17/11/2009 08:29 GMT+7

Thêm một dịp có thể ngắm mưa sao băng

TUẤN PHÙNG - QUANG KHẢI
TUẤN PHÙNG - QUANG KHẢI

TT - Ông Phan Văn Đồng, phó chủ tịch Hội Thiên văn - vũ trụ VN, cho biết từ khuya 17 đến rạng sáng 18-11 sẽ có mưa sao băng Leonids (Sư tử) khi chòm sao Sư tử bắt đầu xuất hiện ở chân trời Đông. Đây là hiện tượng sao băng được dự báo nhiều và đẹp.

Thêm một dịp có thể ngắm mưa sao băng

TT - Ông Phan Văn Đồng, phó chủ tịch Hội Thiên văn - vũ trụ VN, cho biết từ khuya 17 đến rạng sáng 18-11 sẽ có mưa sao băng Leonids (Sư tử) khi chòm sao Sư tử bắt đầu xuất hiện ở chân trời Đông. Đây là hiện tượng sao băng được dự báo nhiều và đẹp.

Từ 2g-5g sáng 18-11 (nếu thời tiết tốt) có thể chiêm ngưỡng được mưa sao băng, đạt đỉnh điểm vào khoảng 4g-5g sáng. Ở thời điểm cực đại, khả năng có 130-500 vệt sao băng xuất hiện trên bầu trời.

Theo ông Nguyễn Đức Phường - Hội Thiên văn - vũ trụ VN,  nguồn gốc của trận mưa sao băng Sư tử là khi Trái đất đi xuyên qua đám bụi của đuôi sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. Các thành phần vật chất trong đám bụi này lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn khoảng 30-50km/giây, tạo ra các sóng xung kích, nén các phần tử không khí phía trước làm nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ và bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60-100km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

Mỗi năm có khoảng 10 trận mưa sao băng lớn, lặp đi lặp lại theo thời gian và số lượng sao băng không biến đổi mấy. Nhưng với trận mưa sao băng ở chòm sao Sư tử thì biến thiên từ năm nay qua năm khác và được xem là nổi tiếng nhất trong tất cả trận mưa sao băng thường thấy.

Theo chu kỳ 33 năm hiện tượng sao băng sẽ đạt cực đại, hay gọi là “bão sao băng” Sư tử, với số sao băng lên đến hơn 1.000 sao băng/giờ. Chu kỳ gần đây nhất xảy ra “bão sao băng” Sư tử là trong khoảng năm 1999-2001. Những năm bình thường số sao băng trong trận mưa này chỉ khoảng vài chục đến 100, nhưng năm nay dự báo xuất hiện đến 500 sao băng nên được tiên đoán là thất thường.

Vào tháng 8-2009 cũng có mưa sao băng Perseid thường niên nhưng ở Việt Nam quan sát không được rõ lắm, do thời điểm diễn ra mưa sao băng này trùng với ngày trăng sáng và thời tiết không thuận lợi.

Để quan sát rõ mưa sao băng lần này, ông Phan Văn Đồng cho rằng nên chọn thời điểm nửa đêm trở về sáng. Vì thời điểm này vận tốc sao băng đi qua bầu khí quyển ngược chiều với chiều quay của Trái đất. Do đó, lực ma sát của sao băng vào khí quyển mạnh hơn, khả năng phát quang nhiều hơn.

Ngoài ra, những người muốn quan sát được rõ hiện tượng sao băng nên chọn nơi ít bị ảnh hưởng bởi ánh đèn đô thị, tốt nhất là những khu vực vùng quê hoặc đồi núi ít bị che khuất tầm nhìn về hướng đông nam. Khác với hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực, mắt thường đều có thể quan sát được hiện tượng sao băng mà không cần dùng đến các dụng cụ thiên văn hỗ trợ.

Thời tiết không thuận lợi xem sao băng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Thời tiết ở Bắc bộ trở rét, nhiều mây mù, Trung bộ có thêm mưa. Thời tiết này không thuận lợi lắm để quan sát được hiện tượng sao băng một cách rõ ràng.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh cộng với các nhiễu động nên hiện khu vực Nam bộ cũng có nhiều mây, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Rạng sáng 18-11 có thể mây mù sẽ giảm. Vì vậy nếu hiện tượng sao băng xảy ra đúng như dự báo (sáng 18-11), khu vực Nam bộ có khả năng nhìn rõ mưa sao băng hơn.

Q.Khải

TUẤN PHÙNG - QUANG KHẢI

TUẤN PHÙNG - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên