17/04/2018 14:23 GMT+7

Thầy giáo không biết đọc, viết vẫn đi dạy 17 năm

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Từng làm thầy trong suốt 17 năm, nhưng mới đây ông John Corcoran đã chia sẻ một sự thật không ai ngờ tới: do khiếm khuyết bẩm sinh, ông không có khả năng đọc, viết như người khác.

Thầy giáo không biết đọc, viết vẫn đi dạy 17 năm - Ảnh 1.

Ông John Corcoran - Ảnh: ALAMY

Theo đài BBC, ông John Corcoran sinh trưởng tại bang New Mexicos (Mỹ) những năm 1940 và 1950 trong một gia đình có 6 anh chị em.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông vào đại học và trở thành thầy giáo vào những năm 1960. Ông đã đứng lớp trong suốt 17 năm.

Bí mật về chuyện không biết đọc, không biết viết chỉ mới được ông chia sẻ gần đây. Phần câu chuyện cuộc đời đặc biệt của ông dưới đây được viết lại ngôi trần thuật của chính ông.

"Cầu Chúa cho con biết đọc"

Khi còn nhỏ, cha mẹ thường nói với tôi, ‘con là người chiến thắng’, trong trong 6 năm đầu đời, tôi đã luôn tin vào những điều cha mẹ nói với mình.

Tôi chậm nói, nhưng vẫn tới trường bình thường với hy vọng có thể học đọc giống như các chị. Trong năm đầu tiên, mọi việc đều ổn vì không có quá nhiều yêu cầu với chúng tôi, ngoài việc xếp hàng, ngồi xuống, im lặng và đi vệ sinh đúng giờ.

Thế rồi tới năm lớp hai, chúng tôi được học đọc. Nhưng với tôi, việc này giống như chuyện mở một tờ báo tiếng Trung ra rồi nhìn vào đó vậy. Tôi không hiểu những dòng đó có nghĩa gì, và vì chỉ là đứa trẻ 6, 7 tuổi, tôi không biết trình bày khó khăn của mình ra sao.

Thầy giáo không biết đọc, viết vẫn đi dạy 17 năm - Ảnh 2.

Ông John Corcoran lúc nhỏ - Ảnh: JOHN CORCORAN

Tôi nhớ là mình đã cầu nguyện vào mỗi đêm: "Lạy Chúa, hãy giúp con để sớm mai thức dậy con sẽ biết đọc". Và đôi khi tôi thậm chí còn ngồi dậy bật đèn, lấy sách ra và nhìn vào đó để cố chờ đợi một điều kỳ diệu xảy tới. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy sự kỳ diệu đó.

Ở trường, tôi bị xếp vào "nhóm thiểu năng" với một loạt các bạn khác cũng rất khó khăn trong việc học đọc. Tôi không biết vì sao mình rơi vào đó. Tôi cũng không biết làm sao để thoát ra và cũng không biết nên hỏi gì.

Mặc dù các giáo viên không ai gọi nhóm của chúng tôi là "nhóm thiểu năng", nhưng những đứa trẻ trong nhóm tự gọi mình như vậy và khi bạn đã ở trong nhóm đó, bạn cũng bắt đầu nghĩ rằng mình thiểu năng thật.

Tại các cuộc họp ở trường, giáo viên chủ nhiệm nói với cha mẹ tôi: "Thằng bé rất thông minh, nó sẽ học được", và họ chuyển tôi lên lớp 3. Những năm sau đó, cũng với nhận xét này, họ chuyển tôi lên lớp 4, lớp 5. Nhưng tôi vẫn không thể biết đọc, biết viết.

Cho tới lớp 5, rốt cuộc tôi đã đầu hàng bản thân về chuyện đọc. Tôi thức dậy mỗi ngày, mặc quần áo, tới trường và đó sẽ là một cuộc chiến. Tôi căm ghét lớp học. Đó là môi trường đầy thù địch và tôi cần phải tìm cách để tồn tại trong đó.

Cho tới lớp 7, tôi hầu như ngồi ở phòng hiệu trường suốt ngày. Tôi thường đánh nhau với bạn, tôi nghịch phá, tôi là thằng hề, tôi là kẻ phá bĩnh, tôi bị đuổi học.

Muốn được là chính mình

Nhưng hành vi đó không phải là điều thâm tâm tôi thực sự muốn. Tôi đã không phải là người như mình muốn. Tôi muốn là một người khác. Tôi có khát vọng thành công, tôi muốn là một học sinh giỏi nhưng tôi không thể làm điều đó.

Thầy giáo không biết đọc, viết vẫn đi dạy 17 năm - Ảnh 3.

Ông John Corcoran lúc là sinh viên - Ảnh: JOHN CORCORAN

Cho tới năm lớp 8, tôi mệt mỏi với chính mình và với gia đình. Tôi quyết định sẽ thay đổi, sẽ hành xử đúng như mình thực sự muốn ở trung học. Theo đó tôi sẽ trở thành "con cưng" của thầy cô giáo và làm mọi thứ cần thiết để vượt qua cấp học này.

Tôi muốn trở thành vận động viên. Tôi có các kỹ năng của vận động viên và có kỹ năng làm toán. Tôi thậm chí còn biết đếm và thối tiền lẻ ngay từ trước khi tới trường và tôi biết xem các thời gian biểu.

Tôi cũng có những kỹ năng xã hội khác. Tôi giao du với các bạn, gặp gỡ nói chuyện với thủ khoa của trường, người có điểm số cao nhất đại diện cho bạn bè phát biểu tại lễ tốt nghiệp. Tôi có mối quan hệ tốt với các bạn và được mọi người, hầu hết là các bạn gái, giúp đỡ tôi trong việc làm bài tập về nhà.

Tôi cũng có thể viết tên mình, và có một số từ tôi có thể nhớ được, nhưng tôi không thể viết trọn vẹn một câu. Và đương nhiên tôi không bao giờ nói với ai đó việc mình không thể đọc.

Khi làm bài kiểm tra, tôi sẽ nhìn vào bài bạn khác, hoặc sẽ chuyển bài thi của mình cho người khác và họ sẽ giúp tôi trả lời các câu hỏi. Và cứ thế tôi vượt qua cấp trung học để tiến vào đại học.

"Sống trong sợ hãi"

Cả giáo viên chủ nhiệm lẫn bố mẹ tôi đều bảo rằng mọi người đều cần tấm bằng đại học để có được công việc tốt, cuộc sống tốt, và tôi cũng tin như vậy. Động lực cho mọi cố gắng của tôi là cốt sao có được tấm bằng đó.

Thế rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học và sau đó nhận được công việc ở một vị trí giáo viên còn khuyết. Tại sao tôi lại chọn nghề giáo? Nhìn lại hành trình "điên rồ" mình đã từng vượt qua ở trung học và đại học, tôi thấy dường như nghề giáo cho tôi một chỗ nương náu an toàn. Không ai nghi ngờ chuyện một giáo viên lại không biết đọc.

Tôi đã dạy rất nhiều thứ. Tôi là một giáo viên thể dục. Tôi dạy các môn xã hội. Tôi dạy đánh máy. Tôi có thể gõ máy tính tốc độ 65 từ/phút nhưng tôi không biết mình đang gõ gì.

Tôi chưa bao giờ viết lên bảng và cũng không có bài giảng nào được in ra trong lớp học của tôi. Chúng tôi đã xem rất nhiều phim vào thảo luận rất nhiều.

Tôi đã nhớ mọi chuyện đáng sợ như thế nào. Tôi thậm chí chí không thể đọc danh sách điểm danh học trò. Tôi phải yêu cầu các em đọc rõ lại tên mình để tôi có thể biết tên chúng.

Tôi luôn phải nhờ 2 hoặc 3 em học trò mà tôi phải để ý tìm kiếm trước, những em có khả năng viết và đọc tốt nhất trong lớp, giúp tôi việc đó. Các em là những trợ giảng của tôi. Các em đã không nghi ngờ gì về tôi. Chẳng ai lại nghi ngờ giáo viên của mình bao giờ.

Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi là các cuộc họp khoa. Mỗi tuần chúng tôi có một cuộc họp và trong các cuộc đó, trong lúc mọi người thảo luận về một vấn đề nào đó, hiệu trưởng sẽ yêu cầu một người lên tóm tắt các ý tưởng lên bảng.

Tôi đã luôn sống trong sợ hãi khi một ngày nào đó hiệu trưởng sẽ gọi tôi lên. Cuộc họp nào tôi cũng sống trong nỗi sợ đó, nhưng tôi đã có kế hoạch dự phòng.

Tôi đã chuẩn bị sẵn kịch bản, nếu tôi bị gọi lên, tôi sẽ ra khỏi chỗ ngồi, đi hai ba bước rồi ôm lấy ngực, ngã lăn ra sàn và hy vọng họ gọi 911. Nhưng thật may tôi chưa bao giờ bị gọi lên cả.

Đôi khi tôi cảm thấy mình là một giáo viên tốt vì tôi luôn nỗ lực và thực sự chăm chút tới công việc đang làm. Nhưng tôi cũng nhận ra mình không thuộc về lớp học, tôi không nên ở đó và đôi khi những gì đang làm khiến tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi. Nhưng tôi bị mắc kẹt và không thể nói với ai chuyện này.

Tôi từng nhiều lần đứng trước gương để thực hành những tình huống dám nói ra sự thật với bạn gái của mình: "Cathy, anh không biết đọc. Cathy, anh không biết đọc".

Thế rồi một buổi tối, khi chúng tôi đang ngồi trên ghế cùng nhau, tôi thốt ra: "Cathy, anh không biết đọc".

Nhưng rồi cô ấy thực sự không hiểu những điều tôi đang nói. Cô ấy chỉ nghĩ là tôi không đọc nhiều lắm. Bạn hiểu mà, tình yêu luôn mù và điếc.

Thế rồi chúng tôi lấy nhau và có với nhau một cô con gái. Chỉ tới khi phải đọc truyện cho con gái 3 tuổi của chúng tôi, bí mật của tôi mới được "bật mí".

Trong 48 năm tôi đã phải sống trong bóng tối của bí mật này. Nhưng rốt cuộc tôi cũng đã trút bỏ được nó và đã "chôn đi" được bóng ma quá khứ đè nặng suốt bao năm.

Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng khi nào chúng ta còn hy vọng, khi đó sẽ có một giải pháp. Chúng ta không phải là những người thiểu năng, chúng ta có thể học đọc, chuyện đó không bao giờ là muộn.

"Gia tài" của thầy giáo về hưu 'Gia tài' của thầy giáo về hưu

TTO - 46 năm theo nghề giáo, tài sản quý giá nhất của thầy Huỳnh Văn Minh là hàng ngàn lá phiếu chứa thông tin, lý lịch trích ngang của sinh viên thầy dạy.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên