18/09/2023 09:07 GMT+7

Thắp sáng bản đồ thể thao châu Á

Chỉ trong 15 năm qua, các quốc gia Đông Á đã tổ chức ít nhất sáu kỳ đại hội thể thao tầm cỡ - từ Asiad, Olympic mùa hè cho đến Olympic mùa đông, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc.

Các tình nguyện viên ở trung tâm báo chí làm việc xuyên suốt để hỗ trợ cánh truyền thông - Ảnh: H.Đ.

Các tình nguyện viên ở trung tâm báo chí làm việc xuyên suốt để hỗ trợ cánh truyền thông - Ảnh: H.Đ.

Theo thứ tự thời gian, đó là Olympic Bắc Kinh 2008, Asiad Quảng Châu 2010, Asiad Incheon 2014, Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, Olympic Tokyo 2020 và Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022. 

Tất cả đều được đánh giá rất cao về công tác tổ chức, chất lượng giải đấu cũng như sự đầu tư của ban tổ chức.

Các sự kiện thể thao đã trở thành biểu tượng cho tốc độ phát triển kinh tế của ba "con hổ châu Á" Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Những giải đấu do ba quốc gia này đăng cai không hề thua kém những cường quốc phương Tây về độ quy mô hay khoa học công nghệ, thậm chí đôi lúc còn vượt hơn. 

Đi cùng đó là chất lượng chuyên môn thể thao. Đôi lúc, những kỳ Asiad diễn ra tại Trung Quốc hay Hàn Quốc mang đến cảm giác chẳng khác gì một kỳ Olympic.

Và Asiad Hàng Châu 2022 (vì đại dịch nên phải dời sang năm 2023) hứa hẹn sẽ là một kỳ đại hội như thế. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị trước thềm ngày thi đấu đầu tiên, ban tổ chức đã cho thấy sự nghiêm túc của mình. 

Hàng Châu là thành phố đăng cai chính thức, nhưng khắp các sân bay quốc tế ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến..., đội ngũ tình nguyện viên đã túc trực xuyên suốt. Các du khách hầu như không thể lạc bước dù chỉ một chút.

Tương tự ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, ngoại ngữ là điểm yếu của các tình nguyện Trung Quốc. Nhưng mặt khác, sự nhiệt tình và công nghệ phiên dịch giọng nói là đủ để bù đắp. 

Cánh phóng viên chúng tôi đã được trải nghiệm trong ngày đầu tiên đặt chân đến Hàng Châu. Dù mất khá nhiều thời gian, du khách có thể tin tưởng tìm được điểm đến lý tưởng nhờ sự hỗ trợ tận tình của các tình nguyện viên.

Hàng Châu nổi tiếng là thành phố du lịch với đầy đủ tiện nghi về phương tiện công cộng. Và việc đăng cai Asiad càng giúp giao thông tại đây thuận tiện hơn. 

Để hỗ trợ cho việc tổ chức kỳ đại hội thể thao châu Á, thành phố Hàng Châu đã xây dựng thêm một tuyến tàu điện ngầm (số 19), đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022. Chuyến tàu này sẽ di chuyển qua khá nhiều địa điểm thi đấu ở Asiad 19. 

Ngoài ra, nhiều chuyến tàu điện ngầm khác cũng tham gia phục vụ du khách ở đại hội. Một số trạm dừng cũng được đổi tên thành các địa điểm thi đấu để giúp du khách dễ dàng nhận biết mình đang đi đến đâu.

Mạng lưới xe buýt đưa đón các VĐV, HLV và phóng viên cũng khá dày đặc. Thêm vào đó là hệ thống cho mượn xe đạp luôn đặt sẵn ở mọi tuyến đường, mọi trạm tàu điện ngầm nhằm giúp tiết kiệm thời gian. 

Chỉ với chiếc điện thoại, du khách có thể dễ dàng mượn được xe đạp rồi di chuyển đến các trạm tàu điện ngầm gần đó.

Và ở các địa điểm thi đấu, ở làng VĐV, ở trung tâm báo chí, rất nhiều tiện nghi khác cũng đang chờ đón những vị khách quốc tế.

Năm 1986, Hàn Quốc đăng cai kỳ Asiad đầu tiên tại thủ đô Seoul. Trong vòng 30 năm tiếp theo, họ còn đăng cai thêm hai kỳ Asiad nữa là Busan 2002 và Incheon 2014. 

Sự mở rộng về kinh tế, du lịch ở Hàn Quốc cũng theo chân các kỳ đại hội thể thao châu Á ngày càng lan tỏa từ thành phố lớn nhất nước đến những thành phố khác.

Trung Quốc cũng gần tương tự khi họ đã tổ chức Asiad Quảng Châu chỉ hai năm sau kỳ Olympic Bắc Kinh. Hàng Châu - thành phố du lịch vốn đã quá nổi tiếng của người Trung Quốc - có thể sẽ là điểm sáng tiếp theo trên bản đồ thể thao của châu Á.

Điền kinh Việt Nam: Tập trung cao độ cho ASIAD 19Điền kinh Việt Nam: Tập trung cao độ cho ASIAD 19

Tại ASIAD 19, môn điền kinh sẽ tranh tài từ ngày 29-9 đến 7-10. Dù vậy hiện một số thành viên chủ chốt của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã sang Trung Quốc tập huấn nhằm chuẩn bị cho đại hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên