Nhân viên ngân hàng VietBank giao dịch với khách hàng - Ảnh: Thanh Đạm |
Nhưng đằng sau món quà là nhiều vấn đề cần giải quyết, nếu muốn tận dụng cơ hội này để phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm.
Lạm phát thấp, mỗi người phải giải bài toán mới. Với hàng triệu người gửi tiền ngân hàng từ nhiều tháng qua đã kiên trì chọn gửi kỳ hạn ngắn với hi vọng lạm phát cao trở lại kéo lãi suất tăng theo, nay phải nhẫn nại chờ.
Ngân hàng thì phải vận dụng nhận gửi dài hạn nhưng cho rút linh hoạt mới có thể biến vốn ngắn hạn thành dài hạn để cho vay. Cách làm này chỉ là tình thế bởi lãi suất nhích lên là dòng vốn lại bị xáo tung.
Nhưng chưa hẳn gửi tiền ngắn hạn để chờ lãi suất tăng là lựa chọn hợp lý, bởi không chắc quy luật lạm phát thấp rồi lại tăng cao sẽ lập lại. Nếu tiếp tục lạm phát thấp như năm 2014, những người chờ thời sẽ bị thiệt.
Còn với doanh nhân, họ cũng đang chờ. Ngân hàng muốn đưa vốn ra, doanh nghiệp cũng muốn vay để đầu tư nhưng không biết tới đây lãi suất ra sao. Bây giờ đặt bút ký vay tiền, năm sau lãi suất giảm thêm thì khó lắm. Doanh nhân không vay vốn đầu tư, lấy đâu ra sức mua cho nền kinh tế.
Sự chần chừ và không rõ ràng này đã khiến đồng vốn đọng ở ngân hàng. Từ chỗ là máu huyết phải lưu thông để nuôi dưỡng nền kinh tế, tạo công ăn việc làm thì đồng vốn như “sống nhờ, ở tạm”. Ai cũng chờ, người có tiền không dám xài, người muốn xài lại ngại vay...
Chưa hết, giá xăng dầu giảm cũng làm nhà hoạch định chính sách đau đầu do chưa lường hết biến động của thị trường để có định hướng rõ ràng cho nền kinh tế. Mới ngày nào còn dặn dò nhau kềm giá ở mức 5-7%/năm thì nay so với cuối năm trước, chỉ số giá chỉ tăng hơn 2%.
Giữa chỉ tiêu kế hoạch và thực tế một lần nữa lại là khoảng cách lớn bởi yếu tố ít ai ngờ tới. Trước đây lạm phát bị kích bởi cả ba mũi: ngân hàng cho vay nhiều, chi tiêu công quá tay, còn giá thế giới như ngựa chứng.
Khi cơ quan quản lý siết chặt tín dụng, kiểm soát chi tiêu công thì bất ngờ nay ngựa chứng giá cũng tự quy hàng.
Nhưng sự quy hàng này là nhất thời hay bền vững để có thể nới tín dụng cho thị trường thêm tiền, có sức mua lại là ẩn số. Lỡ tin rằng giá giảm rồi đưa tiền ra nhiều, bất ngờ giá tăng thì lại vỡ trận kiểm soát lạm phát...
Tuy khó nhưng mọi người và cả thị trường đang cần hướng đi rõ ràng và cơ quan quản lý chính là người đưa ra định hướng đó. Muốn vậy những nơi này phải làm chủ các yếu tố tác động đến giá cả.
Chưa chắc tay, phải siết các chỉ tiêu có thể gây ra lạm phát cao lại kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Như vì sợ lạm phát cao mà Ngân hàng Nhà nước chần chừ giảm trần lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay giảm chậm, dòng tiền phải tạm trú ở ngân hàng...
Dòng vốn chỉ được khơi thông, không khí làm ăn chỉ thay cho tâm lý chờ thời nếu cơ quan quản lý chứng minh để mọi người tin rằng quy luật lạm phát thấp rồi cao chỉ là quá khứ.
Giá giảm là một tin vui nhưng chậm xóa đi tâm lý chờ đợi hết thấp rồi cao, cơ hội sẽ trôi qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận