14/01/2019 11:02 GMT+7

Thầy giáo hiến đất xây làng, trồng cây làm kinh tế

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Cộng đồng người Cơ Tu sống cheo leo giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ dọc hai bên biên giới Việt - Lào. Người dân nơi bốn mùa lạnh giá này gọi thầy Pơloong Đíp (36 tuổi) là người mang đến mùa xuân.

Thầy giáo hiến đất xây làng, trồng cây làm kinh tế - Ảnh 1.

Thầy Pơloong Đíp trò chuyện cùng bà con Cơ Tu ở vùng cao biên giới - Ảnh: TRẦN HÙNG CƯỜNG

Ông Tả Ngon A Đuh - trưởng thôn Atu 2, xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam - kể: "Dân Atu 2 nhiều năm không còn đói, bà con có đất, nhà, văn minh như hôm nay có công lớn của thầy Đíp".

Hiến đất mở bản

Ông A Đuh bước ra hiên nhà văn hóa cũng là căn nhà thơm mùi gỗ mới của vợ chồng anh Pơloong Đíp, dang tay khoanh một vòng lớn vào không trung. Hướng theo ông A Đuh chỉ, ngôi làng với hàng chục mái nhà sàn kiên cố nằm quần tụ lại giữa vùng đất thoáng đãng hiện rõ.

Từng lớp dây điện kéo ngang qua tầm mắt hút vào làng. Giữa bãi đất trống là lưới bóng chuyền, thanh niên quây quần chơi bóng. Nếu không có mái nhà sàn đậm nét Cơ Tu, nhìn chẳng khác ngôi làng ở miền xuôi.

Ông A Đuh nói mảnh đất hơn 3ha trước đây vợ chồng anh Đíp trồng sâm làm kinh tế. Từ năm 2016, những hộ dân đầu tiên được anh đưa đến mảnh đất này dựng nhà sinh sống, dần dần bà con kéo về một đông. Đến nay, khu đất có 40 hộ với 172 nhân khẩu sinh sống. 

Với anh Đíp, việc hiến đất dựng làng Atu 2 là việc con cháu Atu nên làm. "Vận động được bà con về đây sống với vợ chồng tôi còn vui hơn cả thu hoạch vụ sâm được mùa" - anh nói. 

Anh Đíp nói bà con Atu muôn đời nay ở nhà tạm bợ cheo leo vách núi. Muốn đến nhà nhau phải lội đường rừng, vắt bu đầy chân. Điện không thể kéo đến bản. Vợ chồng anh tiên phong về dựng nhà ở vùng đất mới, bà con trong bản gần như ruồng bỏ anh, cho rằng Đíp là người bỏ gốc rễ, cội làng. 

Vợ khóc, nhưng Đíp vẫn tin cái gì đúng thì bà con sẽ nghe theo. Anh đến từng nhà khó khăn sống hun hút trong hẻm núi khuyên nhủ, động viên, hỗ trợ cả chi phí, công sức dựng nhà. Rồi mọi thứ đổi thay như ngày hôm nay.

Ngày học đại học tôi gặp du học sinh Lào, họ đã giúp tôi những bữa ăn qua cơn đói những ngày đầu tiên nơi thành phố xa lạ. Đó là động lực cho tôi quyết vừa làm vừa học và sau này giúp đỡ những người khó hơn mình.

Pơloong Đíp

Tuổi thơ cơ cực

Là người làm kinh tế giỏi nhất hai thôn Atu 1 và Atu 2 nhưng nhắc về những ngày cơ cực, Pơloong Đíp vẫn không giấu được bùi ngùi. Bố là người Lào gốc Thái sang Việt Nam buôn bán rồi lấy vợ. Có lẽ vì mang trong mình hai dòng máu và ngấm cái chất nhà nòi thương gia mà tư tưởng của Đíp khác nhiều với những người trong bản. 

Nhưng bố qua đời năm Đíp 3 tuổi. Gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Hồi đó dân làng đói triền miên, đi hái rau rừng, đào củ mài ăn qua bữa. Từ năm 1984-1989, Đíp dạt sang làng Pả Non (Lào) đi ở đợ, không được đến trường. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhiều ngày Đíp đứng nhìn vào lớp học. 

Thấy Đíp giải được những bài toán mà học sinh trong lớp không làm được, thầy giáo gọi Đíp vào lớp học. Học xong tiểu học, trung học, Đíp tìm xuống huyện xin giúp việc nhà vừa ôn thi đại học. Đêm đến khi làm xong hết việc, Đíp lại chong đèn học bài.

Rồi Đíp là người đầu tiên của bốn xã giáp biên giới huyện Tây Giang đỗ ĐH. Chàng trai núi rừng Trường Sơn lại tay trắng nhập học ĐH Sư phạm, rồi quyết chí học thêm bằng ĐH Nông lâm Huế. Đíp nói ký ức những ngày cơ cực tìm con chữ vẫn in sâu trong trí nhớ của anh.

Năm 2009, với hai bằng đại học trong tay, anh từ chối lời mời làm giáo viên của một trường THPT có tiếng ở TP Hội An. Anh viết đơn xin về xã Axan để thực hiện ước mơ, công tác ở Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Axan).

Giúp dân đứng trên đôi chân mình

Ngày anh mới về nhận công tác, Trường THCS Lý Tự Trọng được người ta gọi vui là "Trường Mẹ Con" bởi học sinh mới lớp 6, lớp 7 đã có vợ có chồng, đi học phải địu theo con đến lớp. Thầy Đíp quyết định phải thay đổi nhận thức về giáo dục. Hằng ngày sau giờ đứng lớp, anh cùng các thầy cô đến tận bản vận động con em đến trường. 

Nhưng việc xóa nạn tảo hôn là một vấn đề nan giải. Tuyên truyền bằng lời nói không được, anh quay sang tổ chức chương trình văn nghệ, đóng kịch phê phán nạn tảo hôn, thầy bói, thầy cúng... Bà con rất ghét những việc Đíp làm, họ giận anh đến chẳng buồn nhìn mặt.

Bằng những nỗ lực của anh và chính quyền, thôn Atu xóa hẳn nạn tảo hôn từ năm 2010. Những hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Nhà có người qua đời không còn phải mổ lợn, đâm trâu đãi làng. Thầy Đíp tổ chức quỹ khuyến học, chương trình Làng Atu nở hoa để vinh danh gương con em trong xã đậu ĐH.

Sau 4 năm, anh Đíp giữ chức phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng nhưng tiếp tục hành trình đi sâu về với bản làng. Anh nhận nhiệm vụ tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú - THCS liên xã Ch’ơm - Gari. 

Về dạy học ở trường biên giới, thầy Đíp xem đó là cơ hội được gần dân hơn. Những kế hoạch mới tiếp tục được anh Đíp vẽ ra. Sau khi hiến đất kêu gọi dân bản tập trung xuống vùng bằng phẳng sinh sống, anh bắt đầu hành trình áp dụng những gì học được trong Trường ĐH Nông lâm.

"Nhờ đi học, tôi mới nhận ra quê mình có nhiều loài cây quý, có thể nhân giống để sản xuất quy mô" - anh Đíp nói. Vợ chồng anh Đíp nuôi gà vịt, thả trâu bò, lấy phân trồng cây, canh tác đất trồng sâm, trồng táo mèo làm kinh tế. Thấy vợ chồng anh làm được, bà con làm theo, cần gì thì vợ chồng anh tận tình chỉ bày. Dần dà từ khi chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa và phó mặc cho thiên nhiên, nay bà con bản Atu làm hai vụ, biết xen canh, canh tác đất.

Giúp dân nước bạn

Dân bản Atu 2 không còn cảnh đói mùa giáp hạt. Nhưng bên kia dãy Trường Sơn, có những bản làng người Cơ Tu 10 thôn nước bạn Lào vẫn sống trong cảnh đói kém. Họ kéo sang các bản Atu xin lương thực.

Số người qua biên giới mỗi lúc một đông, bà con Atu không có gì để cho họ nữa. Thầy Đíp lại băng rừng sang nước bạn, tìm kiếm sự giúp đỡ của doanh nghiệp, đến chính quyền huyện Tây Giang, các cộng đồng phượt thủ... để có lương thực cứu đói cho 10 thôn nước bạn Lào.

Ông Riết Son La - trưởng thôn A Bưl, cụm 6, huyện Cơ Lưm, tỉnh Sê Kông, Lào - cho biết: "Năm nay mưa lũ, chuột cắn phá hết mùa màng. Đường đến các thôn biên giới Lào đều bị chia cắt, chính phủ không thể hỗ trợ kịp thời lương thực được, nên những hỗ trợ từ thầy Đíp kêu gọi cộng đồng Việt Nam giúp đỡ là rất quý".

Hành trình cõng gạo cứu đói ở vùng biên của 70 người trẻ Hành trình cõng gạo cứu đói ở vùng biên của 70 người trẻ

TTO - "Chúng tôi đến vùng biên cương hai nước Việt - Lào, tận mắt chứng kiến hiện thực khắc nghiệt khi một vụ mùa duy nhất trong năm của bà con bị sâu bọ, thiên tai tàn phá hoàn toàn. Người dân đang thiếu lương thực, nhu yếu phẩm nghiêm trọng".

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên