31/03/2021 09:22 GMT+7

Thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông: Cần vừa sức, trung thực, lành mạnh

MINH GIẢNG - THẢO THƯƠNG
MINH GIẢNG - THẢO THƯƠNG

TTO - Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học là sân chơi trí tuệ bổ ích, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh. Tuy nhiên, càng về sau cuộc thi có những "góc khuất" khiến dư luận không khỏi âu lo, bàn luận.

Thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông: Cần vừa sức, trung thực, lành mạnh - Ảnh 1.

Nhóm tác giả dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" vừa được trao giải nhất tại cuộc thi - Ảnh: L.V.

Nhiều nhà giáo, chuyên gia, người trong cuộc tiếp tục lên tiếng với mong muốn cuộc thi nếu tiếp tục diễn ra sẽ trở lại với quỹ đạo tốt đẹp ban đầu.

Học sinh làm là... rớt

Thầy N.T.T., giáo viên môn hóa một trường THPT ở tỉnh Quảng Ngãi, là một trong những giáo viên dẫn đoàn học sinh của trường tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2018 - 2019 ở TP.HCM.

Nói về đề tài tham gia, thầy khẳng định: "Chủ yếu là giáo viên chứ làm sao học sinh có thể nghĩ ra, nhất là học sinh vùng quê. Nghĩ đề tài và hỗ trợ, hướng dẫn, ý tưởng là từ giáo viên hết".

Cũng là người trong cuộc, từng hướng dẫn, đưa học sinh đi thi và chứng kiến những câu chuyện "không tưởng" trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thầy N.V.M. - một giáo viên dạy tại một trường THPT thuộc tốp đầu ở TP.HCM - chia sẻ những "lộm cộm" của cuộc thi.

"Đề tài vào được cấp quốc gia đa số do các nhà khoa học, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn chưa làm ra được để ứng dụng. Những đề tài do học sinh làm thì "rớt từ vòng gửi xe". Vậy thì cuối cùng cuộc thi hướng đến đích là gì?" - thầy M. nói.

Theo thầy M., "giám khảo là những giảng viên đại học, con mắt của nhà nghề khoa học nên đòi hỏi khá cao. Học sinh ở lứa tuổi 16, 17 thì làm sao có thể làm một đề tài lớn. Nếu học sinh tự làm thì... rớt.

Chính một phần đó mà có trường phải vay, mua đề tài. Đó là chưa kể những năm gần đây các trường dân lập tham gia và có đề tài đi rất sâu và dễ dàng nhận ra trường đánh bóng tên tuổi".

Luyện "gà"?

Một người từng nhiều năm là giám khảo chấm cuộc thi lĩnh vực kỹ thuật cho biết trước đây mỗi tỉnh có thể có nhiều đề tài, nhiều đội tham gia nhưng khoảng 2 năm trở lại đây mỗi tỉnh chỉ được tham gia một đề tài.

Điều này giúp các đề tài tham gia được tuyển chọn kỹ hơn, chất lượng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng "luyện gà".

Chấm thi sẽ có hai vòng: hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp. Theo ông, có những đề tài giám khảo biết chắc học sinh phổ thông không thể tự làm được nhưng khi phỏng vấn các em trả lời rất tốt, hiểu vấn đề, nắm vững nội dung, nguyên lý của công trình nghiên cứu. "Những học sinh này có năng lực tốt.

Có thể các em tham gia thực hiện một vài khâu của quá trình nghiên cứu được "luyện gà" nên trả lời trôi chảy, am hiểu vấn đề. Và như thế ban giám khảo không có lý do gì để bắt bẻ" - ông này nói.

Cũng theo ông, cuộc thi này nhằm khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tế. Có thể học sinh được hỗ trợ từ người khác, nhưng điều đó cũng giúp học sinh biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt chứ không gói gọn trong lý thuyết sách vở.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực như y học, sức khỏe khi đoạt giải sẽ được tuyển thẳng vào các trường ĐH y dược hàng đầu nên vô tình đẩy nhiều thí sinh, thầy cô lao vào cuộc đua thành tích quá mức, làm mất đi mục đích giúp làm quen và gieo mầm nghiên cứu khoa học trong học sinh. Và việc được hỗ trợ, luyện "gà" như vậy sẽ dẫn đến bất bình đẳng với học sinh ở những nơi không có điều kiện tốt.

Hệ lụy của giải thưởng lớn

ong ut 31-3 1(read-only)

TS Lê Văn Út

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Văn Út - trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng nhìn ở góc độ thực tiễn, phần lớn trong số 12 đề tài giải nhất năm nay đều đi tìm lời giải cho những bài toán rất hóc búa trong khoa học và cuộc sống.

Một số đề tài mang tầm luận án tiến sĩ hay dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ, cấp quốc gia, đòi hỏi các nhóm nghiên cứu phải có kiến thức rộng, sâu, cập nhật cũng như thiết bị hiện đại và nguồn lực đủ mạnh để đảm đương.

Ông Út chia sẻ thêm việc tạo sân chơi cho học sinh để nuôi dưỡng đam mê khoa học là chuyện nên làm, nhưng nếu nâng lên mức "nghiên cứu khoa học một cách thực thụ" có thể dẫn tới hậu quả các bạn dễ ngộ nhận. Điều cần thiết là để học sinh được hướng dẫn và thực sự tham gia thực hiện, qua đó các bạn cảm nhận được vai trò và tự hào với những đóng góp của mình.

Từ đó, TS Út cho rằng có 3 vấn đề có thể quan tâm trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh. Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá, cần làm sao để thí sinh chỉ cần áp dụng những nội dung trong chương trình học hoặc có thể tham khảo thêm những kiến thức nâng cao nhưng vừa sức.

Thứ hai, việc giới hạn các lĩnh vực và lĩnh vực chuyên sâu cũng cần được xem xét cẩn thận. Chẳng hạn, nếu giới hạn lĩnh vực như Bộ GD-ĐT công bố với cuộc thi vừa rồi, gồm gen và di truyền, hóa - sinh - y, hóa - sinh cấu trúc, chẩn đoán và điều trị trong y học, phát triển và thử nghiệm dược liệu, dịch tễ học, sinh lý học và bệnh lý học... thì chắc hẳn khó dừng ở mức "nuôi dưỡng đam mê" mà đòi hỏi học sinh phải làm việc như những nhà khoa học thực thụ với nguồn lực rất mạnh.

Thứ ba là quyền lợi của học sinh đoạt giải. Khi những giải thưởng có thể mang về quyền lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp của các em sau này thì rất có thể phụ huynh và học sinh sẽ phải dốc sức và có khi phải bằng mọi giá. Nếu các giải thưởng dừng lại ở mức độ động viên, khuyến khích để thế hệ trẻ nuôi dưỡng đam mê thì chắc chắn rằng đây sẽ là sân chơi của những bạn có đam mê thật sự.

HOÀNG THI

Bằng mọi giá

Theo một giáo viên ở TP.HCM từng hướng dẫn trong những cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT trước đây, cuộc thi từng thu hút được khá nhiều đề tài đúng với trình độ cũng như óc quan sát cuộc sống của các em.

Tuy nhiên những năm gần đây, khi gắn với nhiều quyền lợi cho thí sinh như được tuyển thẳng vào đại học và đem về danh tiếng cho nhà trường, mọi chuyện có phần thay đổi.

Có nhiều trường hợp học sinh bằng mọi giá cho ra kết quả, bất chấp những nguyên tắc đạo đức khoa học. Cũng có khi gia đình sẵn sàng "chi" cho giáo viên hướng dẫn "gánh vác" phần chuyên môn.

Mở ra con đường mới

4e81064bea4e1810415f 1(read-only)

Sau 2 năm đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Nguyễn Việt Đức giờ là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh NVCC

Nguyễn Việt Đức (19 tuổi) - sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từng giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông hai năm trước với đề tài "Thiết kế bộ dụng cụ thí nghiệm vật lý cho học sinh khiếm thị". Đức thừa nhận nhóm hai học sinh của mình chịu trách nhiệm chính về mặt ý tưởng, làm các tài liệu minh họa, chuẩn bị phần thuyết trình...

Riêng phần cho ra sản phẩm, nhóm phải nhờ đến giáo viên hướng dẫn từ 30 - 40% công việc. "Còn những phần nào trong khả năng, bọn mình sẽ đảm nhiệm. Như phần lắp ráp các bộ phận để cân và nhiệt kế có thể tự đọc kết quả. Phần này trong trường phổ thông không được học, nhưng do đam mê nên bọn mình tự mày mò thêm tài liệu bên ngoài" - Đức nói.

Theo Đức, xét ở góc độ tổng thể, giải nhất cuộc thi đã mở rộng con đường cho Đức sau khi tốt nghiệp THPT. Đức chuyển từ TP.HCM ra học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo ngành vật lý kỹ thuật đúng định hướng ban đầu.

"Một phần cũng nhờ cuộc thi mà mình biết được đam mê của mình là nghiên cứu vật lý. Trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng tham gia một vài nhóm nghiên cứu ở đại học để tiếp tục học hỏi" - Đức nói.

TRỌNG NHÂN

Cân nhắc khi tuyển thẳng

Ở khía cạnh trường ĐH, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết một số ngành của trường như y, răng hàm mặt... chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học với đề tài và hướng nghiên cứu phù hợp.

Theo ông Khôi, học sinh có thể chỉ tham gia một phần rất nhỏ trong nghiên cứu đó bởi thời gian và năng lực của học sinh chưa đủ để làm hoàn thiện một công trình như vậy. Do đó, hội đồng tuyển sinh phải cân nhắc tuyển thẳng với những học sinh tham gia đề tài có hướng nghiên cứu phù hợp với một số ngành đào tạo của trường.

Thăm dò ý kiến

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2020 - 2021 tiếp tục nhận được những ý kiến trái chiều. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Giữ hay bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh? Giữ hay bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh?

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông là cuộc thi hay, khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên cũng có người đề nghị bỏ cuộc thi vì nhiều lý do.

MINH GIẢNG - THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên