Một tiết học môn lịch sử của học sinh lớp 10 Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP.HCM) năm học 2022 - 2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy nhiên, nhiều trường cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể hơn việc này.
"Trường hợp đặc biệt" là thế nào?
Chị Th. - phụ huynh có con học lớp 10 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết: Con học được hơn một tháng thì nói với bố mẹ là mình đã sai khi chọn tổ hợp môn vật lý - hóa học - sinh học - tin học. Con muốn thay đổi vì có định hướng thi vào ngành tâm lý học với tổ hợp các môn xã hội.
"Tôi trao đổi với trường ngay vì nghĩ nếu thay đổi thì con chỉ phải học bù kiến thức của nhóm môn học mới trong một tháng, nhưng quy định không được phép. Hiệu trưởng giải thích muốn thay đổi phải cuối học kỳ hoặc cuối năm học.
Yên tâm với giải thích này, tôi chờ tới bây giờ khi học sinh đã kiểm tra học kỳ 1 xong mới tiếp tục đặt vấn đề với nhà trường và vẫn được trả lời là không được.
Hiệu trưởng cho biết đúng là thời điểm này thích hợp cho việc chuyển đổi, nhưng để con được đổi sang tổ hợp lịch sử - địa lý - kinh tế và pháp luật (xã hội), con phải học bù kiến thức cả học kỳ 1 của ba môn mới chọn.
Trong khi đó, nhà trường không có giáo viên và phòng học dự phòng để tổ chức dạy bù chỉ cho một vài em" - chị Th. cho biết.
Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ vỏn vẹn nội dung hướng dẫn ngắn gọn: "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở giáo dục và đào tạo".
Nhiều hiệu trưởng thắc mắc không hiểu "trường hợp đặc biệt" là thế nào? Những trường hợp học sinh phải chuyển trường theo gia đình, học sinh nhận ra mình sai lầm trong lựa chọn nên cần chọn lại theo định hướng chọn nghề thì có là đặc biệt không?
"Với những trường hợp đặc biệt - nếu có hướng dẫn cụ thể - hiệu trưởng có bắt buộc phải chấp nhận cho học sinh chuyển lựa chọn không? Vì trường tôi hiện nay để đảm bảo chương trình đã rất căng về giáo viên, nếu có nhiều học sinh chuyển đổi thì trường không đảm bảo điều kiện về giáo viên, về sĩ số học sinh/lớp.
Và căng nhất là chuyện dạy bù. Không thể bố trí giáo viên dạy bù vì ngoài thiếu giáo viên, còn phải tính toán đến thời gian, khả năng đáp ứng của học sinh khi vừa phải học học kỳ 2 vừa học bù kiến thức học kỳ 1" - một hiệu trưởng cho biết.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sở cũng nhận được những ý kiến băn khoăn về việc này từ phía các nhà trường. Trong các cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình mới, một số sở giáo dục và đào tạo cũng nêu vấn đề này và kiến nghị bộ có hướng dẫn cụ thể hơn.
Linh hoạt cho học sinh đổi tổ hợp
Tại TP.HCM, đa số các trường THPT thông tin họ linh hoạt cho học sinh lớp 10 đổi tổ hợp môn ngay từ tháng 9 hoặc tháng 10-2022.
"Khi học sinh nộp hồ sơ nhập học lớp 10, trường chúng tôi tổ chức tư vấn cho từng học sinh và phụ huynh về việc chọn tổ hợp môn.
Đến lúc có danh sách học sinh lớp 10, học sinh lại được tư vấn một lần nữa và chính thức bước vào năm học mới, học các môn theo sự lựa chọn của mình trong hai tuần.
Sau thời gian đó, các em đã phần nào biết được mình có phù hợp với sự lựa chọn từ đầu năm hay không.
Nhà trường lại tiếp tục tư vấn thêm một lần nữa để học sinh, phụ huynh cân nhắc.
Sau lần tư vấn thứ ba này, có 11 trong tổng số hơn 800 học sinh đã xin chuyển nguyện vọng và chúng tôi đáp ứng ngay.
Bởi thời điểm đó chương trình mới "đi" được hai tuần, học sinh dễ dàng bổ sung kiến thức để chuyển sang môn mới" - ông Trần Công Tuấn, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh), chia sẻ rằng trường đã cho học sinh đổi tổ hợp môn hai lần: "Sau hai tuần đầu tiên kể từ ngày khai giảng, có 4 học sinh xin đổi tổ hợp, các giáo viên sau khi tư vấn thì đồng ý cho các em đổi ngay.
Lần thứ hai là sau khi kiểm tra giữa học kỳ 1, có 2 học sinh xin đổi với lý do không thể học nổi tổ hợp cũ. Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, trường chuẩn y theo nguyện vọng của các em đồng thời phân công giáo viên bộ môn hỗ trợ để học sinh có thể đạt được những điều kiện chuyển đổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), kể: "Trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023, chúng tôi nhận được 45 lời yêu cầu của phụ huynh lớp 10 xin chuyển tổ hợp môn cho con em.
Trường động viên phụ huynh cứ cho con em học thử vài tuần xem như thế nào. Sau năm tuần thực học, tôi trực tiếp tư vấn cho từng phụ huynh và học sinh, kết quả có 9 học sinh xin điều chỉnh nguyện vọng và được đáp ứng ngay.
Ở thời điểm này, học sinh đang kiểm tra cuối học kỳ 1. Trước đợt kiểm tra, các giáo viên khối 10 cũng đã thăm dò nhưng chưa thấy có học sinh nào muốn đổi tổ hợp môn".
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Các trường chủ động quyết định
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho hay:
"Các trường THPT chủ động quyết định việc thay đổi tổ hợp môn của học sinh lớp 10 với điều kiện học sinh phải bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng để theo học môn mới thông qua bài kiểm tra; trường có khả năng bố trí và xếp lớp.
Thời điểm này các trường THPT đang tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 nên ít nhất phải hết học kỳ 1 học sinh mới có thể xin đổi tổ hợp môn".
Đảm bảo quyền lợi của học sinh
Nếu hết học kỳ 1, lại có thêm học sinh xin đổi nguyện vọng thì sao? Hầu hết hiệu trưởng các trường THPT ở TP.HCM nêu quan điểm là cần đảm bảo quyền lợi của học sinh, dù về mặt tổ chức giảng dạy là rất khó khăn và xáo trộn.
Một hiệu trưởng ở nội thành TP.HCM chia sẻ: "Cho học sinh đổi tổ hợp thì dễ rồi. Có điều bây giờ đã hết một học kỳ, làm sao để học sinh học môn mới cho kịp với các bạn đã học từ đầu năm?
Tôi nghĩ nếu chuyển thì học sinh nên để hết năm học sẽ chuyển. Trong hè, học sinh sẽ có thời gian bổ sung kiến thức cho môn mới, nhà trường cũng có điều kiện tổ chức các lớp phụ đạo cho những học sinh có nhu cầu chuyển nguyện vọng...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận