Phóng to |
TTO xin trích đăng.
Ủng hộ sự thay đổi
+ Ngôn ngữ cũng như cuộc sống và như mọi lĩnh vực khác luôn luôn vận động và phát triển, chứ không bất di bất dịch. Việc thêm bốn chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt là hoàn toàn chính xác, cần thiết. Chúng ta nên bắt đầu cho các em lớp 1. Các thế hệ trước chưa quen thì vẫn dùng theo lối cũ. Và cả hai cách đều được chấp nhận, tức là: f =ph; j= gi; d=z; đ= d.
Sẽ rất nhanh chóng và tiện lợi khi viết cũng như gõ bàn phím máy tính. Còn việc không dùng các chữ thêm mũ, thêm râu để đánh thứ tự như lâu nay là đúng, chúng ta nên theo thông lệ quốc tế vì đất nước ngày càng hội nhập.
Bài viết chỉ ra những phát hiện rất thú vị. Tôi cũng thắc mắc và tiếc như tác giả bài viết là nếu linh mục Alexandre de Rhodes dùng hết 26 chữ cái Latin rồi thiếu gì bổ sung sau thì hay hơn nhiều. Nhưng chắc là vì nguyên nhân gì đó mà có số mẫu tự như hiện nay của tiếng Việt. Tôi nghĩ trả lời điều này rất là khó và đây sẽ là một đề tài thú vị cho nghiên cứu sinh nào làm luận văn tiến sĩ về ngôn ngữ học. Và một câu hỏi khó trả lời hơn là đã đến lúc và đã cần phải điều chỉnh quốc ngữ nước ta chưa? |
Tiện đây tôi cũng muốn nói thêm rằng tại các trường học cũng như giao tiếp xã hội người ta thường xuyên phát âm các chữ cái lung tung... ví dụ: chữ A, B, C có người đọc là a, bê, xê trong khi các em nhỏ được cô giáo dạy đọc là a, bờ, cờ...
Nói chung, đã đến lúc các nhà ngôn ngữ học và các nhà quản lý cần ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề ngôn ngữ này thôi, để tồn tại những vấn đề này càng lâu sẽ không những làm khó cho thế hệ chúng ta mà còn cả con em chúng ta.
Thêm nữa thì... hỗn độn
+ Theo tôi, nếu F, J, W, Z là những chữ cần thêm thì chúng ta còn phải thêm alpha, beta, gamma.... nữa. Và cuối cùng, bảng chữ cái của chúng ta trở thành một mớ hỗn độn.
Nên biết rằng đây là những chữ cái chỉ được dùng như các ký hiệu, đơn vị quốc tế, hoặc để viết tắt, dùng trong văn viết không chính thức, không như những chữ cái chính thức được sử dụng hằng ngày. Vì vậy, không nên xem chúng như những chữ chính thức để đưa vào bảng chữ cái.
+ Đọc bài viết của tiến sĩ Lê Vinh Quốc, tôi thật sự không hài lòng và không đồng quan điểm. Việc cần thêm hay không các chữ cái "ngoại lai" F, J, W, Z vào bảng chữ cái Việt Nam thì đã có nhiều bài viết và hầu hết cho rằng không cần thiết.
Tôi cũng đi dạy học và thấy rằng không cần thiết, và các thầy của tôi cũng cho rằng không cần thiết. Từ bao đời nay bảng chữ cái thuần Việt đã vậy và không có mấy chữ cái "ngoại lai" đó cũng không vấn đề gì.
Tác giả cho rằng bốn chữ cái F, J, W, Z được dùng lậu là không chính xác. Đơn giản đó là ký hiệu mang chuẩn quốc tế, còn việc viết sai là do bản thân người viết lạm dụng.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cần bổ sung bốn chữ cái "ngoại lai" F, J, W, Z vào bảng chữ cái Việt Nam.
+ Bảng chữ cái của tiếng Việt có 29 mẫu tự. Khi dùng bảng chữ cái này để diễn đạt các nội dung quốc tế sẽ không đủ, tất yếu phải vay mượn. Đó cũng là lẽ thường tình.
Bảng chữ cái của Nga không dùng con chữ ABC, nên khi diễn đạt các tổ chức như NATO, FIFA, WHO, USA... người Nga vẫn dùng song song hai cách: dịch ra tiếng Nga rồi viết tắt lại và/hoặc giữ nguyên cách viết gốc.
Rồi người Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan... không dùng ABC cũng phải vay mượn để dùng. Đó là chưa nói đến các ký hiệu toán học như anpha, bêta, sícma, pi... không thể viết như tôi vừa viết ra mà phải dùng đúng như nguồn gốc của nó.
Vậy có "chuẩn hóa" để đưa vào bảng chữ cái tiếng Việt cho trọn bộ không?
+ Vấn đề này được tranh luận nhiều rồi, theo tôi thấy chỉ có hai ý:
1. Nếu thêm các chữ cái F, J, W, Z vào tiếng Việt thì phải thay thế các phụ âm ghép tương đương bằng các ký tự mới như F thay cho PH, J thay cho GI… Nếu không thì thêm vào để làm gì? Rồi đến một lúc nào đó lại coi bốn chữ đó là bốn chữ “bị kỳ thị” như bảy chữ Ă, Â, Ơ...
Nền giáo dục chúng ta hiện nay cho trẻ em tiếp cận ngoại ngữ từ rất sớm, ở cấp tiểu học thậm chí là mầm non. Do đó không phải lo sợ tương lai dân ta không biết các ký tự này khi dùng trong các lĩnh vực khác như toán học, vật lý…
Nếu xét tới vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt bằng cách thêm các chữ cái thường dùng vào thì không đúng, vì ngoài bốn chữ nói trên chúng ta còn dùng rất nhiều chữ cái khác như α, β, π, Ω, ∑, @, $... Nếu thế phải thêm tất cả các ký hiệu này vào hay sao? Chưa kể đến các ký hiệu trong phiên âm quốc tế nữa. Cần phân biệt đâu là tiếng Việt, đâu là từ nguyên gốc nước ngoài.
Những từ mà tác giả đề cập như Jun, Flo, Wonfram, quần jean, nhạc jazz, các ký hiệu toán học, hóa học… không phải là tiếng Việt. Do đó không thể xem như là tiếng Việt chỉ vì được dùng nhiều trong xã hội.
2. “Những chữ cái bị kỳ thị” là cách nhìn không đúng vấn đề. Không phải nó không được dùng trong đánh số thứ tự hay trong ký hiệu toán học thì coi là kỳ thị.
Thứ nhất, nước ta tiếp thu các môn khoa học từ nước ngoài, việc dùng các ký hiệu theo nước ngoài, theo chuẩn quốc tế là điều đương nhiên. Tam giác ABC trong tài liệu nào cũng có, dễ tiếp cận và dễ diễn đạt cho cả trong nước và quốc tế hiểu. Không thể có tam giác AÂĂ vì dấu mũ của  dễ nhầm lẫn với ký hiệu góc và cung.
Thứ hai, nước ta đang hội nhập và mở rộng du lịch. Các số thứ tự cũng phải đánh sao cho dễ hiểu để người nước ngoài tối thiểu nhất cũng hiểu được thứ tự của các hàng ghế, dãy nhà… để tránh nhầm lẫn. Do đó, đừng cho nó là “những chữ cái bị kỳ thị” vì nó vẫn được dùng trong chữ viết hằng ngày đó thôi.
Tác giả bài viết phải chăng đang nhầm lẫn giữa tiếng Việt và không phải tiếng Việt, nhầm lẫn giữa lựa chọn chuẩn quốc tế hay là Việt Nam hóa trong các ký hiệu, đánh thứ tự…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận