Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng 27-3 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi đánh giá năng lực này gồm 120 câu hỏi theo dạng trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn.
* Hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đã ghi nhận thông tin của thí sinh về đề thi đợt 1 ngày 27-3 có sai sót. Việc này được xử lý cụ thể ra sao, thưa ông?
- Hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được các phản ảnh của thí sinh về một số câu hỏi trong đề thi. Thông tin này sẽ được hội đồng thi xem xét, phân tích và giải quyết.
Theo thí sinh phản ảnh ngay trong buổi thi sáng 27-3 (thể hiện trong biên bản hội đồng), có 1 câu có 2 lựa chọn giống nhau và có 1 biểu đồ cung cấp không đủ dữ liệu. Chúng tôi đã ghi nhận việc này. Hội đồng thi sẽ phân tích đề thi để xác định xem có sai sót như vậy không và sẽ có phương án xử lý phù hợp với mục tiêu bảo đảm quyền lợi thí sinh.
* Hiện hội đồng thi đã tiếp cận đề thi thí sinh phản ảnh sai sót chưa? Quy trình chấm thi từ sau khi xong sẽ được thực hiện thế nào?
- Sau khi thi xong, tất cả bài thi, đề thi sẽ được thu lại, niêm phong và chuyển về ĐH Quốc gia TP.HCM để thực hiện công tác chấm thi. Theo quy trình chấm thi đánh giá năng lực, bước 1 chấm thi là quét (scan) toàn bộ bài thi bằng máy quét chuyên dụng. Kết quả quét sẽ được gửi báo cáo hội đồng thi và được lưu trữ để làm căn cứ đối sánh.
Sau khi kết quả quét bài thi được báo cáo hội đồng thi, ban chấm thi sẽ tiếp cận với đề thi, đáp án và thực hiện chấm điểm. Quy trình xử lý và kết luận có sai sót hay không sẽ được thực hiện trong quá trình chấm thi như quét các bài thi, ráp đáp án, đưa ra tổ chấm thi...
* Trường hợp đề thi bị lỗi kiểu như bị trùng đáp án hoặc thiếu dữ liệu, tổ chấm thi sẽ nhận diện những lỗi này trong quá trình chấm ra sao và sẽ xử lý thế nào để đảm bảo quyền lợi thí sinh?
- Trong trường hợp đề thi có lỗi kỹ thuật, ban đề thi sẽ giải trình với hội đồng thi. Hội đồng thi sẽ quyết định phương án xử lý. Phương án xử lý của hội đồng đưa ra sẽ được chuyển tới ban chấm thi để thực hiện.
* Cách chấm thi đánh giá năng lực có phải dựa vào kết quả làm bài thực tế của thí sinh, câu nào nhiều thí sinh làm được thì ít điểm, câu nào ít thí sinh làm được thì điểm cao hơn? Với cách chấm như vậy, trường hợp đề thi có lỗi cũng có thể xử lý công bằng cho thí sinh...
- Ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có số lượng câu hỏi lớn (trên 5.000 câu). Các câu hỏi trong ngân hàng được phân nhóm theo nội dung, độ khó, độ phân biệt.
Mỗi nhóm gồm nhiều câu hỏi tương đương nhau. Đề thi chính thức được xây dựng căn cứ trên ngân hàng câu hỏi, bảo đảm các mã đề thi khác nhau có cấu trúc, nội dung, độ khó, độ phân biệt tương đương nhau.
Khi có lỗi kỹ thuật ở câu hỏi của bất cứ một mã đề nào, việc xử lý câu hỏi lỗi sẽ được áp dụng cho tất cả các mã đề thi, tất cả các bài thi.
Có hai phương án xử lý. Phương án 1: loại bỏ câu hỏi bị lỗi kỹ thuật và các câu hỏi tương đương, không tính điểm các câu hỏi này ở tất cả các bài thi. Phương án 2: tính điểm các câu hỏi bị lỗi kỹ thuật và các câu hỏi tương đương ở tất cả các bài thi. Tùy theo bối cảnh, hội đồng thi sẽ quyết định lựa chọn phương án phù hợp.
Tối đa 1.200 điểm
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, bài thi đánh giá năng lực có 120 câu, tối đa 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300, phần giải quyết vấn đề là 500.
Điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Đây là nguyên tắc chung đã được xác định bởi ban ra đề thi, do đó thí sinh sẽ hoàn toàn không biết được câu nào được bao nhiêu điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận