01/12/2019 18:05 GMT+7

'Thế hệ sau sẽ nguyền rủa chúng ta vì cho Trung Quốc những thứ quý giá'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tân tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa muốn lấy lại một cảng biển chiến lược của đất nước đang bị gán nợ cho Trung Quốc khai thác trong 99 năm. Nhưng mọi thứ dường như đã quá muộn màng để thay đổi.

Thế hệ sau sẽ nguyền rủa chúng ta vì cho Trung Quốc những thứ quý giá - Ảnh 1.

Chân dung của Tổng thống Sri Lanka khi đó là Mahinda Rajapaksa (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cảng Hambantota trước thềm chuyến thăm của ông Tập năm 2014 - Ảnh: AFP

Những chia sẻ của Tổng thống Sri Lanka một lần nữa cho thấy thế khó của những nước nghèo khi đứng trước nhân dân tệ của Trung Quốc và mong muốn giữ được sự tự chủ trong tương lai.

Tân tổng thống Gotabaya là em trai của ông Mahinda Rajapaksa, người mở đường cho những khoản nợ nước ngoài không thể trả của Sri Lanka.

Sri Lanka, một đảo quốc có truyền thống liên minh với Ấn Độ, đã quay sang Trung Quốc sau khi được Bắc Kinh hứa cho vay và đầu tư 7 tỉ USD trong 10 năm cầm quyền của ông Mahinda.

Những viễn cảnh tươi đẹp ban đầu nhanh chóng tan thành mây khói khi chính quyền của ông Mahinda không thể trả nổi tiền vay Trung Quốc. Nợ nần chồng chất khiến chính quyền Colombo mất khả năng chi trả và buộc phải gật đầu chấp thuận cho Bắc Kinh thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm vào năm 2017.

Ông Gotabaya dường như đang cố gắng sửa sai và khắc phục thiệt hại do anh trai gây ra, nhưng mọi thứ có lẽ đã quá muộn.

"Tôi luôn tin rằng Chính phủ Sri Lanka phải kiểm soát được những vị trí chiến lược quan trọng như cảng Hambantota, chứ không phải Trung Quốc. Và rồi thế hệ sau của đất nước này sẽ nguyền rủa chúng ta vì đã cho đi những thứ quý giá", ông Gotabaya chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ngày 1-12.

Thế hệ sau sẽ nguyền rủa chúng ta vì cho Trung Quốc những thứ quý giá - Ảnh 2.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cố gắng khắc phục thiệt hại do vay tiền Trung Quốc, một nhiệm vụ không hề dễ dàng - Ảnh: REUTERS

Các nước phương Tây và Ấn Độ nhiều lần cảnh báo những nước nhỏ như Sri Lanka về chiến lược "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.

Theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng vung tiền cho các nước nghèo vay vô tội vạ mà không kèm theo các điều kiện khắt khe như các thể chế tài chính do phương Tây dẫn dắt.

Nhiều nước hoa mắt trước đồng tiền và liên tục vay, đến khi mất khả năng chi trả đã phải chấp nhận nhượng lại quyền kiểm soát các khu vực chiến lược cho Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn phủ nhận các cáo buộc, nói rằng tất cả sự hợp tác đều dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng trải dài trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Cảng Hambantota được Trung Quốc xem là một mắt xích trong sáng kiến "Vành đai và Con đường", lại nằm ở phía đông nam Ấn Độ - một đối thủ chiến lược của Trung Quốc.

Khi Bắc Kinh đặt vấn đề thuê lại khu vực này thay cho các khoản nợ không thể trả, giới lãnh đạo ở Sri Lanka đến lúc này vỡ lẽ hàng tỉ nhân dân tệ chảy vào lúc trước nghĩa là gì.

"Các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Úc nên đầu tư vào Sri Lanka và giúp đất nước chúng tôi phát triển. Bởi vì nếu họ không đầu tư thì không chỉ Sri Lanka mà các quốc gia khác ở châu Á cũng sẽ gặp vấn đề tương tự với Trung Quốc", Tổng thống Gotabaya đặt vấn đề.

Theo ý của nhà lãnh đạo Sri Lanka, trong khi các nước phương Tây đã cảnh báo đừng vay Trung Quốc vì sẽ mắc bẫy nợ, họ lại chẳng cho Sri Lanka một xu trong lúc đất nước của ông cần tiền để phát triển.

"Người Trung Quốc sẽ chiếm lấy tất cả bằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" trừ khi các nước khác đưa ra được giải pháp thay thế", ông Gotabaya chốt vấn đề.

Lo với Lo với 'cái bẫy nợ kiểu Trung Quốc'

TTO - Sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc kỳ vọng tạo ra mạng lưới kết nối 3 châu lục, xuyên suốt từ Á sang Phi rồi Âu. Nhưng vay tiền đầu tư sẽ chết với lãi suất khủng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên