Người biểu tình Philippines đốt biểu tượng tên lửa Trung Quốc trong cuộc tuần hành bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở quận tài chính Makati, thủ đô Manila ngày 19-2 - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, các nhóm thanh niên Philippines đã bao vây Lãnh sự quán Trung Quốc ở quận tài chính Makati thuộc thủ đô Manila để phản đối việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Báo Philippine Star mô tả người biểu tình đã đốt mô hình tên lửa và giơ cao biểu ngữ phản đối trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Chủ tịch Liên hiệp Sinh viên quốc gia Philippines Sarah Elago nhấn mạnh việc Trung Quốc lắp đặt các loại vũ khí ở những vùng biển tranh chấp sẽ khiến căng thẳng giữa các nước liên quan leo thang.
“Bắc Kinh nói các tên lửa này được triển khai nhằm tự vệ, nhưng không có gì đảm bảo Chính phủ Trung Quốc sẽ không sử dụng chúng chống lại các nước xung quanh nhằm đòi chủ quyền trên toàn Biển Đông. Chúng tôi cực lực lên án cách tiếp cận quân sự của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp” - cô Elago nhấn mạnh.
Theo Reuters, hôm qua Úc và New Zealand lại kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, tránh gây căng thẳng trên Biển Đông. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố sau cuộc gặp Thủ tướng New Zealand John Key tại Sydney: “Việc làm giảm căng thẳng tại khu vực là rất quan trọng. Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan ngừng xây dựng đảo, quân sự hóa đảo...”.
Thủ tướng Úc cũng nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9-2015 liên quan cái bẫy Thucydides (về sự cạnh tranh giữa một thế lực đang lên và một thế lực đã xác lập được vị trí của mình) và nhân đó kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết các tranh chấp thông qua luật quốc tế.
“Chủ tịch Tập đã nói có lý khi đặt ra mục tiêu chính là tránh được cái bẫy đó” - thủ tướng Úc, người dự kiến sang thăm Bắc Kinh vào tháng 4, nêu ra.
Phía Trung Quốc cũng lập tức đáp trả. Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nhắc nhở Úc và New Zealand “không phải các quốc gia có liên quan trong vấn đề Biển Đông”.
Trong khi đó, hôm qua giới chuyên gia quân sự Trung Quốc lại đe dọa rằng Bắc Kinh có thể sẽ triển khai tiếp tên lửa chống hạm đến Biển Đông. Số chuyên gia này tiết lộ phòng vệ trên không là ưu tiên hàng đầu của các lực lượng Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực và việc điều thêm các loại vũ khí tối tân sẽ “tăng cường lập trường của Bắc Kinh” ở Biển Đông.
Báo South China Morning Post dẫn lời ông Lý Kiệt - chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quân sự hải quân của quân đội Trung Quốc - cho rằng việc triển khai thêm tên lửa đất đối không vừa qua là cần thiết vì Trung Quốc đang đứng trước mối đe dọa ngày càng lớn của Mỹ trong khu vực.
“Trung Quốc sẽ triển khai thêm khí tài quân sự tân tiến nếu Mỹ làm quá. Đây cũng là phản ứng của Bắc Kinh trước các cuộc tuần tra của quân đội Mỹ ở các đảo do Trung Quốc kiểm soát, nằm gần đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm)” - ông Lý đe dọa.
Ông Lý tiết lộ Bắc Kinh có thể sẽ triển khai hệ thống tên lửa tầm ngắn và các trang thiết bị khác như trạm rađa, trạm thu phát sóng vệ tinh trên các đảo nhỏ hơn ở quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí Trung Quốc cũng đang tính đến việc đẩy mạnh tuần tra trong khu vực bằng máy bay không người lái do nước này chế tạo.
Cùng lúc, nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Kiểm soát và giải trừ quân bị Trung Quốc - thiếu tướng Từ Quang Dụ úp mở rằng sắp tới Trung Quốc sẽ cho đáp máy bay quân sự thường xuyên và tập trận phối hợp giữa không quân và hải quân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc triển khai vũ khí quân sự sẽ tập trung chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa, nơi có địa thế gần với các bờ biển của Trung Quốc.
Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19-2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”. Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong ngày 19-2, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng có công hàm gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên. |
Leo thang khó lường Không nghi ngờ khi nói rằng việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm đang thay đổi cán cân quân sự tại Biển Đông. Phú Lâm và mở rộng ra là toàn bộ Hoàng Sa đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc theo đuổi. Mục tiêu chính của A2/AD là hạn chế khả năng tiếp cận, khả năng triển khai cũng như khả năng phối hợp của quân đội Mỹ và đồng minh tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Trước đó, máy bay chiến đấu J-11 đã được đưa ra Hoàng Sa thử nghiệm điều kiện tác chiến. Sự xuất hiện của dàn tên lửa HQ-9 cho thấy hòn đảo này có thể được biến thành một “tàu sân bay” nổi, giúp gia tăng phạm vi tác chiến và điều kiện tác chiến của hải quân. Nếu Bắc Kinh đặt các tên lửa chống hạm tối tân nhất của nước này như YJ-18 hay DF-21 thì các tàu chiến của Mỹ, kể cả tàu sân bay, có thể trong tầm ngắm. Qua đó, ý đồ nâng cao khả năng A2/AD và tăng cường năng lực triển khai của quân đội ở bắc Biển Đông đã rõ. Triển khai các hệ thống vũ khí phòng thủ cho phép Trung Quốc kiểm soát sự leo thang xung đột theo ý mình, đồng thời giúp khẳng định vai trò quân sự ngày càng lớn của nước này. Quan trọng hơn là khẳng định - cả với quốc nội lẫn quốc tế - các hành động can thiệp từ bên ngoài có thể và sẽ có khả năng bị trả giá thích đáng. Tuy vậy, ý đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là một bước leo thang nguy hiểm vì lôi kéo các phản ứng quân sự từ các nước, đặc biệt là Mỹ. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc còn phải giải quyết nhiều rào cản về kỹ thuật trước khi đủ khả năng “cạnh tranh bá chủ”. Một trong số đó là khả năng tác chiến thực, sự phối hợp tác chiến, điện tử và chỉ huy kiểm soát hay độ ăn mòn vũ khí rất mạnh khi ở các đảo ngoài biển... Kịch bản này còn tùy thuộc vào phản ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ. Tên lửa HQ-9 vì thế hiện đóng vai trò là vũ khí phòng thủ mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị hơn. Các tàu bán vũ trang vẫn là lựa chọn của Trung Quốc trong quá trình đảm bảo sự hiện diện và ngăn cản xâm nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện cũng khá lớn khi HQ-9 được triển khai với năng lực tác chiến mạnh. Thêm một cái ô phòng thủ làm người ta có thể mạnh miệng hơn, dẫu hành động đó khơi mào những leo thang quân sự nguy hiểm mà cả người đang hì hục tiến hành cũng không đủ khả năng lường trước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận