17/10/2018 10:03 GMT+7

Theo chân thợ đào hầm xuyên núi

TRẦN TRÌNH LÃM
TRẦN TRÌNH LÃM

TTO - Để vào công trình mở rộng hầm đường bộ (ĐB) Hải Vân 2, tôi được phát một đôi ủng, một áo phản quang, một mũ bảo hộ màu trắng. Giờ thì tôi rất giống một công nhân đang làm việc ở đây.

Hầu hết những tay thợ đào hầm ở công trình này đã từng "tham chiến" ở hầm ĐB Đèo Cả, hầm ĐB Cù Mông..., đều là những tay thợ thiện chiến trong công việc khoan, đào hầm.

Vào hầm

Theo chân thợ đào hầm xuyên núi - Ảnh 1.

Thi công mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 - Ảnh: TRẦN TRÌNH LÃM

Ở cửa hầm phía Bắc, giờ sáng sớm, một toán công nhân đang đứng xếp hàng trước cửa hầm. Họ đang tập hợp điểm danh, nghe trưởng ca quán triệt công việc và kiểm tra trang bị bảo hộ lao động.

Sau ít phút phổ biến, người trưởng ca hô to: "An toàn lao động!", tức thì tốp công nhân đồng thanh: "An toàn! An toàn! An toàn!". An toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Xong, tất cả nhanh chóng di chuyển vào hầm.

Bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu

Tại công trình hầm ĐB Hải Vân, một cán bộ giám sát cho biết, do khu vực hai đầu công trình đều là điểm du lịch của TT-Huế và Đà Nẵng, nên việc đảm bảo môi trường cũng được đơn vị chú trọng đặc biệt. Anh cho biết, thông thường hệ thống xử lý nước thải được lọc qua 4 ngăn, nhưng ở dự án này, việc xử lý nước thải được xây dựng với một hệ thống 9 tầng lắng lọc.

Trước mắt tôi, phần đường hầm vừa được mở rộng phần thô, sâu hun hút. Ánh sáng từ các bóng đèn treo hai bên vách hầm đủ để nhìn rõ mọi vật.

Càng đi sâu vào trong hầm, không khí càng nóng bức hơn. Tiếng ồn từ cỗ máy khoan xoáy vào vách đá tạo nên một chuỗi âm thanh lúc trầm đục, lúc chát chúa. Khoảng dăm thợ đào hầm đang lặng lẽ vận hành mũi khoan trong không gian ồn ã. Những đường sáng áo phản quang mặc trên người làm họ nổi bật lên bên trong cái vòm hầm được chiếu sáng bằng đèn cao áp.

Kỹ sư Võ Sơn Hải - Giám đốc điều hành dự án mở rộng hầm ĐB Hải Vân 2 cho biết, từ ngày khởi công đến nay, công trường liên tục làm 3 ca, kể cả chủ nhật và ngày lễ. "Chúng tôi phấn đấu đến khoảng tháng 8-2019 sẽ đào thông hầm và hoàn thiện đưa vào khai thác trong năm 2020", Hải nói.

Tính đến cuối tháng 9-2018, các nhà thầu đã đào và gia cố được 3.641/6.292 mét dài, đạt 58% chiều dài hầm. Trong đó, phía Bắc đào được 1.988 mét dài và phía Nam 1.653 mét dài. Song song với đó, công tác đổ bê tông vỏ hầm phía Bắc đã thực hiện được 616/6.292 mét dài (52 block), đạt khoảng 10% chiều dài hầm.

Theo chân thợ đào hầm xuyên núi - Ảnh 3.

Những người thợ này đã từng chinh chiến qua các công trình làm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông - Ảnh: TRẦN TRÌNH LÃM

Nguồn vốn Việt, nhân công Việt

Theo chân thợ đào hầm xuyên núi - Ảnh 4.

Hạng mục dự án mở rộng hầm ĐB Hải Vân (thuộc dự án Đầu tư Xây dựng Hầm ĐB qua Đèo Cả)

Nếu như việc thi công hầm Hải Vân 1 trước đây (năm 2.000 - 2005) sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) và do các liên danh nhà thầu Hazama (Nhật Bản) - Cienco6, Sông Đà - Dong Ah (Hàn Quốc) thi công, thì nay việc mở rộng hầm Hải Vân 2 được thực hiện bằng nguồn vốn trong nước theo hình thức BOT, do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thực hiện. 

Lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân bậc cao ở đây cũng đều là người Việt Nam, trưởng thành từ công trình hầm ĐB Đèo Cả và công trình hầm ĐB Cù Mông. Nói cách khác, đây là công trình được thi công bằng nguồn vốn Việt, nhân công Việt.

Kỹ sư Võ Sơn Hải cho biết, cái lo lắng nhất khi bắt tay vào thi công dự án này là công tác khoan nổ mìn. Do thi công trong điều kiện một bên là hầm Hải Vân 1 đang vận hành khai thác, khoảng cách giữa hai vách hầm chỉ 20 mét, nên khi nổ mìn dễ dẫn đến rung chấn hầm Hải Vân 1.

 Làm gì thì làm, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hầm Hải Vân 1. "Mặc dù thiết bị khoan của đơn vị có thể khoan sâu từ 4,2 đến 4,5 mét, nhưng chúng tôi chỉ khoan tối đa 3,2 mét để giảm rung chấn cho mỗi lần nổ mìn" - Võ Sơn Hải nói.

Công trình được bố trí thi công "hai mũi giáp công" và làm cuốn chiếu. Một mũi từ phía Bắc vào, một mũi từ phía Nam ra. Tất cả được tiến hành theo một quy trình và chu kỳ hết sức nghiêm ngặt. Sau khi trắc địa, khoan nổ xong sẽ tiến hành bốc xúc, "chọc om", phun bê tông, khoan cắm neo gia cố. Tiếp theo sau là lắp đặt màng chống thấm, đổ bê tông vỏ hầm, chân lề... 

Được biết, bình thường mỗi tháng mỗi hướng thi công có thể đào được 120 mét hầm. Thậm chí có tháng lên đến xấp xỉ 190 mét. Tuy nhiên, do nhiều vị trí địa chất yếu, phải dựng vòm chống đỡ nên tiến độ đào có lúc chỉ đạt khoảng 2 mét một ngày đêm.

15 giờ chiều, hai đầu cửa hầm lại xuất hiện các tốp công nhân khác. Lại bắt đầu một ca làm việc mới của những người thợ đào hầm xuyên núi.

Đón Tết 2019: sẽ được đi qua hầm đèo Cù Mông

Riêng dự án hầm ĐB Cù Mông (thuộc dự án Đầu tư Xây dựng Hầm ĐB qua Đèo Cả), nằm giữa hai tỉnh Bình Định - Phú Yên được khởi công từ quý IV/2015. Nhà đầu tư đã đặt ra mục tiêu và các nhà thầu cũng cam kết sẽ thông xe trước thời hạn, kịp phục vụ nhân dân đi lại ăn Tết Nguyên Đán 2019.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Giám đốc Ban QLDA Cù Mông cho biết, đến nay, tiến độ các hạng mục đã đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong đó, công tác đổ bê tông gần 2.600 mét vỏ hầm đã cơ bản hoàn thành.

Toàn bộ hệ thống thoát nước, mặt đường bê tông trong và ngoài hầm cùng các hạng mục Trung tâm điều hành giao thông (TMC), trạm thu phí, hệ thống xử lý nước thải, trạm biến áp, thiết bị an toàn, quản lý vận hành khai thác… sẽ hoàn thành trước tháng 11/2018 để vận hành thử trước khi hầm chính thức thông xe đưa vào khai thác.


TRẦN TRÌNH LÃM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên