13/08/2022 09:47 GMT+7

Thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Gần chục năm trước, một buổi chiều Nay Lép nước da đen nhẻm, mặt hốc hác giữa rẫy mì khi theo thầy Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) chạy xe máy vào nhà bạn ở Krông Pa (Gia Lai).

Thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh - Ảnh 1.

Nay Lép cuốc rẫy mì năm 2012 khi vừa đậu đại học - Ảnh: B.D.

"Em tính không đi học, ở nhà làm 5 sào mì được anh chị chia lại này, rồi lấy vợ" - Lép ngồi khoanh chân, cúi gằm mặt, bứt ngón tay ấp úng nói trong căn nhà tứ bề lộng gió. "Nhưng sống thế nào với chỉ 5 sào mì khi tục bắt vợ đòi phải có nhiều trâu bò", thầy giáo Dậu hỏi. Khóe mắt ầng ậng nước, Lép nhìn ra vườn mì, thở dài: "Em không biết".

Cuộc đời như giấc mơ và tôi thấy mình may mắn khi từ đứa học trò mồ côi thành thầy giáo. Tôi tự hào vì bà con và cán bộ xã rất thương, hay lấy làm gương để khích lệ con em buôn làng J’Rai học tập.

NAY LÉP

Cậu trò nghèo trên rẫy mì

Xã Ia Dreh cách trung tâm huyện Krông Pa (Gia Lai) bằng con sông Ba. Vùng đất khó khăn, người dân bao đời vẫn oằn mình với các hủ tục. Việc phạt vạ, tảo hôn và kết thúc học sớm dường như đã quen thuộc với bao đứa trẻ.

Mùa thi 2012, chúng tôi nhận được điện thoại của thầy giáo Ninh Văn Dậu giữa khuya. Thầy bảo xót xa quá vì hiếm hoi mới có đứa học trò J’Rai học tốt mà khổ quá, mồ côi cha mẹ nên khó lòng lên tiếp đại học nên nhờ xem có cách gì giúp được không.

Cuối giờ dạy hôm sau, thầy Dậu chạy xe giữa con đường ngập ngụa bụi, băng qua những rẫy mì tới nhà Lép. 

Ngôi nhà thưng bằng gỗ nằm trơ trọi giữa đám mì quắt queo vì hạn. Lép không biết thầy tới, cậu đang cuốc cỏ, lưng áo đẫm mồ hôi, dáng người khắc khổ. "5 sào rẫy quanh nhà được anh chị chia phần, em vừa đi học vừa làm để có tiền mua sách vở, quần áo" - Lép ái ngại.

Lép nói muốn đi học nhưng không có tiền. "Có học bổng tài trợ, em có chịu đi không?" - thầy Dậu hỏi. Lép rớt nước mắt, cúi gằm mặt, gật đầu. Rồi cậu được đưa đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lãnh suất học bổng 5 triệu đồng. Hôm sau, Lép khoe đã xác nhận với khoa sư phạm Trường ĐH Tây Nguyên để theo học ngành giáo dục thể chất.

Thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh - Ảnh 3.

…và thầy giáo Nay Lép hiện nay - Ảnh: NVCC

Hành trình vượt dốc

Nhà Lép có tới 7 anh chị em, cậu là con thứ 5 và cũng là người được học cao nhất nhà. Mẹ Lép bị rắn cắn chết, hai năm sau cha đổ bệnh rồi cũng về với ATâu (ông bà, tổ tiên). Chuyện Lép học đến lớp 12 xếp vào loại "hiếm hoi" vì số học sinh tốt nghiệp THPT của xã Ia Dreh lúc đó đếm trên đầu ngón tay.

Không ít khó khăn với chàng trai J’Rai ấy suốt những năm đại học. Có hôm cậu gọi, ấp úng bảo chắc em bỏ học chứ học bổng chỉ đủ cầm cự năm đầu. 

Thực lòng cũng chỉ biết động viên bạn. Rồi Lép đi làm thêm. Hôm gặp cậu bưng bê cà phê ở căngtin trường, hôm lại đang mướt mồ hôi hái cà phê thuê trên rẫy, có hôm tối mịt vẫn thấy Lép theo xe tải bốc hàng.

Thực ra cậu cũng không có ý định học đại học. Lép đi thi trong tâm thế "thi cho biết được thì được, không thì thôi", chứ có đậu cũng tiền đâu mà học. Nhưng với chàng sinh viên mồ côi này, suất học bổng Tiếp sức đến trường năm ấy đã "làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi".

Năm 2016, Lép báo tin đã tốt nghiệp đại học, ra trường đúng hạn. Với số tiền làm thêm kiếm được, cậu tranh thủ hoàn thành chứng chỉ Anh văn. 

Lép cũng là thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh, nơi anh sinh ra. "Cũng vì tảo hôn, ai cũng lập gia đình sớm nên tới nay thầy Lép vẫn chưa có vợ vì con gái trong làng lấy chồng sớm quá" - Nay Lép tếu táo.

Người tốt giấu mặt

Suất học hổng ngày đó như tấm vé đưa Lép bước lên chuyến tàu đại học. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bạn đọc của Tuổi Trẻ đã âm thầm giúp Lép sau khi đọc bài viết.

Bạn kể suốt những năm đại học, cứ cuối mỗi học kỳ hầu như đều có người liên lạc, nói Lép gửi kết quả học tập. Nhưng khi bạn xin phép hỏi họ là ai, hầu như không người nào tiết lộ.

"Lúc có cô chú bảo làm ở Quảng Trị, lúc người nói ở TP.HCM. Thiệt tình cho tới giờ mình cũng không biết các cô chú ấy là ai, làm gì, ở đâu để xin gặp cảm ơn. Cuối mỗi học kỳ, sau khi mình gửi kết quả học tập đều nhận được tiền thưởng, ấy là những khoản tiền rất quý giá giúp mình vượt qua 4 năm học" - Lép kể.

Ra trường, Lép mang hồ sơ đi tìm việc nhiều nơi nhưng hầu như chỉ nhận lại cái lắc đầu. Bất lực, Lép đánh liều gọi cho "cô chú" vẫn liên lạc với mình với hy vọng tìm được chỗ làm nào đó kiếm sống.

Thế rồi một buổi trưa, Lép bất ngờ nhận cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia là ông Võ Ngọc Thành (phó chủ tịch tỉnh Gia Lai lúc đó).

Ông Thành dặn Lép xuống gặp chủ tịch UBND huyện Krông Pa khi ấy, rồi người này chỉ Lép qua gặp trưởng Phòng giáo dục và đào tạo. Vài hôm sau, Lép reo lên sung sướng khi được nhận vào dạy hợp đồng ở Trường Ia Mlah cách nhà không xa.

Thì ra người vẫn âm thầm giúp cậu trò nghèo J’Rai ấy là bạn ông Thành, đã nhờ ông phó chủ tịch tỉnh hỗ trợ cho Lép nơi đi dạy.

Sau mấy năm dạy hợp đồng, thầy giáo trẻ ấy đã thi đậu viên chức và hiện được vào biên chế tại Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên).

Bạn từng là tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường? Mời bạn kết nối lại với báo Tuổi Trẻ trong mùa học bổng thứ 20 này. Những câu chuyện, sẻ chia xin gửi về hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này.

Thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thầy giáo đầu tiên của buôn Trinh - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Truyền và hành trình đi đến phép màu Truyền và hành trình đi đến phép màu

TTO - 'Mình đã bắt đầu hành trình trải nghiệm 3 tháng tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, đúng với chuyên ngành mình học', Lê Thanh Truyền viết trong những ngày 'Tiếp sức đến trường' khởi động mùa thứ 20.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên