13/05/2015 09:32 GMT+7

Thêm các kiểu lừa du khách, cần ngăn chặn

TRẦN XUÂN HÙNG (giám đốc Công ty du lịch Viking)
TRẦN XUÂN HÙNG (giám đốc Công ty du lịch Viking)

TT - “Ép du khách mua dừa với giá chặt chém” ở trung tâm TP.HCM làm nhiều bạn đọc lên án gay gắt. Thêm nhiều ý kiến phản ảnh các kiểu lừa du khách...

Một người “đu” theo du khách nước ngoài để bán dừa trên đường Nguyễn Du (P.Bến Thành, Q.1) ngày 5-5 - Ảnh: Hoàng Lộc
Một người “đu” theo du khách nước ngoài để bán dừa trên đường Nguyễn Du (P.Bến Thành, Q.1) ngày 5-5 - Ảnh: Hoàng Lộc

Đã có 176 ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết “Ép du khách mua dừa với giá chặt chém” (Tuổi Trẻ ngày 12-5), trong đó có nhiều ý kiến phản ảnh thêm nhiều kiểu lừa du khách và mong muốn sớm ngăn chặn tình trạng này.

Du khách sẽ ngại trở lại

Một lần có việc đi Nha Trang, tôi vào bến xe Miền Đông (TP.HCM) lúc 22g. Khi lấy vé và ra bãi xe ngồi chờ, tôi thấy cảnh người bán nước uống trong bãi xe “chặt chém” hai du khách nước ngoài.

Một chai nước suối được những người này “hét” giá 20.000 đồng trong khi bán cho người Việt chỉ 10.000 đồng. Tôi hỏi: “Sao chị bán cho họ mắc quá vậy?” và đã nghe câu trả lời: “Mấy người này giàu mà keo, lâu lâu mới lấy được tiền họ tội gì không lấy!”.

Một lúc sau khi lên xe đi cùng hai du khách này, sau vài câu tiếng Anh giao tiếp làm quen, tôi hỏi chuyện mua chai nước. Một người nhún vai nói một câu tiếng Anh có nghĩa như sau: "Cái này lúc sáng tôi mua chỉ có 7.000 đồng. Tôi không hiểu cách buôn bán của các bạn và giá nào mới đúng?".

Tôi thấy rõ ràng du khách đã có sự hoài nghi, không hài lòng về cách bán hàng của mình. Tôi nghĩ “chặt chém” kiểu này chỉ có hại là du khách sẽ ngại du lịch đến nước mình.

PHẠM MINH HIỀN

Cần nhiều biện pháp chấn chỉnh

Còn nhiều hình thức lừa đảo khác của đội ngũ bán hàng rong ngoài chuyện ép du khách mua dừa. Cụ thể như:

Du khách nước ngoài thích uống nước dừa, thấy người nghèo khổ (bồng bế con nhỏ, trẻ em, cảnh gánh bán rong...) nên họ động lòng mua giúp.

Họ hỏi giá và được người bán trả lời bằng tiếng Anh đàng hoàng là trả bao nhiêu cũng được nhưng sau đó tính giá “trên trời” 50.000 - 100.000 đồng, khách cãi không được nên bực mình trả tiền cho xong chuyện.

Những người bán đậu phộng, dừa trái nói với khách giá tiền bằng tiếng Anh là 15.000 đồng (fifteen thousand) nhưng khi lấy dao phạt trái dừa, đưa bịch đậu phộng cho khách lại đòi 50.000 đồng (fifty thousand). Không phải họ phát âm tiếng Anh không chuẩn mà là cố tình nói chệch như vậy, khách chỉ có nước... lắc đầu.

Những người đánh giày cũng có chiêu mới đầu nói 20.000 đồng, khách đồng ý. Trong quá trình đánh giày, những người này làm luôn chuyện thay lót giày, chít keo những chỗ hở... mà không hỏi khách có đồng ý sửa hay không, sau đó thu 100.000 - 200.000 đồng. Một trận cãi vã nổ ra nhưng thường khách đành trả tiền cho xong chuyện.

Nhiều người chạy xích lô cũng tham gia lừa du khách bằng việc nhận chở khách đi tham quan nhưng chở đi lòng vòng, đến một chỗ vắng thì đòi tiền giá cao. Khách đi lẻ lúc ấy lo sợ nên đành trả tiền cho xong...

Trước đây, địa bàn hoạt động của những người bán hàng rong “chặt chém” này chủ yếu ở quận 1 nhưng nay “phủ sóng” thêm nhiều khu vực du lịch như Chợ Lớn, chùa Thiên Hậu, chợ Bình Tây, An Đông... với mật độ ngày càng táo tợn. Khách châu Âu đi theo nhóm nhỏ, nhìn bề ngoài có vẻ lịch sự, có tiền thường là đối tượng bị những người bán hàng lừa đảo này nhắm tới.

Báo Tuổi Trẻ đăng có khoảng 30 người trong nhóm buôn bán lừa đảo này nhưng tôi thấy thực tế gấp đôi, gấp ba con số này. Những người này phân chia địa bàn hoạt động, cai quản, làm ăn. Họ biết tiếng Anh, biết giở thói côn đồ, lưu manh đúng lúc, tự tin khi lừa đảo giữa thanh thiên bạch nhật, không sợ ai cả.

Tôi đề xuất như sau: Đà Nẵng đã thành công trong việc không có bán hàng chèo kéo du khách, lừa đảo. Họ công bố số đường dây nóng, hướng dẫn viên và người dân hễ thấy đội quân bán hàng chèo kéo này là gọi điện báo trật tự đô thị đến giải quyết ngay.

TP.HCM nên làm theo cách này. Những chỗ du lịch trọng điểm như Bưu điện thành phố, hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Saigon Square nên có những trạm, chốt của lực lượng giữ trật tự.

Nếu khách bị lừa đảo, họ sẽ đến phản ảnh, lực lượng bảo vệ du khách giải quyết ngay tức khắc, không phải đợi đến công an phường làm thủ tục, lấy lời khai phiền phức mất thời gian.

Khi đoàn du khách đến TP.HCM, hướng dẫn viên nên cảnh báo về những tình trạng tương tự như trên cho du khách biết để họ không bị gạt, nếu có bị gạt thì hậu quả ít hơn, cũng là góp sức cải thiện môi trường du lịch của thành phố.

Xử lý nhóm người ép du khách mua dừa 

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-5, ông Huỳnh Gia Giang - chủ tịch UBND P.6, Q.3, TP.HCM - cho biết từ thông tin báo Tuổi Trẻ đăng tải, UBND phường sẽ lên kế hoạch xử lý quyết liệt tình trạng nhóm người bán dừa chèo kéo du khách trên địa bàn phường.

Trước đó, UBND phường cũng lên kế hoạch chấn chỉnh việc buôn bán hàng rong, thời hạn thực hiện từ ngày 14-5.

Ông Giang thừa nhận có tình trạng nhóm người bán dừa trên một số tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... chèo kéo bán dừa cho du khách nước ngoài.

Nhóm người này không phải người địa phương và hoạt động rộng từ Q.3 qua Q.1. Khi phát hiện, lực lượng chức năng của phường chủ yếu đuổi họ đi, tạm giữ dụng cụ hành nghề và xử phạt hành chính.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới UBND phường sẽ lập hồ sơ các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo khách du lịch, giao cảnh sát khu vực thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sẽ kịp thời tham mưu xử lý.

Bên cạnh đó, phường sẽ phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tăng cường tuyên truyền (băngrôn ghi bằng tiếng Anh) nhằm cảnh báo hướng dẫn du khách khỏi bị các nhóm đối tượng này lừa đảo, “chặt chém”.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết quan điểm của quận là xử lý triệt để, không cho tình trạng này tồn tại và cũng đã thực hiện từ lâu, quyết liệt. Nhưng trong công tác quản lý trật tự đô thị có rất nhiều việc diễn ra liên tục, không chỉ riêng chuyện bán dừa, khi lực lượng chức năng đi khỏi thì các đối tượng này mới xuất hiện.

Về luật cũng khó xử vì rất khó có bằng chứng về chuyện ép giá như bán một trái dừa 50.000 đồng hay gánh dừa xong phải trả 200.000 đồng. Báo Tuổi Trẻ có thể cung cấp những thông tin liên quan đến các đối tượng “chặt chém” du khách để quận làm việc với các đối tượng này.

HOÀNG LỘC - MAI HOA

TRẦN XUÂN HÙNG (giám đốc Công ty du lịch Viking)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên