Bà Christine Lagarde, tổng giám đốc IMF, phát biểu trước cuộc họp thường niên của cơ quan này tại Washington ngày 19-4 - Ảnh: REUTERS
Báo cáo của IMF được công bố đồng thời với phiên khai mạc hội nghị thường niên của tổ chức này ngày 19-4, giờ Mỹ.
Khi nợ công toàn cầu leo tới mức cao nhất trong lịch sử, rõ ràng những cảnh báo của định chế tài chính quốc tế với chính phủ các nước về việc cần hành động khẩn trương để giảm nợ đã trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Cao nhất trong lịch sử
Theo IMF, tổng nợ công toàn cầu trong năm 2016 đạt mốc kỷ lục 164 ngàn tỉ USD, tương đương với 225% GDP thế giới. Mức nợ này cũng cho thấy sự tăng vọt thêm 12 điểm phần trăm so với mức nợ công cao kỷ lục từng được "thiết lập" vào năm 2009, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng các nước phát triển có mức nợ công cao hơn nhiều so với các thị trường mới nổi. Nợ công trung bình của các nền kinh tế phát triển đã ở mức 105% GDP.
Trong khi đó, với những nước thu nhập trung bình, nợ công trung bình rơi vào khoảng 50% GDP và ở các nước có thu nhập thấp tỉ lệ này vượt trên mức 40%.
Dù vậy, IMF cho biết họ cũng nhận thấy tỉ lệ nợ công so với GDP trung bình tại các nước có thu nhập thấp cũng đang có xu hướng tăng.
Theo ông Vitor Gaspar - giám đốc tài chính của IMF, cơ quan này dự đoán tỉ lệ nợ công so với GDP của các nền kinh tế phát triển, ngoại trừ Mỹ, dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn kết thúc vào năm 2023.
Ông Vitor Gaspar lý giải: "Mỹ là quốc gia duy nhất có tỉ lệ nợ công so với GDP dự kiến sẽ tăng, từ 108% GDP trong năm 2017 lên 117% GDP vào năm 2023". Cũng theo chuyên gia này, nguyên nhân tăng là do kế hoạch chi tiêu ngân sách đã được Quốc hội phê chuẩn và luật thuế mới với những chính sách cắt giảm vừa qua.
Bản hiện thị nợ công của Đức gắn ở Berlin - Ảnh: REUTERS
Ở một báo cáo khác của IMF là "Ổn định tài chính toàn cầu" công bố đầu tháng này, IMF cho biết những rủi ro ổn định tài chính ngắn hạn đã tăng nhẹ trong những tháng gần đây do sự trồi sụt thất thường của thị trường chứng khoán.
Tình trạng gia tăng căng thẳng về địa chính trị cũng như thương mại thời gian qua được cho là các nguyên nhân làm tăng rủi ro ngắn hạn.
Ông Tobias Adrian, giám đốc thị trường vốn và tiền tệ của IMF, phân tích: "Những gì chúng ta đã chứng kiến cho tới nay là những tranh cãi về thương mại và các động thái đã được áp dụng khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an, theo đó những sự định giá đã được điều chỉnh".
Các nước nên hợp tác với nhau để giải quyết những bất đồng và không cần sử dụng tới các loại biện pháp khác thường
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde
Lo chiến tranh thương mại
Cuộc họp thường niên của IMF diễn ra đúng thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có lối ra. Đó là lý do để bà Christine Lagarde, tổng giám đốc IMF, nêu quan điểm cảnh báo những gia tăng căng thẳng thương mại sẽ gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, xói mòn niềm tin và bóp nghẹt dòng vốn đầu tư.
Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố tuần này, IMF đã liệt kê những căng thẳng thương mại là nguy cơ tiêu cực chính ảnh hưởng xấu tới tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo chúng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nhóm người nghèo nhất do giá cả hàng hóa bị đẩy cao.
Một bảng thể hiện nợ công của Mỹ trước đây với phần nợ mà mỗi gia đình phải gánh - Ảnh: REUTERS
Tại cuộc họp tuần này ở Washington của IMF, giới quan chức tài chính của các quốc gia thành viên cũng sẽ thảo luận về những xung đột thương mại hiện nay.
Theo bà Lagarde, do bản chất liên quan lẫn nhau, các xung đột thương mại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với hai nước có mâu thuẫn.
Bà Lagarde thừa nhận ảnh hưởng thực sự về tăng trưởng có thể là không lớn nếu đo lường ở phương diện GDP, nhưng những xung đột thương mại kiểu như giữa Washington và Bắc Kinh có thể gây hậu quả đáng ngại hơn khi các bất ổn này gây xói mòn rất nhanh lòng tin của doanh nghiệp, khiến họ "ngần ngại đầu tư" hơn.
Mặc dù hoan nghênh các cuộc đàm phán thương mại song phương Mỹ - Trung, song bà Lagarde cho rằng những bất đồng đó cần được giải quyết tại diễn đàn đa phương và mỗi nước phải tự giải quyết các rào cản thương mại của chính họ.
Tránh chủ nghĩa bảo hộ
Cùng với cảnh báo về "con đường phía trước có thể rất chông gai", IMF khuyến nghị các chính phủ trên toàn thế giới cần có những giải pháp nhằm giải quyết nguy cơ tiềm ẩn, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì điều kiện kinh doanh thuận lợi. Tổng giám đốc IMF Lagarde kêu gọi các nước cần tránh "mọi chủ nghĩa bảo hộ", khẳng định "những hạn chế thương mại đơn phương không có ích gì".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận