Thế Anh (thứ hai từ trái sang) tại lớp HLV thủ môn do AFC cấp bằng - Ảnh: FBNV
Thế Anh từng được HLV Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) triệu tập vào đội tuyển Việt Nam tham dự Tiger Cup 2002 dự bị cho đàn anh Trần Minh Quang. Ngoài ra, anh còn khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam giành HCB SEA Games 2003 dưới thời HLV Alfred Riedl (Áo).
Cầu thủ có máu kinh doanh
Bóng đá Việt Nam những năm 2000 là sự đổi đời của các cầu thủ khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Vì ở thời điểm đó, các ông bầu hay tập đoàn kinh tế đều kinh doanh tốt nên không tiếc tiền để mua về cầu thủ mà mình ưa thích. Một tỉ đồng/năm, thậm chí 3 tỉ đồng/năm cho bản hợp đồng có thời hạn ba năm là chuyện quá nhỏ.
Ở tuổi 27, thủ môn Thế Anh được CLB B.Bình Dương tái ký hợp đồng ba năm vào năm 2008 với tiền chuyển nhượng vào khoảng 3 tỉ đồng. Số tiền này không nhiều nếu so với bản hợp đồng ba năm đầu tiên. Nhưng với Thế Anh, nó rất cần thiết khi anh đang cần vốn để mở ra hướng kinh doanh.
"Có dịp đi Singapore, tôi thấy người ta sử dụng sân cỏ nhân tạo rất nhiều, trong khi ở Việt Nam thời điểm đó rất ít. Thế là sau khi nhận tiền chuyển nhượng từ việc tái ký hợp đồng, tôi dồn hết vào mua một mảnh đất lớn ở Bình Dương rồi lấy tiền tích cóp được xây dãy phòng trọ 30 phòng cùng 3 sân cỏ nhân tạo (sân 5 người) để cho thuê. Không chỉ vậy, tôi còn tận dụng quỹ đất lớn của một người anh ở Bình Dương để kinh doanh luôn sân cỏ nhân tạo" - anh cho biết.
Dù không có nhiều thời gian trông coi do phải tập luyện và thi đấu liên tục, nhưng cụm sân cỏ nhân tạo lẫn chuỗi phòng trọ của Thế Anh vẫn đều đặn có lợi nhuận tốt. Điều đó giúp anh mạnh dạn đầu tư thêm cụm sân cỏ nhân tạo tại Vinh (quê của Thế Anh).
Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu của Thế Anh vẫn là công việc thi đấu chuyên nghiệp cho CLB. Anh chia sẻ: "Việc kinh doanh ổn định khiến tôi rất mừng. Nhưng nói cho cùng, thu nhập từ việc thi đấu V-League vẫn tốt hơn".
Càng về sau, sân cỏ nhân tạo càng mọc lên nhiều. Điều này khiến công việc kinh doanh không còn tốt như trước nên Thế Anh quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh đất dự án cùng vài người bạn.
Nghỉ thi đấu vào năm 2015, Thế Anh bán hết đất đai kinh doanh phòng trọ và sân cỏ nhân tạo tại Bình Dương để lấy tiền đầu tư hẳn vào lĩnh vực địa ốc tại TP.HCM khi cùng gia đình nhỏ của mình chuyển lên đây sinh sống vào năm 2016.
Không vay ngân hàng để đầu tư bất động sản, phương châm của Thế Anh là "có bao nhiêu thì đầu tư bấy nhiêu", lời ít nhưng an toàn. Vậy mà Thế Anh cũng tiếp tục thành công ở lĩnh vực mới, tích cóp thêm được số vốn kha khá hàng tỉ đồng để tính đến chuyện quay trở lại với bóng đá, với giấc mơ đào tạo cầu thủ trẻ của mình.
Giấc mơ đào tạo bóng đá trẻ
Nghỉ thi đấu, Thế Anh dự tính sẽ xin làm công tác đào tạo trẻ tại một CLB nào đó ở phía Nam cho gần gia đình. Nhưng rốt cuộc, anh lại cứ phải xa nhà suốt khi được LĐBĐVN (VFF) triệu tập làm nhiệm vụ ở đội tuyển U16, U22 thi đấu ở các giải đấu lớn của khu vực và Đông Nam Á. Mới nhất, Thế Anh lên làm trợ lý thủ môn ở đội tuyển U18 Việt Nam thi đấu tại Giải U18 quốc tế Hong Kong 2019, diễn ra từ ngày 19 đến 22-4.
Bận bịu là thế, nhưng Thế Anh cũng có những bước đi đầu tiên cho giấc mơ đào tạo cầu thủ trẻ của mình. Hôm 7-4 vừa qua, anh cho ra mắt Học viện Bóng đá Sài Gòn (SFA) tại Trung tâm TDTT KDC Trần Thái (huyện Nhà Bè, TP.HCM), với khoảng 150 em theo học. Đây là học viện do Thế Anh cùng hai người bạn cùng góp vốn với mong muốn góp phần tạo ra những cầu thủ tốt cho bóng đá Việt Nam.
"Những cầu thủ nhí sẽ được huấn luyện bài bản, chuyên sâu thông qua các HLV từng chơi bóng chuyên nghiệp V-League và giáo án huấn luyện được cập nhật liên tục theo xu thế nước ngoài. Những em có tố chất tốt, chúng tôi sẽ hỏi ý phụ huynh cho vào lớp riêng để có thể thi đấu ở giải U11 hay U13 toàn quốc trong tương lai" - anh chia sẻ.
Cho đến giờ, tiếc nuối duy nhất của Thế Anh chính là không mua đất đầu tư sân bóng ở TP.HCM như khi mua đất đầu tư sân cỏ nhân tạo ở Bình Dương năm 2008. Bởi mua bây giờ thì không đủ khả năng. Còn thuê sân sẵn có để làm bóng đá cộng đồng và đào tạo trẻ thì bị động về mặt thời gian. Nhưng Thế Anh không chịu bó tay.
Ý tưởng tiếp theo của anh sau khi cho ra đời SFA sẽ là liên kết với các trường học ở các quận có quỹ đất nhưng chưa có tiền để làm sân bãi phục vụ cho học sinh tập luyện thể thao.
"Tôi đi tìm hiểu thì thấy có nhiều trường công ở quận 2 và quận 9 có quỹ đất dành cho thể thao nhưng chưa có tiền đầu tư. Nên trước mắt, chúng tôi cứ thuê sân làm bóng đá trước đã. Sau này sẽ đến các trường liên hệ để đầu tư sân bóng và sẵn sàng dạy bóng đá cho các em. Bóng đá học đường phát triển tốt cũng sẽ là nền tảng tốt cho bóng đá Việt Nam phát triển" - anh nói.
Cầu thủ rất chịu khó học
Như bao đứa trẻ Nghệ An, Thế Anh rất mê bóng đá. Tuy nhiên, anh lại đến với bóng đá khá muộn do gia đình ngăn cấm. 17 tuổi, khi đang học chuyên toán Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Thế Anh lén thi vào đội Quân Khu 4 và trúng tuyển. Khi đó, Thế Anh cùng HLV phải thuyết phục ba mẹ mãi mới cho gia nhập đội vì thấy môi trường quân đội cũng tốt. Đến năm 19 tuổi, Thế Anh mới gia nhập CLB Sông Lam Nghệ An.
Ảnh hưởng sự giáo dục từ gia đình là viên chức nhà nước nên Thế Anh không quên dành thời gian cho việc học. Bận bịu thi đấu và sau này gánh thêm công việc kinh doanh, Thế Anh vừa tốt nghiệp Đại học TDTT vừa hoàn tất những khóa học cấp bằng huấn luyện cao nhất của Việt Nam lẫn LĐBĐ châu Á (AFC), kể cả bằng HLV thủ môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận