “như đực” - cách nói để chỉ những con trong giai đoạn mãn kinh hoặc khi chúng chưa có khả năng rụng trứng.

Tuy nhiên sự “thiên vị” giống đực này đặt ra nhiều vấn đề bởi vì những gì xảy ra chỉ với giống đực không phải là tất cả. Nghiên cứu mới đây cho thấy, ở chuột, giới tính tác động đến 56,6% các tính trạng số lượng cũng như 10% tính trạng chất lượng.

Trong một cuộc nghiên cứu khác do nhà di truyền học Judith Manka (Đại học London) thực hiện nhằm định lượng sự khác biệt giữa vật thí nghiệm đực và cái, nhóm nghiên cứu đã phân tích 234 đặc điểm ở hơn 60.000 con chuột, trong đó có 14.250 con chuột hoang dã và 40.192 con chuột đột biến.

Số liệu cho thấy giới tính làm thay đổi hiệu quả đột biến, trong đó ảnh hưởng đến số lượng 17,7% và đến chất lượng 13,3%.

Ở người, một số căn bệnh như lupus hay nhiễm trùng đường tiểu dễ xảy ra ở nữ hơn ở nam. Đặc biệt với bệnh tim mạch, do hiệu quả bảo vệ của nội tiết tố estrogen với hệ thống tim mạch đã góp phần giúp cho các nữ giới có thể mắc bệnh này muộn hơn nam giới. Sự suy giảm estrogen trong thời kì mãn kinh có thể làm cho nguy cơ mắc tim mạch tăng cao.

Những kết quả nghiên cứu từ loài chuột vốn dĩ đã có độ chênh nhất định với thực tế ở cơ thể người, thì việc loại những động vật giống cái ra khỏi nhiều nghiên cứu chắc hẳn tiềm ẩn những tác động khó đoán trước khi áp dụng trên người.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã thành lập Cơ quan Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ như một bước đi nhằm giải quyết tình trạng bỏ qua giống cái trong các nghiên cứu. Viện này lo lắng rằng những quyết định lâm sàn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang được đưa ra cho mọi người chỉ dựa vào những phát hiện được thực hiện chỉ trên giống đực.

Trong hơn 20 năm qua, Viện Y tế Hoa Kỳ đã yêu cầu những sự thử nghiệm lâm sàng trên cả nữ giới trước khi đưa ra thị trường, tuy nhiên số lượng giống cái trong khâu thử nghiệm trên động vật vẫn còn rất ít.

“Giới tính của chuột tác động đến sự biến đổi gene đã cho thấy giữa giống đực và giống cái có sự khác biệt ở những gene cơ bản về rất nhiều tính trạng. Do đó, chỉ nghiên cứu giống đực như mới vẽ được một nửa bức tranh”, Judith Manka kết luận.

TRỌNG NHÂN (Nguồn tham khảo: Popsci, Scientist)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên