Thủ khoa Trần Xuân Thịnh rất thích đọc sách và tìm hiểu các vấn đề thời sự - Ảnh: Hải Quân |
* Hiện tại, các học sinh lớp 12 đang vào giai đoạn cuối của chương trình học, Thịnh có thể chia sẻ một số lời khuyên cho các bạn ấy trong giai đoạn này?
- Trước hết, các bạn nên tập trung hoàn thành tốt kỳ thi học kỳ để tạo đà tâm lý cho kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7.
Còn về việc xác định khối thi, môn thi, đó là vấn đề mang tính “chiến lược lâu dài”, không nên dồn quá sức vào một giai đoạn mà nên dàn sức trong toàn bộ năm học. Học phần nào cần nắm chắc ý phần đó, tránh để “nước đến chân mới nhảy”, đến lúc ôn tập mới lục lại kiến thức.
Cá nhân mình chủ động làm “công tác tư tưởng” từ sớm. Ngay từ năm lớp 11, mình đã quyết định tập trung vào các môn khối C để có nhiều thời gian trau dồi và hệ thống kiến thức.
Đối với những bạn vẫn chưa xác định được mình thi khối gì, môn gì thì nên nhờ thầy cô tư vấn thêm. Đừng hoảng loạn và cố gắng phát huy tốt những sở trường của bản thân.
Sử cần rèn viết luận, địa nên vẽ sơ đồ
* Thịnh có thể bật mí một số bí quyết học thi và cách làm bài hiệu quả dành cho những môn khối C?
- Với môn lịch sử, hướng ra đề ngày càng mở, đòi hỏi khả năng định lượng kiến thức của học sinh. Do đó, ngoài các kiến thức trong sách giáo khoa, các bạn nên lưu ý các kiến thức xã hội, các dòng chủ lưu về thời sự, ví dụ như những vấn đề liên quan đến biển Đông.
Các bạn cũng nên rèn luyện cách trình bày thành từng đoạn, có kết cấu rõ ràng, liệt kê đầy đủ ý. Nội dung nào chính thì đưa lên đầu. Muốn học sử tốt thì nên chú trọng vào cách nhìn nhận và đánh giá sự kiện, nhân vật. Bản thân em quên gì thì quên chứ phần bài học kinh nghiệm sau một sự kiện em luôn cố gắng ghi nhớ và đào sâu.
Ở môn địa lý, mình chọn cách ôn tập bằng sơ đồ tư duy. Trong đó, tên nội dung chương là phần trung tâm, tên bài học là những nhánh chính, các mục đề trong bài là nhánh phụ và gạch ý cho những nội dung chính. Tất cả đều được em hệ thống lại chi tiết, rõ ràng. Địa lý có phần thiên về khoa học tự nhiên nên cần cẩn thận với những số liệu thống kê.
Còn đối với môn văn, tùy cảm nhận của mỗi người mà có cách học phù hợp. Em thường kết hợp gạch ý và viết thành từng đoạn để chắt lọc luận cứ, rèn luyện khả năng trình bày, diễn giải.
Thông thường, em gạch ý đối với các nhân vật (ngoại hình, tính cách, cử chỉ, hành động…) và tự đặt ra những đề tài gắn liền với chủ đề học đường, các vấn đề liên quan đến cuộc sống được dư luận quan tâm để làm các bài nghị luận ngắn. Sau đó, em gửi lại thầy cô chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
Một số bạn thi khối C chọn cách học tủ, nắm chắc kiến thức ở những phần thường gặp theo kiểu “trúng tủ thì ăn cả, ngã thì… thi lại”. Mình thấy học như thế quá liều lĩnh. Chúng ta học chắc ý chính và trải đều những kiến thức liên quan, không bỏ sót phần nào.
Học từ những gì gần gũi nhất
* Sau khi kết thúc chương trình học, các học sinh sẽ bước vào giai đoạn ôn tập nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi lớn. Theo Thịnh, cách ôn luyện thế nào là phù hợp?
- Mình nghĩ không nên học quá tập trung. Trong một ngày nên chia đều thời gian ôn tập 3 cả môn một cách phù hợp để tránh nhàm chán và giảm áp lực. Trước ngày thi nên chủ động thư giãn, nghỉ ngơi. Khi vào phòng, cần đọc kỹ đề, không được chủ quan.
Quan trọng nhất là phải giữ gìn sức khỏe trong suốt quá trình trước và trong của kỳ thi. Đừng để học quá sức mà dẫn đến bệnh tật, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, mình thường xuyên học nhóm. Việc học nhóm rất hữu ích trong việc ghi nhớ kiến thức và rèn luyện tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề. Mình chủ yếu học nhóm cùng bạn trong lớp vì sẽ có cùng tiến độ học tập, dễ sắp xếp thời gian. Mỗi nhóm từ 2-4 người.
* Thịnh nhận xét thế nào về việc học các môn khoa học xã hội hiện nay?
- Mình thấy hiện nay một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn chưa chú trọng học các môn khoa học xã hội nói chung và môn lịch sử nói riêng. Thậm chí, nhiều bạn còn “ghét ra mặt” với môn lịch sử.
Bản thân mình thấy học sử không cần phải học những điều xa xôi mà hãy học từ những thứ gần gũi, bình dị nhất như lịch sử các nhãn hàng, các công trình kiến trúc và tên đường, tên địa danh…
Mong muốn của mình là hội tụ được những người yêu lịch sử lại thành một câu lạc bộ để chia sẻ và trao đổi những thông tin, kiến thức không chỉ về lịch sử, mà còn về các vấn đề khác trong cuộc sống, xã hội.
Những thành tích tiêu biểu của Trần Xuân Thịnh Huy chương đồng môn lịch sử trong cuộc thi Olympic vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ năm 2013 Giải nhất môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Thừa thiên - Huế năm 2014 Giải nhì môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Thừa thiên - Huế năm 2015 Giải ba môn lịch sử cấp quốc gia năm 2014 Giải nhì môn lịch sử cấp quốc gia năm 2015 Thủ khoa khối C toàn quốc trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 với số điểm 28.5 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận