16/01/2014 03:00 GMT+7

Thất vọng về hai bộ sách

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TT - Vừa qua, chúng tôi được nhà trường phát cho bộ sách Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn toán lớp 5 và bộ sách Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn tiếng Việt lớp 5 do Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm Hà Nội in ấn, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1-2013.

Khi nhận được bộ sách mới này, giáo viên chúng tôi rất mừng vì dạy học tích cực là xu hướng giảng dạy hiện nay và giáo viên chúng tôi luôn muốn tìm hiểu những cái mới, cái hay về phương pháp để ứng dụng trong thực tế nhưng nguồn tham khảo rất hiếm hoi.

Sách được trình bày dưới dạng giáo án, từng bài, từng tiết học nên khi đọc giáo viên rất dễ so sánh với giáo án mình đang sử dụng và thực tế khi dạy ở lớp. Thế nhưng khi đọc xong, chúng tôi hoàn toàn thất vọng bởi không tìm thấy được phương pháp dạy học tích cực ở điểm nào.

Ở môn tiếng Việt, các bước lên lớp không thấy đổi mới nếu không nói cũ kỹ, nhất là môn tập đọc. Phần luyện đọc là cách xưa cũ, phần hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài chỉ sử dụng phương pháp vấn đáp như cách dạy truyền thống mấy mươi năm trước. Hiện nay trong thực tế giảng dạy, giáo viên chúng tôi đã sử dụng nhiều hình thức, phương pháp để học sinh tích cực hoạt động hơn.

Phần “Đồ dùng dạy học” của sách biên soạn cũng quá lạc hậu với thực tế. Cụ thể như bài chính tả (nghe viết) Việt Nam thân yêu ở trang 10 tập1: “B. Đồ dùng dạy học - phiếu bài tập ghi nội dung bài tập 2, sách giáo khoa trang 6. - Tờ giấy A0 ghi nội dung bài tập 3, SGK trang 7”. Từ rất lâu, chúng tôi đã không sử dụng phiếu luyện tập và giấy A0 ghi nội dung bài học, bài tập trong sách giáo khoa nữa. Bởi qua thực tế thực hiện, mọi người đều nhận ra rất hoang phí vì dạy xong chỉ một tiết rồi vứt bỏ. Đồ dùng dạy học hiện nay phải đảm bảo tiết kiệm kinh phí, tiện dụng, dạy được cho nhiều môn, nhiều tiết...

Ở môn toán, các bước dạy phương pháp không có gì mới lạ. Những phần được gọi là mới thì đọc xong giáo viên không biết thực hiện thế nào! Cụ thể như bài 70: Chia một số thập phân cho một số thập phân trang 225 tập 1, “Hoạt động 1: Trò chơi: Khởi động kiến thức có liên quan” phần “Hoạt động của giáo viên” được hướng dẫn như sau: “Gọi một học sinh nêu quy tắc chia một số thập phân cho một số tự nhiên? (thực hành chia: 235,6: 62) và giải thích cách chia (ở dưới lớp làm nháp)./ Gọi học sinh thứ hai nêu tính chất thương của phép chia như thế nào khi nhân cả số bị chia và số chia với cùng một số tự nhiên khác 0./ Để biết cách chia một số thập phân cho một số thập phân ta làm như thế nào, hôm nay chúng ta học bài “chia một số thập phân cho một số thập phân” - ghi tên bài học”. Đọc xong, chúng tôi không biết đây là trò chơi gì, cách chơi ra sao? Nhưng trong sách có nhiều bài đã chỉ cách chơi như thế!

Những người biên soạn sách đã không cập nhật những phương pháp, hình thức dạy học tích cực mà hiện nay giáo viên đã và đang thực hiện trong thực tế, cũng như không mạnh dạn đột phá sáng tạo thêm được những hình thức, phương pháp mới mẻ nào để giáo viên thử áp dụng trong thực tế. Đồng thời, chúng tôi rất tiếc số tiền nhà trường đã chi ra mua sách cho chúng tôi tham khảo nhằm nâng cao chuyên môn giảng dạy. Chúng tôi cũng tiếc thời gian đã đọc bộ sách này. Giáo viên chúng tôi luôn chờ mong những bộ sách, những tài liệu hướng dẫn giảng dạy có chất lượng để nâng cao nghiệp vụ của mình.

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sách bộ sách