24/04/2017 07:54 GMT+7

Thêm một căn nhà “trôi” sông Vàm Nao

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Liên quan vụ sạt lở sông Vàm Nao (thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) làm 16 căn nhà bỗng chốc “trôi” sông, sáng 23-4 tiếp tục có một căn nhà ở khu vực này bị sạt lở trôi xuống sông Vàm Nao.

Hiện trường một đoạn sạt lở trên sông Vàm Nao - Ảnh: B.ĐẤU
Hiện trường một đoạn sạt lở trên sông Vàm Nao - Ảnh: B.ĐẤU

Như vậy, đến nay có 17 căn nhà bị sông Vàm Nao “nuốt” trong hai ngày liên tiếp. Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết trước đó căn nhà mới bị sạt lở này đã được cảnh báo nên người dân kịp di dời tài sản.

Theo ông Lâm Quang Thi - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hiện 58 hộ bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở phần lớn đã đến nhà người thân ở, tài sản cũng được di dời hết. Việc học tập của con em những hộ này sẽ được xã kiểm tra toàn diện, em nào nhà xa thì chuyển trường khác, tuyệt đối không để các em bỏ học.

Trước mắt, chính quyền địa phương giúp bà con trong vùng bị sạt lở ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng làm việc với doanh nghiệp có cụm dân cư gần đó để bố trí những hộ khó khăn được sử dụng quỹ nền nhà đang thừa. Trong hôm nay (24-4), tỉnh sẽ kiểm đếm 4,8ha đất để giao UBND huyện Chợ Mới làm chủ đầu tư triển khai xây dựng ngay khu dân cư vượt lũ nhằm bố trí khoảng 200 nền cho bà con vùng bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở.

Ông Thi còn cho biết UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT An Giang khẩn trương thuê đơn vị tư vấn để đánh giá tác động môi trường của vụ sạt lở này. Bắt đầu từ ngày 24-4, Viện Khoa học thủy lợi VN sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT khảo sát toàn tuyến sông Vàm Nao, sau đó đề xuất hướng giải pháp xử lý lâu dài đối với khu vực sạt lở.

“Đến thời điểm này, nguyên nhân chính được các ngành chức năng tỉnh xác định đoạn sông này là khu vực hợp lưu giữa hai dòng chảy sông Hậu và sông Tiền nên tạo thành vùng xoáy. Ban đầu có thể xoáy giữa đáy sông, sau đó từ từ tạo thành hố xoáy gần bờ, tạo nên trọng lực lớn và hút tất cả vật kiến trúc xuống sông”, ông Thi nói.

Trong khi đó, ông Trần Anh Thư cho rằng nếu dùng kè chống sạt lở thông thường thì phải cần số tiền rất lớn. “Điều chúng tôi đang cần là phải có một đơn vị đánh giá mức độ sạt lở ra sao để tìm ra giải pháp hợp lý vừa ít tốn tiền mà lại bảo vệ được người dân” - ông Thư nói.

Cùng ngày, bà Võ Thị Ánh Xuân, bí thư Tỉnh ủy An Giang, dẫn đầu đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi người dân bị thiệt hại. Theo đó, có 107 hộ dân gồm hộ bị sạt lở trực tiếp và bị ảnh hưởng trong khu vực sạt lở được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ (58 hộ nhận trước 20 triệu đồng, còn lại cấp bổ sung).

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ VN tỉnh An Giang cũng hỗ trợ 50 triệu đồng, Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng cho 16 hộ bị sạt lở nhà...

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên