Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM khẩn trương hoàn chỉnh, tham mưu tờ trình cho UBND TP trình HĐND TP về việc bổ sung quỹ tên đường và đặt tên đường mang tên ông Võ Trần Chí, ông Võ Chí Công và ông Nguyễn Cơ Thạch.
UBND TP yêu cầu trong tờ trình phải nêu rõ quy mô, tuyến đường, lý trình cụ thể kèm theo bản vẽ thuyết minh, tiểu sử nhân vật, công trạng.
Ông Võ Trần Chí sinh ngày 22-5-1927, quê quán xã Hướng Thọ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; nguyên ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII; nguyên ủy viên Bộ Chính trị khóa VII; nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ông được mệnh danh là “người của đổi mới” khi trong suốt hai nhiệm kỳ đổi mới (1986-1996), dấu ấn của ông Võ Trần Chí trong kinh tế TP.HCM rất sâu đậm.
Đó là quyết định táo bạo cho nhập vàng về bằng máy bay để dẹp nạn thị trường đen do tư thương độc chiếm, từ đó Công ty Vàng bạc đá quý SJC đã ra đời.
Trước sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống hợp tác xã, ông kiên quyết bảo vệ Hợp tác xã mua bán TP và yêu cầu phải củng cố, kiện toàn bộ máy, chuyển đổi mô hình vào điều kiện cụ thể. Từ đó mà Hợp tác xã mua bán đã chuyển đổi thành Sài Gòn Co.op và phát triển mạnh mẽ.
Khi biết có những nhóm nhân sĩ, trí thức hay nhóm họp vào chiều thứ sáu, trò chuyện và thảo luận, ông Võ Trần Chí đã đến dự, lắng nghe, động viên, khuyến khích và hơn nữa là sử dụng các đề xuất của họ vào chủ trương của mình, kiến nghị, giới thiệu lên Chính phủ.
Từ đó mà có những đổi mới trong cách nhìn, chính sách về giá - lương - tiền, cải tổ hệ thống ngân hàng, ngoại thương. Và cũng từ đó TP.HCM có khu chế xuất đầu tiên (KCX Tân Thuận), đại lộ xuyên TP đầu tiên (đại lộ Nguyễn Văn Linh) mở đường cho sự phát triển một Nam Sài Gòn lung linh, rực rỡ...
Ông Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), sinh ngày 7-8-1912, quê quán xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, nguyên chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Nhắc đến ông Võ Chí Công, nhiều người nhớ đến sự ra đời của chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thường gọi tắt là “khoán 100” (ban hành năm 1981).
Lúc bấy giờ kinh tế nước ta hết sức khó khăn, từ đòi hỏi của thực tiễn, một số nơi xé rào áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Sở dĩ việc này được gọi là “khoán chui” vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó.
Cuộc đấu tranh quan điểm về “khoán chui” trở nên hết sức gay go. Không phải ai cũng dám đứng ra bảo vệ “khoán chui”, nhưng ông Võ Chí Công là một trong những người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự ra đời của chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán, cũng như bảo vệ tinh thần của chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu.
Còn ông Nguyễn Cơ Thạch nguyên là ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tên thật là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15-5-1921, qua đời ngày 10-4-1998. Quê quán ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Cơ Thạch là trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kháng chiến chống Pháp. Ông có trên 50 năm phục vụ cách mạng, trong đó có hơn 40 năm giữ nhiều cương vị khác nhau trong Đảng, Chính phủ, trực tiếp đóng góp và chỉ đạo ngành ngoại giao đạt được nhiều thành tựu. Thời ông làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng được coi là giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức nhất của nền ngoại giao nước nhà.
Khi đó Việt Nam vừa phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Nam với Campuchia, vừa phải chống chọi với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chịu cấm vận của Mỹ và bị hầu hết các nước trên thế giới cô lập. Trên cương vị của mình, ông được biết đến là một nhà ngoại giao xuất sắc có tiếng trong nước và quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận