Ba thí sinh xuất sắc nhất phần thi cá nhân (từ trái qua): Phạm Văn Trường, Lê Văn Công và Trần Quốc Thịnh trong phần thi cuối cùng quyết định người chiến thắng - Ảnh: Q.NGUYÊN |
Bảng thi của sinh viên là “chiến địa” đầy thử thách song luôn có lượng thí sinh áp đảo so với bảng thi của học sinh và thí sinh tự do. Và chàng sinh viên năm cuối khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) Phạm Văn Trường đã chiến thắng thuyết phục sau nhiều vòng thi.
Trong ba gương mặt xuất sắc nhất đi tới chặng cuối cùng, ĐH Khoa học tự nhiên có đến hai đại diện là Phạm Văn Trường và Trần Quốc Thịnh.
Đại diện còn lại là Lê Văn Công (ĐH Lao động - xã hội cơ sở 2). Lê Văn Công được đánh giá sắc sảo trong lập luận và phản biện, Phạm Văn Trường tự tin và chắc kiến thức, còn Quốc Thịnh thi đấu nhẹ nhàng nhưng không hề kém cạnh.
Công học quản trị nhân lực, Trường học hóa học và Thịnh chuyên ngành công nghệ sinh học. Thoạt nghe có vẻ chẳng liên quan song cả ba chàng trai ấy có tình yêu đặc biệt với các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Công nói kiến thức từ cuộc thi giúp bạn hiểu thêm nhiều vấn đề trong xã hội, học được cách sống có nghĩa có tình. Trong khi Trường chỉ nói ngắn gọn mấy môn học này không có gì quá khó với bạn ấy và Thịnh chia sẻ tham gia hội thi từ cảm hứng do các anh chị đi trước truyền lại.
Có thể lý do khác nhau song điểm gặp nhau của số đông thí sinh đều xuất phát từ đam mê. “Ngoài kiến thức mới, mình hiểu thêm về phong cách sống, làm việc của Bác Hồ để tự răn mình trong quá trình học tập, tu dưỡng bản thân mỗi ngày” - Nguyễn Phước Thông, sinh viên năm thứ nhất ĐH Khoa học tự nhiên, chia sẻ.
Chàng bác sĩ tương lai Phạm Minh Châu (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) kể bạn đã tham gia nhiều hội thi 5 năm qua mà mỗi năm lại cập nhật thêm cho mình nhiều kiến thức mới, kiến thức đúng cho vấn đề hiểu sai trước đó.
Ấn tượng và nể kiến thức của các bạn là điều trưởng ban tổ chức hội thi Phạm Kiều Hưng (trưởng Ban thanh niên trường học Thành đoàn TP.HCM) đề cập khi nói về thí sinh. Theo anh Hưng, yêu cầu đổi mới, sáng tạo là áp lực không nhỏ với ban tổ chức vì sân chơi này đã duy trì nhiều năm, song số thí sinh tham gia cho thấy hội thi vẫn còn sức hút nhất định.
“Qua hội thi, các bạn quan tâm cập nhật kiến thức mới, những vấn đề thời sự, chính trị sẽ là hành trang quý cho tương lai, trong bối cảnh hội nhập và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 hiện nay” - anh Hưng bày tỏ.
Suy luận logic chứ không thuộc lòng Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ sau khi chiến thắng, Phạm Văn Trường nói tư duy logic của “dân tự nhiên” đã giúp bạn khá nhiều ở hội thi này và những sân chơi tương tự. Trường kể: - Có người từng nói mình chắc học thuộc bài lắm mới trả lời được nhiều câu hỏi song không phải thế. Mình chỉ đọc hiểu và suy luận logic về sự liên quan giữa các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Kiến thức là quá trình tích lũy mà chỉ cần chút đam mê, bạn sẽ thấy những kiến thức này không quá khô khan hay khó nhớ. * Dân khoa học tự nhiên chiến thắng ở cuộc thi vốn mang màu sắc khoa học xã hội nhiều hơn và cũng không mấy liên quan ngành bạn học, có vẻ hơi nghịch lý? - Mình tự cho điểm 7 hoặc 8 về lòng đam mê dành cho các môn khoa học này thôi. Có chăng nhờ thói quen đọc sách, xem tin tức từ bé nên mình có được lượng kiến thức xã hội tương đối. Vì không học chuyên sâu nên phần lớn kiến thức về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học đều do mình tự tìm đọc là chính. Khi học các môn học này trong chương trình chính thức ở trường, mình từng đứng ra tổ chức ôn tập cho các bạn trong lớp khi hết môn. Giải nhất đội tuyển cấp trường hội thi tuổi trẻ với các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng giúp mình thêm tự tin khi tham gia các sân chơi lớn hơn. * Góc độ cá nhân, bạn ứng dụng được gì khi tham gia hội thi? - Triết học cho mình thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá các vấn đề, hiện tượng gặp phải trong cuộc sống toàn diện hơn. Các quy luật kinh tế trong kinh tế chính trị cho mình kiến thức nền tảng để có thể vận dụng nếu khởi nghiệp sau này. Ngoài ra đó còn là tình cảm đồng đội với các bạn cùng trường, kết bạn với những bạn mới ở trường bạn, thậm chí cả những sinh viên học các trường ở nhiều tỉnh thành khác. Với mình đó là những điều nhận về rất đáng quý. |
Kết quả chung cuộc * Bảng A: Giải nhất: Phạm Văn Trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM). Giải nhì: Lê Văn Công (ĐH Lao động - xã hội cơ sở 2). Giải ba: Trần Quốc Thịnh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM). Giải khuyến khích: Võ Đăng Khoa (ĐH Kinh tế TP.HCM), Nguyễn Phước Thông (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) và Lê Quốc Hợi (ĐH Lao động - xã hội cơ sở 2). * Bảng B: Giải nhất: Nguyễn Thị Mỹ Trinh (Trường THPT Phước Long, Q.9). Giải nhì: Nguyễn Phan Minh Long (Trường Phổ thông năng khiếu, ĐHQG TP.HCM). Giải ba: Phạm Ngọc Hiền (Trường THPT Phước Long, Q.9). Giải khuyến khích: Trần Nguyên Khoa và Lê Hạnh Linh (Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH QG TP.HCM). * Bảng C: Giải nhất: Trịnh Mỹ Lan (Q.5) Giải nhì: Võ Thị Thu Sương (Q.1). Giải ba: Nguyễn Văn Tịnh (Q.5). Giải khuyến khích: Trần Thanh Nhân (Q.1) và Phạm Thị Ngọc Mai (Q.Phú Nhuận). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận