GS Trần Văn Thọ tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 - Ảnh: VIỆT DŨNG
|
Trong ngày bế mạc 16-12, hai vấn đề thu hút sự quan tâm và tranh luận của các đại biểu chính là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đối với quá trình phát triển của Việt Nam và làm sao củng cố nội lực Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Nội lực yếu, làm sao đi sâu?
Trong bài tham luận “Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”, GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho rằng chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đưa ra vào giữa thập niên 1990 là đúng đắn và quá trình công nghiệp hóa 20 năm sau đó cũng đã tiến triển một bước đáng kể.
Tuy nhiên, theo GS Thọ, Việt Nam chưa phát huy hết hai thuận lợi lớn là giai đoạn dân số vàng và lợi thế của nước đi sau nên thành quả công nghiệp hóa còn hạn chế.
Mặt khác, Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong điều kiện nội lực yếu kém và các nguồn cung cấp FDI xung quanh Việt Nam phần lớn chưa đạt trình độ cao về công nghệ và văn hóa kinh doanh như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...
“Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu mới tránh được hiện tượng chuyển sang thời đại hậu công nghiệp hóa quá sớm.
Mặt khác, cần củng cố nội lực và quan tâm chọn lựa FDI theo hướng chỉ khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng sản xuất” - ông Thọ nói.
Trong phần trả lời câu hỏi sau đó, một đại biểu đặt câu hỏi mà GS Thọ đánh giá là rất hay: “Tình hình kinh tế đất nước chúng ta chưa được khá lắm, nguồn lực còn yếu, làm cách nào đi rộng và sâu được?”.
Trả lời câu hỏi này, GS Thọ cho biết Việt Nam phải củng cố nội lực của mình bằng cách ngừng ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, những ngành nào doanh nghiệp tư nhân có thể đảm nhận được thì Nhà nước không tiếp nhận, những công ty nào của Nhà nước chưa cổ phần hóa thì cũng phải đưa quy chế quản trị doanh nghiệp vào để cho họ hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, phải hoàn thiện chính sách bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong các thị trường như vốn, đất đai.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải có chính sách tiếp nhận FDI khôn khéo hơn để thực hiện công nghiệp hóa sâu và rộng hơn.
“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật mà tôi gặp, đều khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện công nghiệp hóa sâu và rộng. Quan trọng là Việt Nam có thực sự muốn làm hay không bằng cách ban hành những chính sách phù hợp” - ông Thọ khẳng định.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trưởng ban tổ chức hội thảo - cho biết ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển bùng nổ trên toàn cầu cũng được đề cập trong tất cả các lĩnh vực quan tâm của hội thảo.
Phát biểu trong ngày bế mạc, ông Alistar Nolan, chuyên gia phân tích cao cấp về khoa học công nghệ và đổi mới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chỉ ra 5 công nghệ hiện đại của thiên niên kỷ mới là công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, Internet của vạn vật; công nghệ sinh học và công nghệ gen; công nghệ nano; công nghệ vật liệu và công nghệ in 3D sẽ đưa các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đến với những thách thức và cơ hội hết sức to lớn. “Sẽ không có phép mầu cho Việt Nam.
Do vậy, Việt Nam phải thiết kế chính sách thật tốt để tận dụng cơ hội này, trong đó chú trọng phát triển khoa học, đặc biệt là sự khuếch tán công nghệ.
Giáo dục chính là chìa khóa cho mọi vấn đề. Ngoài ra, chính sách phải được thiết kế bằng cái nhìn dài hạn đến từ sự trao đổi giữa chính phủ, giới hàn lâm và doanh nghiệp” - ông Nolan nhấn mạnh.
Nhận xét về cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng bên cạnh việc củng cố, vận hành hiệu quả các giải pháp vận hành truyền thống, việc tiếp nhận và khuếch tán các công nghệ đó, Việt Nam cần nghiên cứu để có các giải pháp mới, phương thức quản lý và vận hành mới, phi truyền thống, Đổi mới công nghệ đào tạo và phương thức liên kết ba lĩnh vực - quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp sáng tạo, phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.
Xây trung tâm nghiên cứu Việt Nam học tại Hòa Lạc Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, hàng đầu của thế giới, đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội). Ông Đức cho biết tư liệu của thế giới viết về Việt Nam khá nhiều, đồng thời số tư liệu của Việt Nam bị thiên di đi khắp thế giới cũng rất lớn, từ châu Á, châu Âu đến cả châu Mỹ. Hệ thống tư liệu ấy cần được thu thập, quy tụ để kết hợp cùng với hệ thống tư liệu đang có trong nước hình thành một trung tâm phục vụ cho các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nhất về Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận