Ông Cao Văn Sang
|
- Năm học mới 2015-2016 này có hai thay đổi lớn về chủ trương, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan học sinh - sinh viên (HS-SV).
Một là, thông tư 41 liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT quy định kể từ năm 2015 thu tiền tham gia BHYT theo năm tài chính chứ không theo năm học.
Cụ thể, trước đây thu từ 1-10 năm trước đến 30-9 năm sau là 12 tháng. Nhưng năm học này do bắt đầu thực hiện thu theo năm tài chính nên phải dồn thời gian đóng lên thành 15 tháng, tức là đóng tiền tham gia BHYT từ 1-10-2015 đến 31-12-2016.
Kể từ năm 2017 sẽ thu bình thường theo năm tài chính là 12 tháng.
Hai là, mức đóng BHYT của HS-SV (cũng như các đối tượng khác) sẽ tăng từ 3% lên 4,5% của mức lương cơ sở/tháng. Sau khi đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, mỗi em còn phải đóng BHYT hơn 500.000 đồng cho 15 tháng.
* Vì sao HS-SV đang còn đi học, không phải là CB-CNV đi làm việc nhưng vẫn phải đóng BHYT theo 4,5% mức lương cơ sở?
- Nhà nước quy định mức thu như vậy thì chúng tôi thu như vậy. Chúng tôi xin nói thêm, trước đây theo Luật BHYT cũ thì các đối tượng tham gia BHYT đều đã đóng BHYT theo 4,5% mức lương cơ sở/tháng, trừ HS-SV.
Tuy nhiên, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015 đã sửa đổi mức đóng BHYT của HS-SV từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở/tháng.
* Thưa ông, vì sao thu BHYT theo năm tài chính mà không theo năm học như trước đây?
- Do thông tư 41 liên bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 24-11-2014, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015 hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi quy định như vậy.
* Sự thay đổi trên sẽ gây thêm khó khăn gì cho HS-SV?
- Hai thay đổi này là “chuyện lớn” và gây khó khăn nhất định cho các em có hoàn cảnh khó khăn do đầu năm học mới phải chi phí nhiều khoản tiền cùng một lúc như học phí, sách vở, đồng phục học sinh, tiền cơ sở vật chất, tiền ở ký túc xá và những khoản thu khác của nhà trường.
* Vì sao vẫn có trường thu BHYT 12 tháng, có trường thu 15 tháng, thưa ông?
- Có một số tỉnh đã chuyển sang thu BHYT HS-SV theo năm tài chính từ trước nên họ chỉ thu 12 tháng và kể từ ngày 1-1-2017, TP.HCM cũng chỉ thu 12 tháng đối với HS-SV.
Tại TP.HCM, có thể có trường đại học đến đầu tháng 1-2016 mới nhập học nên họ thu 12 tháng. Cũng có trường chỉ thu chín tháng đối với những sinh viên năm cuối. Thực tế việc thu số tháng dài, ngắn cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi khám chữa bệnh của các em.
* Vậy Bảo hiểm xã hội TP.HCM và Sở Giáo dục - đào tạo TP có cách nào tháo gỡ khó khăn cho các em?
- Để tháo gỡ khó khăn này, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã họp với Sở Giáo dục - đào tạo bàn phương án tháo gỡ. Cụ thể, em nào có điều kiện sẽ đóng BHYT luôn 15 tháng, em nào khó khăn chỉ đóng trước sáu tháng (từ 1-10 đến 31-3), sau đó sẽ thu tiếp chín tháng còn lại.
Với HS-SV có hoàn cảnh khó khăn thuộc gia đình hộ nghèo ở TP.HCM thì không phải mua BHYT HS-SV vì đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo.
Nếu thuộc gia đình hộ cận nghèo cũng không phải mua vì các em đã được mua BHYT theo diện hộ cận nghèo với mức đóng 30%, 70% còn lại được ngân sách TP.HCM hỗ trợ.
* Thưa ông, có thông tin cho rằng trường nào thu đủ, thu sớm sẽ được thưởng tiền, điều này có đúng không?
- Theo quy định của Luật BHYT, các đơn vị khi thu BHYT (không chỉ riêng BHYT HS-SV) đều được trích lại 4% trên tổng số tiền đóng BHYT của người tham gia BHYT để chi phí cho các hoạt động liên quan đến công tác thu. Ngoài ra không có tiền thưởng nào khác.
Nếu trường nào có số HS-SV tham gia BHYT cao thì đương nhiên sẽ được trích lại nhiều (mỗi HS-SV tham gia BHYT nhà trường được trích lại hơn 20.000 đồng).
Mức tăng BHYT học sinh, sinh viên áp dụng trong năm học 2015-2016 |
Lúng túng vì quy định cứng Theo ông Trần Đình Liệu - trưởng ban thu (Bảo hiểm xã hội VN), Luật bảo hiểm y tế mới không quy định, nhưng thông tư 41 của liên bộ Y tế - Tài chính lại quy định cứng việc thu BHYT HS-SV tính theo năm tài chính, thời hạn sử dụng thẻ 6 tháng hoặc 1 năm thay vì tính theo năm học như trước đây. Vì vậy đã xuất hiện một giai đoạn “giao thời” là năm học này thu BHYT 6 tháng hay 1 năm đều không đúng theo năm tài chính, mà thu một lần BHYT luôn cho 15 tháng thì khó khăn vì ảnh hưởng đến túi tiền người dân. “Hiện có nhiều địa phương nói khó thực hiện nếu thu luôn 15 tháng. Chúng tôi đã có đề xuất với Bộ Y tế nên thu BHYT theo năm học như trước đây, Bộ Y tế thì đồng ý nhưng Bộ Tài chính thì chưa đồng ý vì cho rằng việc thu chi phải thực hiện theo năm tài chính. Trong giai đoạn “giao thời” này, do chưa có hướng dẫn mới, chúng tôi khuyến cáo các địa phương thu ba tháng cuối năm 2015 trước, sau đó sẽ thu phí năm kế tiếp” - ông Liệu cho biết. Tuy nhiên, khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy hầu hết các địa phương vẫn thực hiện thu BHYT cho 15 tháng, tính từ tháng 10-2015 đến hết năm 2016. Một chuyên gia về BHYT cho biết ở quê ông (tỉnh Phú Thọ) cũng thu 15 tháng và rất nhiều gia đình nông dân phàn nàn vì họ đã khó khăn, nay có hai đứa con đi học riêng tiền BHYT đã phải chi cùng lúc hơn 1 triệu đồng, chưa kể nhiều khoản sách vở, đồng phục, tiền xây dựng trường và cơ sở vật chất đầu năm nên đã khó càng thêm khó. Bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - nói: “Việc tăng mệnh giá thẻ từ 3% lên 4,5% lương cơ bản thật ra để phần đóng gần tương đương phần chi, đẩy chất lượng dịch vụ y tế lên thêm. Hiện các bệnh viện mới thu 3/7 cấu phần tạo nên dịch vụ y tế, và đa số các tỉnh mới thu 80% của ba cấu phần này, nếu tính đúng tính đủ thì mệnh giá thẻ như cũ - 289.000 đồng/năm/học sinh - là thấp”. Cũng theo bà Hương, hiện ngoài 30% mệnh giá thẻ là hỗ trợ từ ngân sách cho 100% HS-SV, ngoại trừ nhóm HS-SV nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí, nhóm cận nghèo được hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ, nhóm mới thoát nghèo cũng được tính hỗ trợ mua thẻ như nhóm nghèo. Tuy nhiên tỉ lệ HS-SV tham gia BHYT mới đạt 86%. Bà Hương cho rằng giải pháp lâu dài là các địa phương phải rà soát kỹ, cấp và hỗ trợ chi phí tham gia BHYT cho HS-SV nghèo, cận nghèo, đồng thời hỗ trợ 30% chi phí cho nhóm HS-SV còn lại, đảm bảo phổ cập BHYT cho HS-SV. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận