04/07/2013 08:54 GMT+7

Thêm hai bệnh nhân không còn HIV sau cấy ghép tủy

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, đã có thêm hai bệnh nhân không còn virus HIV trong cơ thể sau khi được phẫu thuật cấy ghép tủy.

Hi vọng mới cho điều trị HIV

TxDuxviw.jpgPhóng to
Ông Timothy Ray Brown, bệnh nhân HIV đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi hoàn toàn - Ảnh: NRP.org

Theo Hãng tin CNN, các chuyên gia y tế Mỹ tại Boston đưa ra thông tin trên trong Hội nghị Tổ chức AIDS quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hai người đàn ông nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc chống virus trong nhiều năm trước khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu.

Cả hai đã được hóa trị và phẫu thuật ghép tủy. Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật, các bác sĩ vẫn phát hiện virus HIV trong máu họ. Nhưng sau hai tháng nữa, virus HIV đã biến mất. “Do đó, chúng tôi đã cho họ ngừng dùng thuốc chống virus để theo dõi tình hình” - bác sĩ Timothy Henrich cho biết.

Thông thường, khi một bệnh nhân sử dụng thuốc, virus HIV thường “lẩn trốn” trong một số cơ quan nội tạng. Khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, virus HIV sẽ xuất hiện trở lại trong máu chỉ sau hai tới bốn tuần. Một số bệnh nhân sống an lành trong tám đến 10 tuần trước khi virus quay trở lại.

“Tuy nhiên, hai bệnh nhân trên đã ngừng điều trị bằng thuốc chống virus từ 15 tuần trước. Đến nay chúng tôi vẫn chưa phát hiện virus HIV trong máu của họ” - bác sĩ Henrich thuộc Trường Y tế Harvard cho biết.

Giới chuyên gia so sánh trường hợp của hai bệnh nhân này với Timothy Ray Brown, người đầu tiên được chữa khỏi HIV. Năm 2007, ông Brown được phẫu thuật ghép tủy để trị bệnh ung thư bạch cầu. Người hiến tủy cho ông là một cá nhân có biến đổi gen CCR5 delta32 có khả năng giúp tế bào mầm chống lại HIV.

Sau cuộc phẫu thuật, virus HIV đã biến mất khỏi cơ thể ông Brown. Đến nay, ông Brown vẫn sống khỏe mạnh, không có dấu hiệu phát lại bệnh. Ông được đánh giá “đã chữa lành chức năng”, có nghĩa là virus đã bị kiểm soát và nguy cơ lây nhiễm cho người khác không còn.

Tuy nhiên bác sĩ Henrich cho biết phương pháp ghép tủy không phải là cách trị virus HIV phổ biến. Nguyên nhân là do chỉ 1% người da trắng, phần lớn ở Bắc Âu, có biến đổi gen CCR5 delta32. Người châu Á và châu Phi không có loại biến đổi gen này.

Ngoài ra, nguy cơ tử vong trong các trường hợp ghép tủy vào khoảng 20%. “Một bệnh nhân không mắc bệnh ung thư máu không nên điều trị HIV bằng phương pháp này bởi rất mạo hiểm” - bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, cho biết. Bác sĩ Henrich cũng nhận định có thể virus HIV “trốn” trong não hoặc ruột của hai bệnh nhân trên và có thể trở lại.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các phát hiện mới này giúp mở ra con đường mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên