20/06/2015 05:18 GMT+7

Thể thao cần gì?

HUY THỌ,
HUY THỌ,

TT - Anh có biết tay bơi Joseph Schooling - nam VĐV Singapore đoạt 9 HCV tại SEA Games 28 - đã được chính phủ nước này chi bao nhiêu không? HLV Đặng Anh Tuấn hỏi như thế và ông cũng trả lời luôn: 3 triệu USD!

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói luôn đó không phải là tiền thưởng mà là tiền “trả công” cho gia đình Joseph Schooling vì đã đầu tư cho tay bơi này! Hóa ra câu chuyện của Schooling với Ánh Viên là hoàn toàn khác nhau.

Sự khác biệt của Ánh Viên và Schooling

Như mọi người đã biết, gia đình Ánh Viên rất nghèo. May mắn cho cô là đã được HLV Đặng Anh Tuấn phát hiện, đưa vào đội tuyển bơi lội VN. Và khi tài năng của cô bắt đầu hé lộ, ông đã thuyết phục được lãnh đạo đầu tư lớn cho Ánh Viên bằng cách đưa sang Mỹ tập luyện dài hạn. Toàn bộ kinh phí để đào tạo cho Ánh Viên là sự góp sức từ ngân sách của Bộ Quốc phòng (thông qua đơn vị trực tiếp quản lý cô là Quân khu 9) cùng ngành thể thao VN, mà suy cho cùng là từ tiền của dân.

Trong khi đó, chính sách phát triển thể thao của Singapore nói riêng, hay nhiều quốc gia phát triển khác nói chung, không giống như chúng ta. Với họ, trách nhiệm của nhà nước với thể thao chỉ là làm sao để chăm lo sức khỏe của người dân. Điều đó được thể hiện qua việc học sinh, sinh viên không hề thiếu sân bãi tập luyện thể thao. Nếu những ai từng sang Singapore ắt sẽ thấy tuy là một quốc gia nhỏ bé có diện tích tương đương Phú Quốc, nhưng sân bãi thể thao rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh muốn con mình chơi thể thao một cách bài bản, được dạy dỗ đàng hoàng thì phải bỏ tiền ra để thuê HLV, tham gia các CLB... Trong quá trình tham gia các CLB, những HLV chuyên nghiệp sẽ đánh giá được năng khiếu của học trò. Với những em có khả năng thiên phú, họ sẽ trình bày với phụ huynh và ai có điều kiện kinh tế thì tiếp tục đầu tư, ai không có thì các CLB hoặc các liên đoàn với nguồn lực mạnh mẽ từ xã hội sẽ đầu tư.

Trở lại với trường hợp Schooling, gia đình của chàng trai này có điều kiện kinh tế nên đã đưa sang Mỹ du học từ hồi lớp 6 sau khi được khuyến khích từ HLV là cậu bé có năng khiếu bơi lội. Và phát triển tài năng bơi thì trên thế giới này không có quốc gia nào bằng Mỹ (đa số các tay bơi nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á đều được đào tạo tại Mỹ). Và rồi, bây giờ Schooling thành công thì chính phủ “trả công” cho gia đình 3 triệu USD, đồng thời - HLV Anh Tuấn cho biết - trong năm tới Schooling được Chính phủ Singapore đầu tư 2 triệu USD để chuẩn bị cho Olympic. Sự đầu tư này không mang ý nghĩa chạy đua kiếm thành tích mà được nhìn nhận dưới góc độ: từ Schooling sẽ kích thích phong trào bơi lội trong dân chúng.

Giá trị cốt lõi của thể thao

Trong những ngày gần đây, khi đọc các bài viết về cuộc sống khá khiêm tốn của nhiều nhà vô địch SEA Games, nhiều người đã cho rằng chính sách đầu tư cho thể thao đỉnh cao ở VN cần phải được thay đổi, theo chiều hướng nâng thêm chế độ cho VĐV. Tuy nhiên cũng không ít người phản đối, cho rằng cần phải cân đối so với mặt bằng xã hội. Trong lúc cuộc sống của nông dân, công nhân còn nhiều khó khăn thì những gì đã có cho VĐV đỉnh cao là tạm được.

Thật ra, chuyện chính sách đầu tư cho thể thao có hai hướng thông dụng: 1- Kiểu dựa vào quy luật thị trường mà nhiều nước phương Tây áp dụng. 2- Kiểu mang tính bao cấp mà chúng ta làm theo mô hình của Trung Quốc. Và kiểu nào cũng có mặt tốt lẫn chưa tốt của nó mà tùy cách áp dụng có thật hiệu quả hay không mà thôi.

Tuy nhiên, theo ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, điều lớn hơn cả những chiếc huy chương đó là sức khỏe của người dân có được qua rèn luyện thể thao. Ngay cả những chiếc huy chương cũng cần nhìn nhận dưới góc độ là tác động đến sự phát triển của phong trào rèn luyện sức khỏe.

Và nếu nhìn ở góc độ đó (cũng là quan điểm của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu), hiện tại chính sách của chúng ta còn thiếu sót. Ví dụ, các nước đều có bài toán để tính được một đồng chi cho thể thao sẽ giảm chi được bao nhiêu trong y tế (sức khỏe người dân nâng lên thì giảm bệnh tật), tăng bao nhiêu về năng suất lao động, giảm bao nhiêu phần trăm tệ nạn xã hội (thanh niên siêng tập thể thao ắt sẽ giảm tệ nạn hút chích, nhậu nhẹt...). Trong khi đó ở VN chưa có bài toán này.

Chính vì vậy, theo ông Bửu, mới có chuyện khi ngân sách khó khăn thì thể thao bị cắt đầu tiên, rồi những miếng đất vàng của thể thao ngày càng teo tóp, rồi ai cũng nói thể thao học đường là quan trọng nhưng sân bãi cho học sinh, sinh viên vẫn cứ nghèo nàn... Do đó, nếu cần bàn về sự thay đổi chính sách đầu tư cho thể thao thì việc đầu tiên là phải đánh giá đúng giá trị cốt lõi của thể thao chứ không phải là đầu tư chế độ cho VĐV thể thao đỉnh cao.

[quote]Điều lớn hơn cả những chiếc huy chương đó là sức khỏe của người dân có được qua rèn luyện thể thao

Ông Lê Bửu (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT)[/quote]

HUY THỌ,
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên