17/03/2014 11:01 GMT+7

Thế giới ảo & thực: "Đụng" phải một con dao hai lưỡi...

HẢI MINH
HẢI MINH

TTCT - Ở thời đại mà tin tức lan truyền tính bằng giây này, mọi trò đùa trên những diễn đàn hàng trăm triệu người như Facebook hay Twitter đều có thể phải trả giá đắt.

Thế giới ảo & thực: Trào lưu tự thúNói về “selfie”

haIswG8s.jpg
Gia đình Snay mất 80.000 USD vì một phút khoe khoang của cô con gái trên Facebook - Ảnh: Yahoo News

Với một cá nhân, một tin nhắn hớ trên Facebook có thể khiến gia đình mất hàng chục nghìn USD, với các doanh nghiệp thì con số đó lên tới tiền triệu, như những câu chuyện mới vừa xảy ra ở Mỹ.

80.000 USD cho hai câu trên Facebook

Vào cuối tháng 2, tòa án phúc thẩm khu vực ba ở Miami, Florida, Mỹ đã tuyên hủy khoản bồi thường 80.000 USD cho cựu hiệu trưởng Trường cấp II Gulliver ở Miami sau khi con gái ông này lên Facebook khoe khoang về khoản tiền nói trên. Ông Patrick Snay, cựu hiệu trưởng, trước đó đã kiện Trường Gulliver vì sa thải ông không có lý do chính đáng.

Trường đã đồng ý trả cho ông Snay khoản tiền 80.000 USD, với điều kiện ông phải giữ bí mật về vụ dàn xếp này. Tuy nhiên, con gái ông, Dana Snay, một sinh viên đại học, lại rất thích chơi Facebook. “Bố và mẹ Snay đã thắng vụ kiện Trường Gulliver” - Dana Snay đăng trên Facebook có 1.200 bạn của cô vài ngày sau vụ dàn xếp. “Trường Gulliver giờ sẽ chính thức trả tiền cho kỳ nghỉ châu Âu của tôi mùa hè này. Đáng kiếp”.

Hàng trăm học sinh và cựu học sinh Trường Gulliver đã đọc được đoạn đăng đó của Dana Snay, và nó nhanh chóng xuất hiện trong hồ sơ của các luật sư đại diện cho trường. Họ đã trình bày trước tòa rằng gia đình Snay vi phạm thỏa thuận. Thẩm phán Linda Ann Wells vì thế phán quyết Trường Gulliver sẽ không phải trả khoản bồi thường nữa.

“Snay đã vi phạm thỏa thuận khi làm đúng điều mà ông ta đã hứa sẽ không làm - báo Miami Herald dẫn lời thẩm phán Wells trong biên bản kết luận của phiên tòa - Con gái ông ấy làm đúng điều mà thỏa thuận bảo mật được ký kết để nó không xảy ra”.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2010 khi Trường Gulliver từ chối gia hạn hợp đồng với ông Snay sau nhiều năm ông này phục vụ. Ông Snay, 69 tuổi, kiện trường phân biệt tuổi tác với ông. Trường Gulliver quyết định dàn xếp vụ việc vào tháng 11-2011 với khoản tiền lương trả thêm 10.000 USD, 60.000 USD cho các luật sư của ông Snay và 80.000 USD cho ông, với điều kiện phải bảo mật thỏa thuận dàn xếp.

Tuy nhiên, ông Snay đã kể lại cho con gái về chiến thắng của ông. Giờ đây thì họ sẽ không nhận được một xu nào, và đáng nói hơn, thông tin về kỳ nghỉ châu Âu của Dana Snay chỉ là nói đùa. Phóng viên báo Miami Herald nói những nỗ lực của họ để liên lạc với Patrick và Dana Snay bằng điện thoại cũng như... Facebook đã thất bại.

6m1QZ3Zt.jpg
Tin nhắn tai họa của NRA trên Twitter vào ngày xảy ra vụ xả súng ở Aurora, Colorado - Ảnh: cnn.com
OYWnkC8f.jpg
Octavia Nasr mất việc ở CNN vì 140 ký tự trên mạng xã hội - Ảnh: jazarah.net

4,3 triệu USD mỗi năm

Vụ mất tiền của gia đình Snay là khá hi hữu, nhưng đã minh họa cho một hiện tượng đang ngày càng phổ biến ở thời đại mạng xã hội toàn cầu. Nếu với các cá nhân, khi một sai lầm trên mạng xã hội có thể trả giá đắt thì với những doanh nghiệp và tổ chức, đó có thể trở thành thảm họa.

Có thể kể ra đây một số câu chuyện điển hình. Vào ngày diễn ra vụ xả súng ở Aurora, Colorado, Mỹ tháng 7-2012, Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA) đăng trên trang Twitter của họ: “Chào buổi sáng. Các tay súng. Chúc ngày thứ sáu tốt lành! Cuối tuần có kế hoạch gì không?”. Ngay lập tức, một làn sóng những lời chỉ trích và cả chửi bới tràn ngập trang Twitter của NRA và tin nhắn đó biến mất vài giờ sau.

Một người phát ngôn của tổ chức này giải thích: “Đó là một tin nhắn cá nhân, không hề biết về những sự kiện xảy ra ở Colorado, hoàn toàn bị tách ra khỏi bối cảnh”.

Cũng tệ không kém là trò cợt nhả của KitchenAid, một hãng đồ gia dụng hàng đầu ở Mỹ, sau khi diễn ra cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. “Obamas gma even knew it was going 2 b bad! She died 4 days b4 he became president#nbcpolitics” (Ngay cả bà Obama cũng biết mọi chuyện sẽ tệ! Bà ấy chết bốn ngày trước khi ông ấy thành tổng thống).

Chỉ vài phút sau tin nhắn biến mất, nhưng KitchenAid đã gây đủ thiệt hại với doanh số sụt giảm lập tức trong tháng sau đó và không biết bao nhiêu lời xin lỗi phải gửi tới khách hàng.

Một sai lầm hay được nhắc đến của các công ty thích lấy chuyện chính trị để làm thương hiệu là của hãng thời trang Kenneth Cole. Năm 2011, nhân những vụ biểu tình đẫm máu ở Cairo, Ai Cập, hãng này đăng trên tài khoản Twitter của họ: “Hàng triệu người đang phát cuồng ở Cairo. Có tin đồn là họ đã nghe được bộ sưu tập mùa xuân của chúng tôi giờ đã có bán ở địa chỉ mạng http://bit.ly/KCairo”.

Nghiên cứu thực hiện cuối năm 2013 của Hãng công nghệ Symantec cho thấy các khoản phạt, trách nhiệm pháp lý và tổn thất do mất lòng tin nơi khách hàng từ các sai lầm trên tài khoản mạng xã hội có thể khiến những công ty lớn tổn thất trung bình 4,3 triệu USD mỗi năm. Cuộc thăm dò được thực hiện với các công ty có hơn 1.000 nhân viên và gần như mọi công ty đều từng phải hứng chịu hậu quả tiêu cực dạng này hay dạng khác liên quan tới mạng xã hội.

Cần nhấn mạnh là cuộc thăm dò chỉ nhắm vào khía cạnh tiêu cực của mạng xã hội, nên không thể kết luận rằng lợi ích thuần từ đó với các doanh nghiệp là một con số âm.

Tuy nhiên, điều đó cho thấy việc các doanh nghiệp và tổ chức tham gia mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo đó, 28% doanh nghiệp nói họ từng bị tổn thương thương hiệu hay mất lòng tin từ khách hàng do sai lầm trên mạng xã hội. Khoảng 25% nói họ bị tổn thất doanh thu trực tiếp. 18% cho biết họ gặp rắc rối với nhà chức trách vì mạng xã hội và 17% bị kiện cáo liên quan tới những thông tin đăng trên các trang mạng xã hội.

Chính sách mạng xã hội

Bất chấp những rủi ro, hầu hết doanh nghiệp và tổ chức đều thấy yêu cầu bắt buộc tham gia mạng xã hội, theo lời giám đốc tiếp thị sản phẩm của Symantec là Sean Regan. Vài năm trước, một số doanh nghiệp và tổ chức có khuynh hướng bảo thủ cố gắng đóng cửa hoàn toàn với mạng xã hội, nhưng hiện giờ điều đó là không khả thi. “Có thể nói Internet đã trở thành mạng xã hội” - Regan nói.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy thay vì rời bỏ mạng xã hội, 87% doanh nghiệp đã ấn định chính sách mạng xã hội nội bộ để cố gắng hạn chế mặt tiêu cực của việc chia sẻ quá nhiều, quá vội vàng và quá rộng.

Những nguyên tắc cơ bản của hầu hết công ty là không muốn các thông tin lẽ ra không được công bố rộng rãi xuất hiện trên mạng xã hội, cũng như phân định rạch ròi các tài khoản mạng xã hội cá nhân với của công ty. Cũng có những ngoại lệ, như Best Buy, hãng bán lẻ điện máy hàng đầu ở Mỹ, khẳng định những người dùng mạng xã hội không được chia sẻ các logo và những hình ảnh bản quyền khác của công ty. Oracle thì nói họ coi việc dùng mạng xã hội ở nơi làm việc là sự cản trở với hiệu quả công việc.

Hãng xe hơi Ford có ba điểm đơn giản trong chính sách mạng xã hội của họ: “Cư xử theo chuẩn mực thông thường, để ý các vấn đề riêng tư và tử tế, trung thực”. Với Walmart, họ có những nhân viên được trao cương vị “phát ngôn chính thức” trên Twitter hay Facebook, và những tài khoản này chỉ nói về Walmart chứ không phải các đề tài khác.

Chính các nguyên tắc này trong chính sách mạng xã hội đã khiến Hãng tin CNN sa thải biên tập viên lâu năm của họ về Trung Đông, Octavia Nasr, vào tháng 7-2010. Bà Nasr đã đăng một đoạn chỉ dài 140 ký tự trên trang Twitter của mình bày tỏ sự tưởng nhớ và tôn kính đối với Mohammed Hussein Fadlallah, nhà lãnh đạo quá cố nổi tiếng của Hezbollah, tổ chức bị Mỹ liệt vào dạng khủng bố.

Dù đã giải thích rất dài dòng, bà đã không thể thuyết phục những lãnh đạo CNN, vốn đã kỳ công ban hành một bộ quy tắc ứng xử chi tiết về cách hành xử của nhân viên trên Twitter, Facebook và các mạng xã hội khác.

Thay vì rời bỏ mạng xã hội, 87% doanh nghiệp đã ấn định chính sách mạng xã hội nội bộ để cố gắng hạn chế mặt tiêu cực của việc chia sẻ quá nhiều, quá vội vàng và quá rộng. Những nguyên tắc cơ bản của hầu hết công ty là không muốn các thông tin lẽ ra không được công bố rộng rãi xuất hiện trên mạng xã hội, cũng như phân định rạch ròi các tài khoản mạng xã hội cá nhân với của công ty.

Cũng có những ngoại lệ, như Best Buy, hãng bán lẻ điện máy hàng đầu ở Mỹ, khẳng định những người dùng mạng xã hội không được chia sẻ các logo và những hình ảnh bản quyền khác của công ty. Oracle thì nói họ coi việc dùng mạng xã hội ở nơi làm việc là sự cản trở với hiệu quả công việc.

--------------------------

* Tin bài liên quan:

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên