Hình ảnh rực rỡ và mãn nhãn của The Lion King 2019 - Ảnh: Disney
Với kỳ vọng đó, doanh thu của phim được dự báo phải trên 1 tỷ USD toàn thế giới, trong đó có 200 triệu USD cho cuối tuần đầu tiên ở Bắc Mỹ (ra rạp ngày 19-7 này).
Tại thị trường đầu tiên là Trung Quốc, ra mắt sớm một tuần so với Mỹ, Lion King đã thu về 54,7 triệu USD. Đây là con số rất đáng lạc quan.
Liệu The Lion King - Vua sư tử, với kinh phí 250 triệu USD, sẽ đạp đổ những kỷ lục doanh thu hay cúi đầu trước chúng?
The Lion King do Jon Favreau đạo diễn, Jeff Nathanson biên kịch, ứng dụng công nghệ hoạt hình máy tính tả thực ở trình độ cao. Hình ảnh những con sư tử và các loài muông thú được tái hiện chân thực, sống động đến từng sợi lông, giống hệt như đang xem Thế giới động vật.
Mufasa, Simba, Scar, Nala, Pumbaa, Timon hiện lên trước mắt khán giả như thực sự đang sống và chiến đấu trên những đồng cỏ rộng lớn ngoài thiên nhiên bao la.
Nhà làm phim tài năng Jon Favreau, người đóng chú Happy của Spider-Man, chọn lối đi an toàn là trung thành với bản hoạt hình gốc The Lion King năm 1994.
Favreau từng rất thành công với bản live action (người đóng, hành động thực) The Jungle Book năm 2016. Chính thành công đó đã mở được cho dự án live action The Lion King được sản xuất.
Có một thế hệ đã quá quen với hành trình của Simba từ chú sư tử con non nớt, dại dột trở thành chàng sư tử trưởng thành uy dũng, lên ngôi vua cai quản chốn rừng già.
Những sai lầm, đau thương, hàn gắn và chiến đấu kiên cường, cộng với tính triết lý sâu sắc từ bản gốc được tái hiện lại gần hết ở bản này. Vì vậy, nội dung của The Lion King 2019 sẽ không phải là đột phá. Nhưng hành trình đó quá rực rỡ và bi tráng nên vẫn sẽ lôi cuốn khán giả.
The Lion King được kỳ vọng vượt mức doanh thu 1 tỷ USD - Ảnh: Disney
The Lion King đi theo mạch phim quen thuộc của bản gốc, với những tình tiết kinh điển hầu như được tái hiện đủ. Đó là khu rừng rộng lớn với thảm thực vật xanh mướt và hệ sinh thái khoẻ mạnh của muôn loài khiến những ai yêu thiên nhiên sẽ rất thích thú.
Những chiếc bờm sư tử phồng lên trong gió, lẫm liệt oai phong. Tiếng gầm của nhà vua luôn vang dội ở những bước ngoặt lớn.
Sự hy sinh của Mufasa luôn thật đau lòng. Khoảnh khắc ca khúc Can you feel the love tonight cất lên vẫn sẽ khiến người xem xúc động, nắm tay người bên cạnh.
The Lion King khiến người xem choáng ngợp vì hình ảnh. Và Disney cũng bắt kịp thời sự lồng vào phim triết lý sinh tồn qua lời dạy về vòng tròn sinh mệnh của Mufasa, thông điệp bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái rừng.
"Sư tử ăn linh dương, nhưng khi sư tử chết đi, xác thân ta hoà vào cây cỏ, và linh dương ăn cỏ đấy, con trai" là triết lý nhân sinh sâu sắc mà vị vua quá cố từng dạy con trai Simba. Cuối phim, đám cháy rừng rực lửa mang tính diệt vong nhưng có ý nghĩa tiêu diệt hết cái xấu, báo hiệu sự hồi sinh của rừng rậm dưới sự lãnh đạo của Simba.
Bên cạnh đó, âm nhạc là điểm cộng tuyệt vời của phim do Hans Zimmer thực hiện. Nhà soạn nhạc đại tài này từng làm được điều đó với bản phim 1994.
Những ai từng là một đứa trẻ vào năm 1994 sẽ rất nhớ tuổi thơ của mình, còn những ai đang là một đứa trẻ vào năm 2019 hẳn sẽ có thêm một ký ức đẹp.
Ký ức về bản gốc quá sâu đậm có thể kéo khán giả đến rạp - Ảnh: Disney
Ra mắt sau 2 phim live action khác của Disney trong năm nay là Aladdin và Dumbo, The Lion King hiển nhiên phải nhận tiếp một sự so sánh nữa. Liệu "nhà vua" sẽ thành công như Aladdin hay "thất bại" như Dumbo?
Chữ thất bại để trong ngoặc kép, vì Dumbo cũng thu đến 352 triệu USD, chỉ là không có độ phủ sóng văn hoá lớn. Còn Aladdin đang băng băng kiếm 960 triệu USD, được người xem yêu mến và thích thú.
Nhưng cho dù thế nào, thế hệ này vẫn cần một phiên bản The Lion King mới để trẻ con có thể xem tại rạp chứ không phải qua màn hình ti vi. Vì những đứa trẻ cần ký ức của tuổi thơ của riêng mình chứ không phải vay mượn từ cha mẹ.
The Lion King chính thức ra rạp tại Việt Nam từ 19-7, trước đó phim sẽ có một số suất chiếu sớm.
Một số hình ảnh của The Lion King:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận