30/03/2022 09:01 GMT+7

Thêm nhiều cầu, đường cho miền Tây

MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM

TTO - Liên tiếp những ngày qua, người dân Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận nhiều tin vui khi các công trình giao thông trọng điểm lần lượt được khởi công.

Thêm nhiều cầu, đường cho miền Tây - Ảnh 1.

Ngày 29-3, cầu Rạch Miễu 2 khởi công trong sự vui mừng của người dân miền Tây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Sáng 29-3, tại Bến Tre, hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án) tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2. 

Đây là cây cầu thứ hai có quy mô lớn bắc qua sông Tiền nối liền hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cũng là cây cầu được người dân miền Tây mong chờ nhất trong những năm qua.

Sông Tiền, sông Hậu đôi bờ vui

Những ai đã từng xếp hàng hàng giờ để đi qua cầu Rạch Miễu sẽ hiểu cảm giác chờ đợi cây cầu thứ hai bắc qua sông Tiền như thế nào.

Cầu Rạch Miễu hiện hữu được đưa vào sử dụng tháng 1-2009 với thiết kế cho khoảng 535.000 ôtô/năm. Tuy nhiên, đến nay lượng xe qua cầu đã tăng hơn 10 lần (năm 2021 ghi nhận trên 5,4 triệu lượt ôtô qua cầu). Lưu lượng ôtô qua cầu trung bình 21.000 xe/ngày đêm. Đặc biệt ngày lễ, tết lượng xe qua cầu khoảng 27.000 xe/ngày đêm. 

Có mặt tại buổi lễ khởi công cầu Rạch Miễu 2, bà Nguyễn Thị Chín (xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết gia đình có con gái gả về Tiền Giang nên cứ mỗi cuối tuần bà phải qua lại thăm cháu. 

"Mỗi lần đi qua cầu Rạch Miễu là tui ngán dữ lắm. Gặp bữa kẹt xe phải chen chúc cả tiếng trên cầu. Nhưng thương con, nhớ cháu nên cũng phải ráng. Sắp có cầu Rạch Miễu 2 rồi, mai này qua lại cũng khỏe", bà Chín vui mừng nói.

Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Duy Lâm - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km với 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vận tốc thiết kế 80km/h. 

Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu. Điểm đầu giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh lộ 870 thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang. Điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc TP Bến Tre, Bến Tre. 

Dự án đầu tư công với tổng kinh phí 5.175,45 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.

Trước đó một ngày, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng (cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu có kinh phí đầu tư 534 tỉ đồng). 

Toàn bộ dự án khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian từ Châu Đốc đi thị xã Tân Châu đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch vùng biên giới. Cầu Châu Đốc là cây cầu thứ tư bắc qua sông Hậu. 

Trước đó cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống đã đưa vào sử dụng, riêng dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng đang tái khởi động sau 5 năm đình trệ.

Nhiều trục động lực mới

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), hiện hệ thống đường bộ đang được tập trung quy hoạch phát triển mạnh mạng lưới cao tốc để hình thành các trục động lực kết nối, đảm bảo khai thác ổn định, an toàn hệ thống đường quốc lộ đồng thời phát triển một số tuyến đường bộ ven biển, liên vùng, nội vùng, trục động lực gắn kết mạng lưới đường địa phương với mạng lưới giao thông quốc gia.

Theo hướng quy hoạch này, đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1.166km đường cao tốc bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế. 

Cụ thể, các trục dọc sẽ gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài khoảng 245km với quy mô 4 - 6 làn xe, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 80km với quy mô 6 làn xe và tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150km với quy mô 4 làn xe. 

Các trục ngang gồm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191km với quy mô 6 làn xe, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212km với quy mô 4 làn xe và tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài khoảng 188km với quy mô 4 làn xe.

Bên cạnh đó, hệ thống quốc lộ sẽ được nâng cấp, cải tạo và đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc gồm quốc lộ N1, 50, 60, 61C, 62, 30, 80, 91, 63, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ với tổng chiều dài dự kiến hơn 1.800km. 

Về tuyến đường bộ ven biển, dự kiến sẽ đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788km. 

Chưa kể một số tuyến đường liên tỉnh để làm trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp gồm tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp) khoảng 85km, tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang từ quốc lộ N1 đến 61C dài khoảng 130km, tuyến Tiền Giang - Long An kết nối vào quốc lộ 50 về TP.HCM dài khoảng 30km và tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) dài khoảng 77km.

Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cũng cho biết đang có đề xuất 1 tuyến đường sắt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2030 tầm nhìn đến 2050 từ TP.HCM đến Cần Thơ với chiều dài khoảng 174km, khổ đường 1.435mm.

Tỉnh Long An đang triển khai công tác chuẩn bị dự án quốc lộ 50B, tuyến đường được đánh giá là trục động lực rất quan trọng để nối kết chặt chẽ hai vùng Đông - Tây Nam Bộ và đặc biệt là khơi thông thêm cho cửa ngõ giữa hai vùng.

Theo phê duyệt, quốc lộ 50B có tổng chiều dài khoảng 55km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 5,8km, đoạn qua địa phận tỉnh Long An 35,6km, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài 14,2km.

Tháo nút thắt, thông huyết mạch phía Đông

Cầu Rạch Miễu 2, cầu lớn thứ 7 bắc qua sông Tiền đã chính thức khởi công với tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương gần 5.200 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm xây dựng.

Cầu Rạch Miễu 2 cùng với cầu Rạch Miễu sẽ là "đôi đũa vàng" bắc ngang sông Tiền, là mắt xích quan trọng kết nối các tuyến quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam đoạn qua đồng bằng sông Cửu Long với tuyến hành lang ven biển phía Đông và nối với cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) trong tương lai.

HINHANH 4 aaa (1) 1(Read-Only)

Hiện nhiều tuyến đường, cầu về miền Tây đã quá tải khiến tình trạng kẹt xe xảy ra liên tục. Trong ảnh, cầu Rạch Miễu xảy ra tình trạng kẹt xe - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mạng lưới giao thông bộ của Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành với 6 trục dọc và 9 trục ngang, nhưng còn một số tuyến ngang kết nối nội vùng, liên vùng và cầu vượt sông Tiền, sông Hậu chưa hoàn thành.

Trong đó có cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công, cầu Châu Đốc vừa khởi công và cầu Rạch Miễu 2 đang được kỳ vọng góp phần quan trọng tháo nút thắt, thông tuyến huyết mạch chiến lược ven Biển Đông.

Hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua được quan tâm đầu tư tạo diện mạo mới. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển, thì "giao thông đi trước mở đường" của vùng này vẫn đang vướng các điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Tình trạng khá phổ biến là đường chờ cầu hẹp, tải trọng yếu hay cầu phải chờ đường chưa thông tuyến, đường lớn chờ đường nhỏ kết nối mới phát huy tác dụng diễn ra phổ biến.

Giao thông bộ bị các điểm nghẽn cổ chai do các công trình đầu tư kết nối chậm tiến độ. Ba nút thắt lớn đó là thiếu vốn đầu tư, thi công công trình chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ theo kiểu "ngắt khúc".

Nhiều công trình giao thông trọng điểm của vùng phải chịu cảnh "ngắt khúc" một khoảng cách 10 năm. Dự án trọng điểm cao tốc Bến Lức - Long Thành được kỳ vọng nối liền Đông - Tây, đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM sau nhiều lần "tăng tốc" vẫn chậm tiến độ.

Cầu Mỹ Thuận hoàn thành năm 2000, cầu Rạch Miễu khánh thành năm 2009, đến năm 2010 tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và cầu Cần Thơ mới được đưa vào sử dụng. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, nhưng năm 2022 mới được đưa vào sử dụng.

Không chỉ vướng các nút thắt ở tuyến dọc, mà hệ thống đường ngang kết nối cũng chưa có lối ra. QL30 (Tiền Giang - Đồng Tháp), QL53 (Vĩnh Long - Trà Vinh), QL54 (Vĩnh Long - Đồng Tháp), QL57 (Vĩnh Long - Bến Tre), QL61B (Hậu Giang - Sóc Trăng), QL63 (Kiên Giang - Cà Mau)... đều là quốc lộ nhưng đường hẹp, cầu yếu, có nơi thua cả đường nông thôn.

Nhìn từ viễn cảnh cầu Rạch Miễu 2, kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông miền Tây, nhưng cần thấy rằng công trình này chỉ là một nét chấm phá trên bức tranh giao thông của vùng.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2

TTO - Ngày 29-3, tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Đây là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang - Bến Tre.

MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên