07/06/2021 08:02 GMT+7

'Thế chân vạc' ngoại giao vắc xin của Mỹ - Trung - Nga

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - "Ngoại giao vắc xin", "chính trị hóa hợp tác vắc xin", "những ràng buộc chính trị"… là những cụm từ xuất hiện trong các tuyên bố nhắm vào nhau gần đây của hai phía Mỹ - Trung.

Thế chân vạc ngoại giao vắc xin của Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Trung Quốc và Nga đang gửi hàng triệu liều vắc xin COVID-19 tới các nước, trong khi Mỹ gần đây công bố tặng 80 triệu liều vắc xin cho thế giới - Ảnh: AXIOS

Nói chung, Trung Quốc không cho không cái gì. Tôi nghĩ rằng hơn cả những đòi hỏi tài chính, sẽ có những đòi hỏi chính trị.

Giáo sư Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, bình luận về việc Trung Quốc cung cấp vắc xin cho các nước ở Nam Á.

Điều này cho thấy câu chuyện phân phối vắc xin toàn cầu không đơn giản.

Mỹ, Trung Quốc và Nga đang hình thành "thế chân vạc" ngoại giao vắc xin COVID-19. Ngoài tự cung tự cấp, ba cường quốc này còn đang đẩy mạnh cung cấp vắc xin cho thế giới.

Tặng, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ

Kế hoạch tặng 80 triệu liều vắcxin COVID-19 (gồm 60 triệu liều của Hãng AstraZeneca và 20 triệu liều các loại vắc xin đã được phê duyệt dùng trong nước Mỹ) của Tổng thống Mỹ Joe Biden là một minh chứng về việc các nước lớn đang chia sẻ vắc xin với thế giới. Hôm 3-6, ông Biden đã công bố các chi tiết về cách thức chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong tổng số 80 triệu liều này.

Trong đó, gần 19 triệu liều (tương đương 75%) được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, với 7 triệu liều dành cho châu Á, 6 triệu liều dành cho Nam và Trung Mỹ, và 5 triệu liều dành cho châu Phi. Mỹ sẽ giữ 25% số vắc xin còn lại (hơn 6 triệu liều) cho các trường hợp khẩn cấp và chia sẻ với các đồng minh, đối tác.

Tổng thống Joe Biden tự tin tuyên bố Mỹ sẽ là "kho vắc xin của thế giới" trong cuộc chiến chung chống lại COVID-19. "Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ là cần thiết đối với việc chấm dứt đại dịch lúc này và đối với việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu trong tương lai, để ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng tốt hơn với mối đe dọa kế tiếp" - ông Biden nhấn mạnh ngày 3-6.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng việc ông Biden cam kết tặng 80 triệu liều vắc xin cho các nước là nỗ lực nhằm đối phó Nga và Trung Quốc. Hai quốc gia này cũng đang cung cấp vắc xin cho nhiều khu vực, từ châu Á cho tới tận Nam Mỹ.

Tuần báo Nikkei Asia dẫn số liệu từ trang Bridge Consulting cho biết tới nay Trung Quốc đã tặng gần 22 triệu liều vắcxin COVID-19 cho các nước, gồm 13,7 triệu liều ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 6,08 triệu liều ở châu Phi, 1,27 triệu liều ở Mỹ Latin và phần còn lại ở châu Âu. Nước này cũng có thỏa thuận bán tổng cộng 732 triệu liều cho các nước.

Trong khi đó, Đài Deutsche Welle (Đức) bình luận ngay từ đầu khi được đăng ký đầu tiên trên thế giới, vắc xin Sputnik V đã là "dự án uy tín" đối với Nga. Đến nay có 66 quốc gia đã phê duyệt sử dụng Sputnik V và vắc xin này đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở các quốc gia đang phát triển.

Hôm 5-6, Tổng thống Vladimir Putin còn tuyên bố Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay sẵn sàng chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 ở nước ngoài.

Không có "bữa trưa miễn phí"

Trong bối cảnh các nước chạy đua với thời gian để tiêm vắc xin cho người dân trong nước, giờ đây ngoại giao vắc xin đã trở thành một thành phần quan trọng trong địa chính trị. Công cụ ngoại giao mới này sẽ gây ra tác động đáng kể, khi mà vắc xin đang được phân phối trên toàn cầu không công bằng.

Trung Quốc là một trong những người chơi tích cực muốn dùng vắc xin COVID-19 để tăng sức mạnh mềm. Trong số các loại vắc xin COVID-19 được phê duyệt sử dụng ở Trung Quốc, nổi bật là vắc xin bất hoạt của Hãng Sinovac Biotech và Hãng Sinopharm. Theo báo New York Times, hai loại vắc xin này đã được phân phối ở tổng cộng ít nhất 55 quốc gia.

Với Nga, nước này đã phê duyệt 4 loại vắc xin COVID-19 dùng trong nước, phổ biến nhất là vắc xin Sputnik V. Mặc dù có nhiều nghi vấn liệu Nga có thể sản xuất đủ vắc xin để đáp ứng nhu cầu cao hay không, Sputnik V đang mở ra một con đường để Nga xây dựng quan hệ với các nước Mỹ Latin.

Với Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan hôm 3-6 nói rằng Washington "không yêu cầu bất kỳ thứ gì từ bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi đang tặng vắc xin" và "chúng tôi không áp đặt điều kiện như cách các nước khác đang làm khi cung cấp vắc xin". Theo tuần báo Nikkei Asia, bình luận này của ông Sullivan dường như nhắm vào Trung Quốc.

Dẫu vậy, theo kênh NBC News, Tổng thống Biden được cho là đã thừa nhận việc tặng vắc xin là công cụ ngoại giao quý giá để Mỹ đối phó những nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng thông qua vắc xin của Trung Quốc và Nga. 

"Hiện nay có nhiều lời xì xào bàn tán về chuyện Nga và Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lên thế giới bằng vắc xin. Chúng tôi muốn lãnh đạo thế giới bằng những giá trị của mình. Giống như từng là kho vũ khí của nền dân chủ trong Thế chiến 2, giờ đây trong cuộc chiến với COVID-19, Mỹ sẽ là kho vắc xin dành cho phần còn lại của thế giới" - ông Biden nêu trong bài phát biểu hồi tháng 5.

Hai mặt đồng xu

Cây bút Luisa Chainferber (Đại học Seton Hall) đánh giá trên trang International Policy Digest rằng ngoại giao vắc xin có lợi cho một số quốc gia có thu nhập thấp nhưng về dài hạn sẽ có hại cho các nước này vì họ có thể buộc phải đồng ý với các điều khoản đàm phán không có lợi giữa sức ép do đại dịch.

Sự chia rẽ và căng thẳng địa chính trị mà ngoại giao vắc xin tạo ra cho thấy cần có một giải pháp dài hạn tốt hơn đối với việc bao phủ vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.

Mỹ tặng Đài Loan 750.000 liều vắc xin COVID-19 Mỹ tặng Đài Loan 750.000 liều vắc xin COVID-19

TTO - Thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth ngày 6-6 tuyên bố Đài Loan sẽ nhận được 750.000 liều vắc xin COVID-19 từ Mỹ, một phần trong chương trình chia sẻ vắc xin được Washington công bố mới đây.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên